Kỳ vọng các tổ chức tín dụng linh hoạt hơn để DN tiếp cận vốn ưu đãi

22:18 21/09/2023

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Thành phố do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức chiều 21/9, đại diện các hiệp hội DN đã có các phản ánh về thực trạng cũng như trao đổi về khó khăn về vốn.

Theo Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI) phản ánh: Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn chịu thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Với khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố góp phần dẫn tới DN càng khó khăn hơn, đặc biệt với các DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Lê Vĩnh Sơn đề nghị cần giảm lãi suất trực tiếp 1-2% từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh. Các ngân hàng cần làm như Vietcombank, BIDV tiên phong trong nội dung này, giảm lãi ngay thời điểm khó khăn trên toàn hệ thống mà DN chưa cần gửi văn bản đề nghị giảm lãi.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đa số các DN lớn, mạnh được thụ hưởng, trong khi nhiều DNNVV gặp khó khăn về dòng tiền, tài chính là đối tượng cần nhất thì ít được tiếp cận.

"Thực tế với nhiều DN vay ngân hàng không hề khó, có DN được 5-7 ngân hàng mời chào, là cạnh tranh hạ lãi suất coi là "khách quý", có chăng là khó khăn chung về thị trường, vay về làm gì, bán cho ai? Các đối tượng khó khăn chủ yếu là các DNNVV bị yêu cầu thủ tục hồ sơ nhiều hơn. Do đó, các DNNVV mong các ngân hàng tạo điều kiện giảm tiêu chuẩn DNNVV thông thoáng như với các DN lớn", bà Trịnh Thị Ngân nói.

Bà Trần Thị Ngân đề nghị cần sớm sửa các quy định về hỗ trợ DNNVV, vì các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ chưa hiệu quả. Các quỹ đôi khi có điều kiện vay cao hơn, khó hơn cả ngân hàng thì DN khó tiếp cận, không có tác dụng nhiều.

Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nakagawa (đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực điện dân dụng, điều hòa...) đánh giá cao một số ngân hàng nhiều lần hạ lãi suất, dù vậy, DN vẫn kỳ vọng tiếp tục giảm thêm lãi suất, giảm các phí dịch vụ liên quan, để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn khi sức mua giảm. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, lãnh đạo NHNN khẳng định, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các chi nhánh NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.

"Tất nhiên, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng ngân hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng kỳ vọng DN minh bạch trong tài chính, dòng tiền để TCTD mạnh dạn cho vay. Về vấn đề phí trả nợ trước hạn, đại diện TCTD cho biết sẽ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ DN, có giải pháp hỗ trợ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho DN.

T.H