Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Thanh hóa mang lại hiệu quả cao, kiểm soát tốt dịch bệnh với mô hình nuôi tôm vụ Đông

08:52 12/04/2021

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển ổn định về diện tích, đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh một số đối tượng, như: tôm thẻ chân trắng, ngao Bến Tre, cá chép, trắm đen, trắm cỏ, cá rô phi... góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, diện tích nuôi trồng tăng từ 18.900 ha lên 19.500 ha, sản lượng tăng từ 50.100 tấn lên 55.000 tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân ước đạt 2,2%/năm. Các huyện có diện tích và sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn, như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung và thị xã Nghi Sơn... Bối cảnh hiện nay, khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị khai thác ngày một cạn kiệt thì việc NTTS trở thành ngành sản xuất được định hướng lâu dài và phát triển bền vững.

Để từng bước phát triển NTTS bền vững, các sở, ngành, các địa phương đã huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 120,107 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 14,453 tỷ đồng thực hiện 5 dự án: khu NTTS Hoằng Phong (Hoằng Hóa); vùng NTTS Đông – Phong - Ngọc (Hà Trung); cơ sở hạ tầng vùng NTTS các xã Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc) và đưa vào sử dụng 2 vùng NTTS an toàn tập trung với diện tích 300 ha; nâng cấp vùng nuôi tôm thâm canh hai xã Nga Tân và Nga Thủy (Nga Sơn).

Khu nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Ảnh: Internet
Khu nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Ảnh: Internet.

Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA đầu tư dự án Nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư 10 vùng NTTS nước lợ tại các xã Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Đạt, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương). Toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt 22.041 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, ruộng trũng sang NTTS kết hợp chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với nuôi tôm nước lợ trên địa bàn, hiện người dân có xu hướng chuyển đổi nuôi ao đất sang nuôi ao lót bạt, nuôi theo hình thức thâm canh công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngoài 2 vụ nuôi chính, người dân còn tổ chức nuôi tôm vụ Đông, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. 

Do điều kiện thời tiết khu vực các tỉnh miền Bắc như: Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trong nuôi tôm trái vụ (vụ đông) nhiệt độ xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm rất lớn khiến con tôm phải đối mặt với nhiều rủi ro, dễ bị bệnh khiến người nông dân rơi vào cảnh mất mùa. Vì vậy, việc nuôi tôm ngoài trời trong mùa rét (trái mùa) là điều bất khả thi trong nhiều năm qua. Do đó, trong những năm qua người dân người dân của một số tỉnh thành khu vực phía Bắc nói chung và  tỉnh Thanh Hóa nói riêng muốn nuôi tôm vụ Đông thì phải đầu tư hệ thống ao nuôi lót bạt và phải có mái che toàn bộ ao nuôi điều này đòi hỏi rất nhiều chi phí vượt khả năng tài chính của nhiều hộ dân.

 Anh Lê Văn Hùng ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vụ Đông không sử dụng mái che cũng nằm trong số những nông dân bỏ không ao tôm trong mùa rét trong nhiều năm. Sau thời gian tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm, anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm trái vụ với sự hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc kết nối kỹ thuật cũng như sản phẩm phục vụ cho nuôi tôm trong đề án hợp tác công tư - PPP “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”. Trên diện tích gần 1,5ha, Anh Hùng đã đầu tư hệ thống 07 ao lót bạt, mỗi ao nuôi diện tích khoảng 1000-2000m2. Điều đáng nói là mô hình của anh Hùng là mô hình nuôi tôm trái vụ không cần đầu tư mái che, sử dụng chế phẩm sinh học để bổ sung các vi khuẩn có lợi giúp tôm sinh trưởng tốt, hạn chế những độc tố, ức chế vi khuẩn có hại, bảo vệ sức khỏe tăng cường đề kháng. 

Mục tiêu ban đầu của anh là giảm chi phí nuôi tôm và vì nuôi trái vụ thu hoạch trúng vào thời điểm mùa lễ hội, du lịch tăng cao nhu cầu lớn khiến cho việc tiêu thụ càng dễ dàng, giá bán tăng. Trong những ngày đầu tháng 3/2021, với 04ha ao thả nuôi của anh sau gần 4 tháng thả nuôi, hiện đang có lứa tôm đạt kích thước khoảng 50-60 con/kg, tôm tăng trưởng khỏe mạnh, sạch bệnh và tiêu thụ rất dễ dàng, thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua đến đó với giá rất cao vì là đây là tôm trái vụ. Đó là kết quả của quá trình tìm hiểu của người dân miền biển Thanh Hóa với mong muốn giảm chi phí đầu tư trong nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, quản lý tốt yếu tố môi trường và tăng giá thành.

Hiện nay, với ao nuôi 1000 m2 anh thả với mật độ 300-350 con/m2, sau 4 tháng thả nuôi tôm đã đạt kích thước khoảng 50-60 con/kg, dự kiến một ao có thể đạt 4 tấn/ao, giá bán hiện nay dao động khoảng 190.000-200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học…Anh có thể thu về khoảng 350-400 triệu đồng/ao.

Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều mô hình nuôi tôm vụ đông trên cát với ao lót bạt, sử dụng chế phẩm sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với tôm chính vụ (2 vụ chính). Do thu hoạch tôm vụ đầu vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán, dịp đầu năm nhiều lễ hội, du lịch nhu cầu tiêu thụ tăng, sản lượng hạn chế nên có giá bán cao gấp 1,5 lần so với tôm chính vụ.

Tuy nhiên, nuôi tôm vụ đông đối với các tỉnh phía Bắc rất nhiều rủi ro do nhiệt độ, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, khiến tôm nuôi dễ bị bệnh, chậm lớn. Do đó, trước mỗi vụ nuôi Chi cục đều khuyến cáo các hộ nuôi xử lý, cải tạo ao nuôi thật kỹ, tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả nuôi, chọn giống khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, nhất là đối với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở tôm thẻ chân trắng. Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản đang được xem là một giải pháp hỗ trợ giúp người nuôi ổn định và phát triển.

L.M