Đơn hàng online tăng mạnh
Trong khảo sát của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel gần đây, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm online và giảm các hoạt động mua sắm trực tiếp. Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như: Shopee, Tiki, Lazada… đơn hàng tăng mạnh.
Người tiêu dùng dần thay đổi thói quen thay vì mua sắm trực tiếp sang trực tuyến
Đơn cử như Tiki, có thời điểm sàn phát sinh 3.000 - 4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất là khẩu trang, khăn ướt, máy lọc nước… Trong đó, số lượng khẩu trang bán ra đã tăng 8 lần, nước rửa tay tăng hơn 10 lần. Đại diện Tiki cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, mức tăng trưởng đã đạt 15% so với thời kỳ cao điểm cuối năm 2019. Đây được coi là trường hợp đặc biệt, vì thông thường sau Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm thường có xu hướng giảm. Hay tại Lazada, nền tảng này cũng ghi nhận, nhu cầu mua sắm các mặt hàng bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể. Trong đó, mặt hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, tã giấy và giấy tăng hơn 60%, đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%...
Không nằm ngoài “cuộc chơi”, các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với kinh doanh trong mùa dịch. Nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như VinMart, Saigon Coop, BigC, Lotte, AEON… cũng đưa các sản phẩm bán tại siêu thị “lên mạng” hoặc đặt hàng qua điện thoại. Theo ghi nhận, các đơn hàng online đã tăng gấp nhiều lần so với bình thường, thậm chí còn quá tải, do lượng khách truy cập và đặt đơn hàng đông. Theo bà Mai Lan Vân - Giám đốc Marketing Công ty CP VinID, số lượng người mua sắm trực tuyến trên VinID trong mùa dịch đã tăng gấp 3 lần so với bình thường. Có giai đoạn đỉnh nhất, tính năng Scan&Go (tính năng quét mã mua hàng tại các siêu thị VinMart, VinMart+) còn tăng gấp 15 lần.
Trong khi đó, tại trang TMĐT SpeedL của Lotte Mart, hệ thống này cũng đang tập trung mở rộng mua sắm online trong mùa cao điểm. Số lượng đơn hàng của sàn này tăng 150-200% so với ngày thường từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tại siêu thị Coopmart Hà Nội, trước đây, chỉ có khoảng 30-40 đơn hàng mỗi ngày thì hiện nay, các đơn hàng đã tăng 10%, cao điểm có những ngày trên 100 đơn hàng…
Mặc dù, mua sắm trực tuyến đang được người tiêu dùng quan tâm hơn, thậm chí có phần “bùng nổ”, tuy nhiên, theo ông ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, mức tăng này chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, chứ không phải tăng trưởng toàn ngành.
Đa dạng nguồn cung, hỗ trợ giao hàng
Với nhu cầu mua hàng trên mạng ngày càng tăng của người tiêu dùng, các sàn TMĐT cũng nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm. Shopee Việt Nam đã bổ sung nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến hộp giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và mua sắm hàng hóa thiết yếu tại nhà, giảm thiểu việc tiếp xúc nơi đông người. Hay Lazada vừa tung ra gian hàng online chuyên mặt hàng sữa bột với các cam kết về chất lượng và giá cả với người tiêu dùng…
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị bán lẻ cũng tăng cường dịch vụ đặt hàng và giao hàng qua điện thoại, ship đến tận nhà. Đồng thời, tăng lượng hàng dự trữ hơn ngày thường từ 30- 40%, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, gia vị, nước tinh khiết, đồ hộp, xúc xích, chả giò, sữa ...; rau củ quả, trái cây; các mặt hàng tẩy rửa, hóa phẩm...
Trong bối cảnh thị trường mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và cạnh tranh, các đơn vị kinh doanh kênh mua sắm này đều "chạy đua" để chiếm lĩnh thị phần bằng việc đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, rút ngắn thời gian giao hàng, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa sự tiện lợi và an toàn của người nhận. Nổi bật trong đó là dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh của Lazada Việt Nam. Theo đó, khi mua hàng trên Lazada, sàn này sẽ gửi thông báo kèm mã OTP đến số điện thoại người dùng đã đăng ký. Người mua hàng mở khóa “tủ” trong gian hàng đã chọn, bằng mã OTP mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ người giao hàng. Đây có thể coi là giải pháp “giao hàng không tiếp xúc” giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.
Chính những tiện ích của TMĐT mang lại đã giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen mua sắm trực tiếp chuyển sang trực tuyến, tuy nhiên, để tạo niềm tin và giữ vị thế trong lòng khách hàng lại là một thách thức lớn. Bởi người tiêu dùng không trực tiếp đến tận nơi xem mặt hàng, họ cần nhất hàng hóa được đảm bảo chất lượng, tươi, ngon, đúng nguồn gốc xuất xứ. Chỉ khi làm được những điều này, mới “níu chân” họ ở lại lâu và dài hơn trên các sàn TMĐT.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến cũng là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra. Theo đó, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, TMĐT, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.
Theo Bộ Công Thương, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn TMĐT của một số doanh nghiệp tăng 20-30%.