Lý do gì khiến Apple xóa 2 nền tảng WhatsApp và Threads tại Trung Quốc?

15:07 19/04/2024

Tình hình nêu bật những thách thức đang diễn ra mà các công ty công nghệ phải đối mặt khi điều hướng bối cảnh phức tạp của các quy định quốc tế và quản trị internet.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, Apple đã xóa 2 nền tảng WhatsApp và Threads, cùng thuộc sở hữu của Meta, khỏi cửa hàng ứng dụng App Store ở Trung Quốc. Động thái này đáp lại yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, nhà sản xuất iPhone cũng đã loại bỏ các dịch vụ nhắn tin khác như Telegram và Signal. Là hãng công nghệ luôn tuân thủ chế độ kiểm duyệt Internet gắt gao bậc nhất thế giới của Trung Quốc, Apple cho biết, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh gỡ bỏ các ứng dụng này vì lo ngại an ninh quốc gia.

“Chúng tôi có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp ở những quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, ngay cả khi chúng tôi không đồng ý”, đại diện Táo khuyết khẳng định.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả Apple và Meta đều chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận về các chi tiết của báo cáo của Wall Street Journal. Tình hình nêu bật những thách thức đang diễn ra mà các công ty công nghệ phải đối mặt khi điều hướng bối cảnh phức tạp của các quy định quốc tế và quản trị internet.

Threads mới có mặt tại Trung Quốc từ tháng 7 năm ngoái và nhanh chóng trở thành một trong năm ứng dụng hàng đầu. Trung Quốc đã cấm truy cập dịch vụ của Meta, vì thế việc Threads tồn tại gần một năm trở nên khá bất ngờ. WhatsApp kéo dài trên App Store cũng là một điều ngạc nhiên tương tự.

Mặc dù vậy, theo Reuters, những người dùng Trung Quốc am hiểu công nghệ vẫn có thể tải xuống ứng dụng từ App Store của Apple ở các quốc gia khác nếu họ có tài khoản iCloud ở đó.

Một số chuyên gia trong ngành công nghệ Trung Quốc cho biết, lệnh mới của chính phủ đối với WhatsApp và Threads có thể liên quan đến quy định của Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái, yêu cầu tất cả các nhà phát triển ứng dụng di động phải đăng ký với chính phủ. Thời hạn để các công ty hoàn tất đăng ký là cuối tháng 3 và các quy định có hiệu lực từ ngày 1/4.

Động thái này của chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm chống lại các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo qua điện thoại. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết họ sẽ thực hiện công việc giám sát đối với những hồ sơ đó từ tháng 4 đến tháng 6 và có biện pháp xử lý các ứng dụng chưa được đăng ký. Các nhà phát triển ứng dụng cũng sẽ được yêu cầu thiết lập và cải thiện các cơ chế để xử lý “thông tin bất hợp pháp”.

Hành động chống lại các dịch vụ công nghệ Mỹ cũng diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ từng bước thực hiện lệnh cấm TikTok, ứng dụng video nổi tiếng của ByteDance. Các chính trị gia Mỹ cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia khi buộc công ty này phải bán mình cho chủ mới, miễn là không phải người Trung Quốc. Nếu không, TikTok sẽ bị cấm tại thị trường Mỹ.

Đức Anh (t/h)