Không chỉ còn là phần bổ trợ cho nội dung
Dẫu có những trồi sụt về mặt chất lượng nhưng không thể phủ nhận nhạc phim là điểm sáng chung của hầu hết các bộ phim điện ảnh Việt trong những năm trở lại đây. Thậm chí, không ít ca khúc nhạc phim còn có đời sống sinh động sau khi phim kết thúc.
khoảng vài năm trở lại đây, nhạc phim được nhiều đạo diễn chú trọng, đầu tư hơn. Đây được xem là một trong những cách thức góp phần quảng bá và tiếp thị hiệu quả cho nhiều bộ phim trước khi ra rạp. Thậm chí, những ca khúc trong phim còn được đầu tư xây dựng như một MV, cạnh tranh sòng phẳng với các MV ca nhạc khi lọt Top thịnh hành trên YouTube.
Có thể kể đến những ca khúc như: “Chạy” (4 triệu lượt xem) của Wowy trong “Ròm” (2020), “Có chàng trai viết lên cây” (63 triệu lượt xem) của Phan Mạnh Quỳnh trong “Mắt biếc” (2019), “Tâm sự tuổi 30” (21 triệu lượt xem) của Trịnh Thăng Bình trong “Ông ngoại tuổi 30” (2018), “Nụ hôn đánh rơi” (6,4 triệu lượt xem) của Hoàng Yến Chibi trong “Tháng năm rực rỡ” (2018)… Đó là còn chưa kể đến rất nhiều bản cover cũng như lượt nghe, xem trên các mạng xã hội
Mới đây, kể đến bộ phim Tiệc trăng máu vừa công bố vào top 3 phim Việt ăn khách nhất lịch sử phòng vé Việt với 177 tỉ đồng doanh thu (sau Cua lại vợ bầu - 193 tỉ đồng, Mắt biếc - 180 tỉ đồng). Bên cạnh yếu tố kịch bản và dàn diễn viên xuất sắc, phim còn thu hút khán giả với phần âm nhạc. Nhiều khán giả sau khi xem phim bày tỏ yêu thích với đoạn gần kết phim, khi nhân vật Kathy (Kaity Nguyễn đóng) bước ra khỏi phòng, xoay chiếc nhẫn và bỏ đi. Phần nhạc nền ấn tượng khi có sự kết hợp màu sắc bán cổ điển vào phần hòa âm và nhạc cụ giúp phim có được phân đoạn xuất sắc. Công chúng đánh giá cao đoạn nhạc nền gay cấn và giàu cảm xúc này khi không chỉ thể hiện được sự kịch tính, cao trào của kết phim mà còn tăng thêm sự mạnh mẽ, quyết đoán cho nhân vật Kathy với quyết định từ bỏ người chồng sắp cưới bội bạc.
Nhà soạn nhạc Trần Hữu Tuấn Bách là tác giả đứng sau thành công của bản nhạc nền này. Anh chia sẻ: “Thuật ngữ nhạc nền và bài hát chủ đề đến nay nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ ràng. Nhiều người chỉ hiểu nhạc phim là bài hát trong phim chứ không chú ý nhiều đến nhạc nền trong phim”.
Trần Hữu Tuấn Bách bắt đầu viết nhạc phim từ năm 2014 và đã làm nhạc cho 5 bộ phim điện ảnh đình đám gồm: Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Anh trai yêu quái, Bằng chứng vô hình và Tiệc trăng máu. Đây đều là những bộ phim không những mang lại nội dung ấn tượng mà còn gây thương nhớ bằng các bài nhạc phim đi vào lòng người.
Em và Trịnh cũng là phim điện ảnh tiếp theo có phần đầu tư lớn cho âm nhạc, cũng do Trần Hữu Tuấn Bách đảm nhận. Với tổng kinh phí đầu tư phim khoảng 44 tỉ đồng, ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Galaxy M&E - đơn vị sản xuất phim, cho biết: “Phim đầu tư lớn nhất cho phần âm nhạc với 50 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca khúc này sẽ được hòa âm phối khí mới với nhiều hình thức”.
Kể đến nhạc phim, gần đây cũng phải nhắc tới bộ phim "Ròm" với ca khúc "Chạy" do Wowy thể hiện được khán giả trẻ yêu thích. Nội dung ca khúc đánh trúng tâm lý người xem khi thể hiện sự hối hả, vội vã của những người chạy lô đề. Thêm vào đó, ca khúc ra đúng vào thời điểm nhạc rap đang lên ngôi với các chương trình truyền hình thu hút, khiến ca khúc bỗng dưng trở thành hit và được khán giả đón nhận đông đảo.
Những điển hình trên đã cho thấy, điện ảnh Việt đang bắt đầu có hướng đi mới với các khúc nhạc phim. Đó chính là tìm hướng đi giúp các bản nhạc phim có sức sống mãnh liệt hơn trong lòng công chúng và thậm chí có thể "tồn tại" mà không cần phải bám trụ vào tác phẩm gốc.
Nhạc phim có thể đứng độc lập?
Từ trước đến nay, không phải bao giờ những ca khúc nhạc phim của các tác phẩm ra mắt cũng chỉ được xem là phần phụ. Có không ít ca khúc vẫn tạo được hiệu ứng nhất định. Nhưng phải nói rằng, cho đến hôm nay, các nhà sản xuất mới đang cho thấy họ chú trọng hơn ở khía cạnh này. Nhạc phim dần không còn là chất phụ gia mờ nhạt trong các tác phẩm điện ảnh nữa. Cùng với đó là sự thay đổi tích cực nhất ở việc bản thân các ê-kíp đã rất ý thức đầu tư chuyên nghiệp, bài bản cho khâu này.
Rõ ràng, khi nhạc phim xuất hiện đúng lúc sẽ giúp cảm xúc của người xem được nâng lên, đẩy được cao trào hoặc kết nối các tình tiết phim. Nếu ai đã xem các phim do Victor Vũ đạo diễn đều phải trầm trồ với tài năng làm nhạc phim của nhà soạn nhạc Christopher Wong. Chẳng hạn như ở phim Mắt biếc, không quá lời khi nói rằng phần nhạc phim đã thổi hồn cho tác phẩm lên một tầm cao mới, tạo nên sức rung động mãnh liệt trong trái tim khán giả. 4 ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh sáng tác là Hà Lan, Từ đó, Tôi chỉ muốn nói, Có chàng trai viết lên cây cùng nhiều phân đoạn nhạc nền sử dụng trong phim đã được phát hành riêng trên nhiều kênh nhạc, thu hút đông đảo khán giả tìm nghe dù bộ phim chiếu đã lâu. Đặc biệt, ca khúc Có chàng trai viết lên cây còn được lan truyền rộng rãi, trở thành ca khúc được cover hàng đầu vào thời điểm đó.
Sau đó, ca khúc còn được phát hành MV riêng và thu hút hơn 63 triệu lượt xem ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là một trong những ca khúc nhạc phim được xem là thành công nhất.
Đạo diễn Victor Vũ tiết lộ: “Christopher Wong phải làm việc với dàn nhạc giao hưởng nước ngoài và thu âm trực tiếp ở Bulgaria. Cách làm này tốn nhiều kinh phí hơn phương án thông thường của các đoàn phim Việt Nam là ghi âm bằng nhạc điện tử”. Cũng như thế, toàn bộ phần nhạc nền của phim Người bất tử, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ đạo diễn, Christopher Wong làm nhạc), Tháng năm rực rỡ (Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, nhạc sĩ Đức Trí làm nhạc phim), Chị trợ lý của anh (Mỹ Tâm đạo diễn và hát các ca khúc)... cũng từng được phát hành riêng và chứng tỏ được sức sống độc lập sau đó.
Có thể thấy, việc hiện nay các nhạc sản xuất đầu tư cho nhạc phim là một điều đáng động viên, giúp các tác phẩm được truyền tải trọn vẹn cảm xúc đến công chúng. Trong thời gian tới, người hâm mộ điện ảnh Việt còn được dịp thưởng thức "Em và Trịnh". Đây là dự án được xem là "bom tấn" khi có sự đầu tư khủng về kinh phí và âm nhạc.
Lý do đơn giản vì thành tựu của Trịnh Công Sơn để lại cho đời là hàng loạt tác phẩm âm nhạc được xem là kinh điển. Vậy nên, nhà sản xuất phim Phan Gia Nhật Linh tiết lộ, anh và ekip đã chọn lọc hơn 50 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để hòa âm, phối khí lại nhằm sử dụng trong phim. Chính điều này cho thấy, âm nhạc không chỉ là yếu tố góp phần tạo nên thành công của một tác phẩm mà đôi khi còn là yếu tố quyết định thành bại.
Nhìn chung, có thể thấy, nhạc phim ở thời điểm hiện tại đang ngày càng được chú trọng hơn, thậm chí nó có sức sống độc lập dù cho không cần đứng chung với các bộ phim. Tuy nhiên, cũng cần phải chú trọng ở việc chọn lọc, sáng tác và nội dung phù hợp với người nghe. Bởi nhạc phim thường đánh mạnh chủ yếu vào tâm lý, cảm xúc khán giả.
Bảo Bảo