Được đánh giá rất tiềm năng nhưng kinh doanh chuỗi cà phê không hề dễ dàng. Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên International, rất nhiều quán cà phê của các thương hiệu mở ra nhưng rồi phải đóng cửa cũng không ít. Sự đào thải của ngành này rất nhanh và rất lớn.
Lực hút lớn
Ông Đoàn Đình Hoàng - chuyên viên tư vấn thương hiệu cho rằng: "Không phải tự dưng mà thị trường cà phê Việt Nam lại "trăm hoa đua nở" với số lượng các cửa hàng nhiều như vậy. Sức hấp dẫn của thị trường này do 2 yếu tố: dân số tới trên 90 triệu người, trong đó 65% người trẻ; thói quen ngồi quán và uống cà phê của người Việt Nam ngày càng tăng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong đó thương hiệu Highlands đang sở hữu gần 150 quán tại nhiều tỉnh - thành, Starbucks có khoảng 30 quán, Trung Nguyên hơn 60 quán, The Coffee House 80 quán,...
Chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà có kế hoạch đầu tư mở rộng. Chia sẻ với báo giới, Nguyễn Hải Ninh - nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House cho biết sẽ mở khoảng 700 quán trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với tốc độ trung bình 10 quán mỗi tháng.
Mới đây, vào đầu tháng 7/2018, Công ty Trung Nguyên International (King Coffee) cũng chính thức tham gia chuỗi cà phê King Coffee tại Gia Lai. Tiếp theo đó, quán cà phê thứ hai, thứ ba đã được mở tại TP.HCM.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc Công ty cho rằng, doanh nghiệp này xây thương hiệu King Coffee với chiến lược chiếm lấy một chỗ đứng cho cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Hàng nãy cũng không giấu tham vọng với kế hoạch sẽ mở 1.000 quán cà phê, trong có 800 quán theo hình thức cà phê mang đi và 200 quán lớn. Trong năm nay, King Coffee sẽ mở chuỗi quán ở 6 thành phố lớn và sau đó lan tỏa ra các nơi, cửa hàng cà phê mang đi sẽ ưu tiên phát triển tại thị trường TP.HCM.
Cộng Cà Phê - một chuỗi khác tại Hà Nội, thậm chí đã lấn sân sang nước ngoài. Họ mở cửa hàng đầu tiên tại Seoul (Hàn Quốc) mới đây và lên kế hoạch bổ sung hai cơ sở nữa tại đây. Ở Việt Nam, Cộng Cà Phê hiện có hơn 50 cơ sở từ khi ra mắt năm 2007 và dự định mở thêm một đến hai cửa hàng mới mỗi tháng cho đến năm 2020. Họ thu hút khách hàng nhờ thiết kế mô phỏng Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 80.
Miếng ngon không dễ dàng
Trong khi hàng chục chuỗi cửa hàng cà phê đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới thì các thương hiệu lâu đời như NYDC, Gloria Jean's Coffees, Caffe Bene, thậm chí là các cái tên mới trong nước như The Kafe hay Saigon Café đều đang thu hẹp hoạt động hoặc đã phải đóng cửa.
"Gã khổng lồ" Starbucks đã nổi danh trên thị trường quốc tế nhưng tại Việt Nam, hành động của hãng này lại bị chậm hơn dự kiến. 5 năm sau khi nhập cảnh, số lượng cửa hàng Starbucks chỉ đứng ở mức 38. Ngược lại, Thái Lan có hơn 330 Starbucks, trong khi Indonesia tự hào có hơn 320 và Malaysia có hơn 190.
Chi phí hoạt động cao, như tiền thuê mặt bằng, và khó tìm địa điểm là hai trong các lý do cho việc cắt giảm này. Theo tính toán, chi phí để đầu tư một quán cà phê tại Việt Nam khá đắt. Theo lãnh đạo của PJs Coffee - thương hiệu cà phê Mỹ mới xuất hiện tại Việt Nam, chi phí đầu tư một quán khoảng 250.000 USD, trong đó, giá thuê mặt bằng tại TP.HCM cao gấp 2 - 3 lần ở New Orleans, Mỹ. Vì thế, giá thức uống phổ biến ở mức 50.000 - 100.000 đồng/ly.
Ông Hoàng Tùng - CEO Pizza Home, người có kinh nghiệm kinh doanh cà phê và quản lý chuỗi F&B, có những sản phẩm ban đầu rất sáng tạo và khác biệt nhưng bị những đối thủ khác lập tức sao chép và phát triển theo, cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu ra trước bằng mức giá thấp hơn. Cuối cùng, nếu lõi sản phẩm không vững, đối thủ sẽ bắt kịp rất nhanh, nếu chuỗi không tự đổi mới để vươn lên thì sẽ thất bại.
Ông Tùng cũng cho rằng, quy trình vận hành các chuỗi của những nước tiên tiến đã chuẩn mực, tuy nhiên, để áp được nhân sự vào guồng vận hành chuẩn trong ngành F&B luôn là một bài toán khó.
Thành công với thương hiệu cà phê K Coffee xuất khẩu, ông Phan Minh Thông - TGĐ Công ty Phúc Sinh cho rằng, khi người tiêu dùng được uống cà phê đúng chất thì thương hiệu cà phê sẽ tự động lan tỏa. Khi thương hiệu được nhân rộng thì đó mới là con đường để xây dựng tên tuổi, thương hiệu cà phê bền vững để vươn ra thế giới.
Nha Trang