Theo đó, cầu Cát Lái sẽ bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định (TP.Hồ Chí Minh), cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400 mét, và kết thúc tại điểm giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc địa phận Đồng Nai). Tổng chiều dài toàn tuyến (gồm cả phần đường và cầu) là khoảng 11,37 km, trong đó riêng phần cầu dài hơn 3 km, được thiết kế với vận tốc khai thác 80 km/h, mặt cắt ngang rộng 33,5 mét, gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Cầu sử dụng kết cấu dây văng, đảm bảo tĩnh không ngang tối thiểu 235 mét và tĩnh không đứng tối thiểu 55 mét – phù hợp với yêu cầu thông thuyền và khả năng phục vụ cho các tàu có tải trọng lớn. Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án lên tới 19.391 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, phần đầu tư công – khoảng 10.357 tỷ đồng – sẽ được phân bổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí đến cuối tuyến. Phần còn lại, gồm cầu chính và đoạn từ điểm đầu tuyến đến sau trạm thu phí, sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), với tổng chi phí hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước dự kiến tham gia khoảng 4.427 tỷ đồng (tương đương 49%), phần còn lại – khoảng 4.600 tỷ đồng – do nhà đầu tư huy động (51%).
![]() |
Lên phương án xây cầu Cát Lái nối tỉnh Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh |
Dự án được chia thành bốn hợp phần chính: công tác giải phóng mặt bằng phía TP. Hồ Chí Minh với kinh phí dự kiến khoảng 3.611 tỷ đồng; công tác giải phóng mặt bằng phía Đồng Nai khoảng 2.967 tỷ đồng; xây dựng cầu Cát Lái với tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng; và tuyến đường nối từ sau trạm thu phí đến điểm cuối tuyến, với kinh phí khoảng 3.779 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án đã nhận được sự đồng thuận từ Chính phủ khi Thủ tướng đã có văn bản chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì triển khai dự án theo mô hình PPP, hợp đồng BOT. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Với vai trò là trục kết nối chiến lược giữa TP.HCM và các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái khi hoàn thành không chỉ thay thế tuyến phà hiện hữu vốn đã quá tải mà còn mở ra dư địa lớn cho phát triển giao thương, logistics và đô thị khu Đông TP.HCM. Đồng thời, dự án cũng góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông với các tuyến trục hiện có, giảm áp lực cho hệ thống cầu đường khu vực Cát Lái – Nhơn Trạch – Long Thành, từ đó tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.