Apple (Mỹ) và Oppo (Trung Quốc) là 2 thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại thị trường Trung Quốc trong quý I/2023, trong bối cảnh thị trường này đang bị “thu hẹp” tại đây.
Theo số liệu mới nhất do IDC cung cấp, Oppo trụ sở Thâm Quyến có tỷ lệ lô hàng xuất xưởng lớn nhất, đạt mức 19,6%, theo sau là iPhone của Apple. Trong khi đó, ước tính của CounterPoint và Canalys xếp mẫu điện thoại của Apple ở vị trí dẫn đầu, song không quá chênh lệch với thương hiệu của Trung Quốc.
Apple từng giành vị trí dẫn đầu ở Trung Quốc trong quý 4/2022 sau khi phát hành dòng iPhone 14 và 14 Pro. Counterpoint Research cho biết, Apple chiếm gần 24% doanh số smartphone của Trung Quốc trong quý 4/2022 và là nhà cung cấp smarphone hàng đầu ở nước này. Hơn nữa, Apple lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp smarphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm (2022). Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ bị sụt giảm doanh số smartphone so với năm 2021, nhưng nhỏ hơn so với các đối thủ Trung Quốc như Vivo, Oppo và Xiaomi.
Thị trường smartphone Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm ở mức hai con số trong phần lớn năm 2022, trước hết là doanh số smartphone Android giảm mạnh, chẳng hạn các sản phẩm của Oppo, sau đó ảnh hưởng đến cả iPhone.
Canalys cho hay, các chuyến hàng đến đại lục đã giảm 11% trong quý đầu tiên so với năm ngoái, mức thấp nhất trong một thập kỷ trở lại đây. IDC nói rằng việc giảm giá các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max đã cải thiện tình hình trong tháng 2 dù phiên bản màu vàng của Apple không tạo được cú hích đáng kể. Vào đầu tháng 3, Apple đã ra mắt màu mới với hy vọng thu hút người mua - với giá thấp nhất là 5.999 nhân dân tệ (870 USD) tại Trung Quốc.
Còn đối với Oppo, hãng đã bán được nhiều sản phẩm có mức giá cao hơn dự kiến trong quý vừa qua. Việc tăng trưởng một phần là nhờ thương hiệu con OnePlus quay trở lại thị trường nội địa, cùng với dòng điện thoại gập mới ra mắt của hãng đã nhận được nhiều đón nhận tích cực.
Chiếc điện thoại mới ra mắt Find N2 Flip là smartphone gập dạng vỏ sò đầu tiên của công ty. Với thiết kế bản lề Flexion Hing, người dùng sẽ khó thấy nếp gấp trên màn hình Find N2 Flip so với các smartphone có thiết kế tương tự trên thị trường hiện nay. Sau khi ra mắt, dòng điện thoại này đã được đông đảo người dùng lựa chọn, qua đó thúc đẩy doanh thu hãng.
Samsung Electronics, công ty hàng đầu thế giới về smartphopne và điện thoại có thể gập, chỉ có một sự hiện diện nhỏ ở Trung Quốc. Tại đây, hầu hết nhà sản xuất điện thoại địa phương hiện có ít nhất một mẫu smartphone có thể gập được bán.
Song, không có nhà cung cấp nào trong số 5 thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương. Vivo, Honor Mobile và Xiaomi là những cái tên đang dẫn đầu, nhưng đều cho thấy sự suy yếu đáng kể so với cùng kỳ.
Dữ liệu chính thức cho thấy sản lượng smartphone giảm 13,8% tại Trung Quốc vào năm 2022. Thị trường smartphone toàn cầu cũng bị tổn thương do suy thoái kinh tế bởi lạm phát và lãi suất gia tăng.
GDP của Trung Quốc đã tăng 4,5% trong quý đầu tiên, vượt qua kỳ vọng và các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang thực hiện các kế hoạch để kích thích nhu cầu hơn nữa. Tuy nhiên, các nhà kinh tế kỳ vọng hầu hết người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chi tiêu thận trọng trong năm tới
Nhà phân tích Lucas Zhong của Canalys cho biết, trong báo cáo hôm 27.4: “Đại dịch đã ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng trong trung và dài hạn, khi họ có xu hướng chi tiêu cho những nhu yếu phẩm và tiết kiệm một số tiền nhất định. Các nhà cung cấp cần đưa ra những sản phẩm thuyết phục để kích thích người dùng nâng cấp smartphone”.
Ngoài doanh số bán hàng trong nước này sụt giảm, căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng thúc đẩy các thương hiệu điện tử như Apple tìm kiếm các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam. Đó là hai trong số các địa điểm ở châu Á được các nhà lắp ráp điện tử sử dụng để đa dạng hóa địa lý hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.
Việc chính quyền Biden hạn chế thương mại với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc cũng hạn chế tham vọng chip của Bắc Kinh, vì các nhà sản xuất địa phương không còn khả năng tiếp cận một số công nghệ để chế tạo chip tiên tiến.
Thu Hà (t/h)