Mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư, BigTech Trung Quốc chèn ép các doanh nghiệp nhỏ trong nước

11:09 12/08/2021

Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào những công ty Trung Quốc dường như đã mất cảnh giác trước những báo động đến từ Bắc Kinh nhằm kìm hãm những gã khổng lồ công nghệ trong nước, bao gồm cả cổ phiếu niêm yết quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Cuối tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp giáo dục Trung Quốc đã phải nhanh chóng tái cơ cấu và phía nhà nước mạnh tay loại bỏ đầu tư nước ngoài. Những sự vụ này diễn ra sau cuộc thanh trừng IPO của ứng dụng gọi xe Didi tại New York. Cổ phiếu Didi đã giảm hơn 30% kể từ khi niêm yết. KraneShares CSI China Internet ETF (KWEB) nắm giữ số cổ phiếu hàng đầu bao gồm các cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ như Alibaba và JD.com, đã giảm 29% trong 60 ngày giao dịch qua.

Zhu Ning, giáo sư tài chính tại Viện Tài chính Thượng hải cho biết: “Có lẽ điều đặc biệt quan trọng mà các nhà đầu tư quốc tế cần lưu ý là sự thay đổi lớn và sâu sắc về tư duy triết học trong chính sách kinh tế. Họ cần phải biết điều gì quan trọng hơn trong nền kinh tế Trung Quốc và có sự chuẩn bị”. Cụ thể, Zhu chỉ ra cam kết chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là mang lại “sự thịnh vượng chung”, sự giàu cócho tất cả mọi người, trái ngược với tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng của đất nước.

Chính phủ “nổi giận” với giới BigTech

Chính phủ Trung Quốc đã bảo vệ Alibaba khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài trong nhiều năm, cho đến khi công ty phát triển lớn mạnh dưới thời người sáng lập Jack Ma, đến nỗi nhà chức trách đột ngột đình chỉ đợt IPO khổng lồ của Ant Group vào tháng 11 và phạt Alibaba 18,23 tỷ nhân dân tệ vào tháng 4. Sự phẫn nộ đối với các công ty công nghệ tương tự cũng đang gia tăng ở Trung Quốc, đặc biệt là từ các doanh nghiệp nhỏ cảm thấy bị chèn ép bởi những người khổng lồ kỹ thuật số.

Một chủ nhà hàng ở Bắc Kinh yêu cầu giấu tên do lo ngại sợ bị trả thù và cạnh tranh bởi các dịch vụ giao đồ trực tuyến cho biết: “Nghe có vẻ như các nền tảng internet cung cấp cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn nhưng đồng thời cũng đặt thêm gánh nặng tài chính lên người kinh doanh nhỏ lẻ”. Ban đầu chủ hàng đã đăng kí cơ sở kinh doanh trên Meituan, nền tảng giao đồ ăn thống trị thị trường nội địavào đầu năm 2019 và trả phí hoa hồng là 18%. Cô cho biết nhân viên của Meituan giới thiệu đây là mức phí thấp nhất hiện có trên thị trường nên cô chẳng thể đăng kí thêm trên các ứng dụng khác. Khi đại dịch cắt đứt doanh thu từ nguồn cung duy nhất, cô đã tìm hiểu nền tảng giao đồ ăn Ele.me là đối thủ cạnh tranh của Meituan. Người phụ nữ sau đó đã nhận hàng trăm cuộc gọi giận dữ của nhân viên Meituan, yêu cầu cô phải trả 25% phí hoa hồng cao hơn nếu không xóa Ele.me. Cuối cùng người này đã quyết định bỏ bán hàng trên Meituan.

Ứng dụng giao đồ ăn này cũng bị chỉ trích vào năm ngoái vì bị cáo buộc trả lương các tài xế giao hàng quá thấp mặc dù những người này được cho là nhóm nguy cơ bị thương hoặc tử vong cao do vội vã giao hàng nhằm kịp thời gian tính theo thuật toán.

Gia tăng chỉ trích

Cuối tháng 7, cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các cuộc điều tra độc quyền và yêu cầu các nền tảng giao hàng thực phẩm trả lương theo mức tối thiểu tại địa phương. Cũng trong đầu tháng đó, Hội đồng Nhà nước đã quyết định loại bỏ các hạn chế đối với khả năng tiếp cận các chương trình bảo hiểm y tế và lương hưu của 200 triệu công nhân thuộc nền kinh tế địa phương. Các thay đổi chính sách diễn ra khi các tổ chức truyền thông báo chí Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ chính phủ, liên tục chỉ trích các công ty công nghệ Trung Quốc và văn hóa làm việc bóc lột.

Đầu năm nay, hai nhân viên của hãng thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo được cho là đã chết do làm việc quá sức. Mùa hè năm nay, các công ty video ngắn Kuaishou và sau đó là công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã ngừng chính sách yêu cầu nhân viên thường xuyên làm việc vào cuối tuần.

Yang Guang, chủ một cửa hàng tiện lợi tại Bắc Kinh cho hay: “Nếu tất cả những nhu cầu cuộc sống hàng ngày đều do một hoặc hai công ty kiểm soát thì làm sao chúng tôi có thể kinh doanh” và cho biết anh không muốn đăng kí cửa hàng trên các nền tảng giao hàng như Meituan hoặc Ele.me do mức phí 15% đến 25%. Thay vào đó, anh và vợ tự giao hàng cho những khách hàng lân cận, giao tiếp với họ thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat.

Các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn

Theo một thống kê chính thức, Trung Quốc có khoảng 139 triệu doanh nghiệp nhỏ trên khắp đất nước. Gần đây nhất, các doanh nghiệp nhỏ thường được nhắc đến trong các cuộc họp chính phủ về những khó khăn trong hoạt động và Bắc Kinh nỗ lực ra sao để hỗ trợ nhóm này.

Có thể thấy, cuộc đàn áp chống độc quyền mới nhất đã tập trung vào việc hạn chế các hoạt động mang tính chọn lựa 1 trong 2 và tăng cường bảo vệ dữ liệu. Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết các nhà chức trách đang “cố gắng giải quyết vấn đề bất bình đẳng thu nhập” trong năm nay bởi đây là cơ hội hiếm có để giải quyết các vấn đề dài hạn mà không cần lo lắng về tăng trưởng trong bối cảnh Covid-19.

Các quan chức đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% cho năm 2021, tương đối thấp so với mức tăng trưởng 8% hoặc 8,5% mà nhiều nhà kinh tế dự đoán. Zhang cũng nhấn mạnh: “Cường độ gia tăng chính sách tăng cao một cách đáng ngạc nhiên”. Ông cho rằng sẽ rất hữu ích nếu các nhà chức trách hỗ trợ nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Hướng đi mới cho khởi nghiệp

Cổ phiếu ngành giáo dục Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ đã lao dốc hai con số chỉ trong một ngày vào tháng trước sau khi chính sách mới buộc các công ty dạy thêm sau giờ học phải tái cơ cấu trở thành tổ chức phi lợi nhuận và cấm đầu tư từ vốn nước ngoài.

Hongye Wang, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Antler, cho hay các công ty dạy kèm thường lợi dụng việc phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi trả chi phí cao ngất trởi để con cái được rèn luyện giáo dục. Có nghĩa là, chỉ trong hai năm, các nhà đầu tư như Wang có thể nhận được lợi tức gấp 5 lần từ các công ty giáo dục bất kể môi trường kinh tế biến động. Do đó, mục đích của chính sách mới của chính phủ là giảm chi phí giáo dục, đặc biệt là cho những người nghèo hơn sống ở các vùng nông thôn, đồng thời nhà nước cũng muốn cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ chăm sóc y tế.

Sự giám sát của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc diễn ra khi các nhà đầu tư và cơ quan quản lý tài chính Hoa Kỳ ngày càng lo lắng về rủi ro pháp lý đầu tư vào Trung Quốc. Cuối tháng 7, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, Gary Gensler đã thông báo rằng các công ty Trung Quốc cần chắc chắn liệu Bắc Kinh có cho phép họ niêm yết trên các sàn giao dich của Hoa Kỳ hay không. Nick Xiao, phó chủ tịch của công ty quản lý tài sản Hywin có trụ sở tại Hồng Kông, chi sẻ đối với các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, không chắc chắn về khả năng niêm yết cổ phiếu có thể hạn chế khả năng huy động vốn.

TL