Mã số vùng trồng như sổ hộ chiếu đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa thị trường quốc tế

23:55 15/11/2021

Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, thực hiện quy định về kiểm dịch thực vật của nhiều nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính, Bộ đã giao Cục BVTV chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cácc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giám sát, quản lý và cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt yêu cầu. Đến nay, đã cấp được hơn 2.000 MSVT và trên 1.700 mã số cơ sở đóng gói cho nhiều loại cây trồng khác nhau.

Xây dựng mã số vùng trồng cho khoai lang

Tỉnh Vĩnh Long đã xác định cây khoai lang là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh sau cây có múi và cây lúa. Trong đó, huyện Bình Tân là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn, chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả khu vực ĐBSCL. Diện tích sản xuất khoai lang hàng năm khoảng 12.000 - 13.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 350.000 - 362.500 tấn/năm. 

Vĩnh Long đang chú trọng việc triển khai cấp mã số vùng trồng cho cây khoai lang nhằm sẵn sàng các điều kiện xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Vĩnh Long đang chú trọng việc triển khai cấp mã số vùng trồng cho cây khoai lang nhằm sẵn sàng các điều kiện xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ nông dân rất nhiều chương trình, dự án. Trong đó có thực hiện xây dựng MSVT phục vụ xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương như bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long và khoai lang sang các thị trường Mỹ, Nhật, Hà Lan... và thị trường Trung Quốc.

Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay. Cụ thể thị trường truyền thống dễ tính trước đây như Trung Quốc cũng siết chặt kiểm dịch thực vật và các quy định về tem nhãn truy xuất nguồn gốc, MSVT cũng như mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long thực hiện tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế và nộp hồ sơ đề nghị cấp MSVT, cơ sở đóng gói về Bộ NN-PTNT để làm cơ sở cấp mã số theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đồng thời, Cục BVTV đã nhận được văn bản của Vụ An toàn thực phẩm Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về các nội dung liên quan đến việc xuất khẩu ớt và khoai lang tím từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Qua đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác rà soát các vùng trồng khoai lang tím đảm bảo đáp ứng các tiêu chí từ phía Trung Quốc đưa ra. Cụ thể là các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên khoai lang.

Đặc biệt là 10 loài sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm hồ sơ ghi chép quá trình canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng, danh mục thuốc BVTV sử dụng đảm báo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói và nhằm đáp ứng hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc cấp MSVT và truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.

Để đủ điều kiện được cấp MSVT, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác …

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu, tăng uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.

"Cấp hộ chiếu" cho ớt  Yên Định (Thanh Hóa) xuất khẩu

Những năm trước, hầu hết sản phẩm ớt sau thu hoạch sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Malaysia, một số nước Châu Âu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, gần đây, các đối tác nhập khẩu là Trung Quốc và Maliaysia yêu cầu ớt phải có mã số vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. 

Vì vậy, để bảo đảm thị trường tiêu thụ, giữ và nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng ớt và “mở đường” cho việc xuất khẩu các nông sản khác, thời gian qua, huyện Yên Định đã và đang nỗ lực xây dựng 15 vùng với tổng diện tích 135 ha để cấp mã số vùng trồng cho diện tích trồng ớt xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho hay, việc xây dựng mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn chủ yếu canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Mã số vùng trồng yêu cầu quy trình sản xuất nghiêm ngặt, công lao động và chi phí đầu tư tăng cao, trong khi đó năng suất có thể giảm so với sản xuất thông thường nên nhiều hộ dân có tâm lý e ngại không muốn tham gia.

Quá trình xây dựng mã số vùng trồng cần chi phí kiểm định mẫu đất, mẫu nước ban đầu khá cao (khoảng 18 triệu đồng/vùng). Trong khi đó, UBND huyện Yên Định lại chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ, nên chưa tạo được động lực cho người dân.

Để khắc phục những khó khăn, cùng với việc đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, vận động, khuyến khích các hộ dân xây dựng vùng chuyên canh trồng ớt, UBND huyện Yên Định đã mời Trung tâm Kiểm dịch thực vật nội địa tổ chức tập huấn cho giám đốc các HTX dịch vụ nông nghiệp, công chức phụ trách nông nghiệp, cán bộ khuyến nông của 14 xã, thị trấn về nội dung hướng dẫn thực hiện thiết lập mã số vùng trồng.

UBND huyện Yên Định cũng đã làm việc với 2 doanh nghiệp và 11 HTX có đăng ký thiết lập mã số vùng trồng về việc xây dựng mã cơ sở đóng gói.

Trên cơ sở hồ sơ, đề nghị của UBND huyện Yên Định, đoàn công tác chuyên ngành của Trung tâm Kiểm dịch thực vật nội địa, thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã đi kiểm tra toàn bộ 24 vùng có tờ khai kỹ thuật. Kết quả đánh giá cho thấy, huyện Yên Định có 15 vùng sản xuất, với 135 ha và 2 cơ sở đóng gói của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm và Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai bảo đảm yêu cầu có thể đăng ký cấp mã số vùng trồng.

Minh Duy (tổng hợp)