Kiên Giang: Liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp

11:56 07/06/2021

Tỉnh Kiên Giang đã có chính sách hỗ trợ nông dân và các tổ chức tham gia thực hiện việc liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực Nghị quyết số 340/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là hơn 72,7 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng 75 dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, gồm: thủy sản (tôm nước lợ, cái nuôi lồng bè), cây ăn trái, rau củ quả… Từ năm 2021-2025, mỗi năm sẽ hỗ trợ xây dựng phát triển cho khoảng 15 dự án, với mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.

Giai đoạn 2020-2025 đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp
Giai đoạn 2020-2025 đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Dũng, chính sách này nhằm đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Trong đó, hợp tác xã là nòng cốt nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao quản lý chất lượng và giá trị sản xuất nông sản. Các mặt hàng nông sản được chọn để phát triển liên kết sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Cụ thể, chọn sản phẩm chủ lực là thủy sản, cây ăn trái, lúa, rau củ quả và một số sản phẩm đặc thù khác của các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, thành lập mới và huy động trên 50% các hợp tác xã nông nghiệp để tham gia có hiệu quả các chuỗi giá trị nông sản. Hỗ trợ các hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với cấp mã vùng trồng và phát triển hệ thống điện tử truy xuất, các hợp tác xã nông nghiệp là đại diện sở hữu các sản phẩm OCOP.

Triển khai thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân. Tùy theo điều kiện cụ thể để xác định các nội dung hợp tác, liên kết như: Liên kết trong cung ứng vật tư, giống, vốn phân bón; đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như kho bãi, cơ sở chế biến, hệ thống tưới tiêu…; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Lập vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia thí điểm. Hỗ trợ củng cố năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn (GAP) cho doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân tham gia thí điểm mô hình liên kết. Hỗ trợ xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, Hợp tác xã. Theo dõi, tổng kết đánh giá, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn từ nguồn tín dụng của ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư phát triển khác.

Trần Hà