Khi mô hình Cloud Kitchen làm thay đổi nền văn hóa ẩm thực của Philippines

11:23 27/07/2021

“Cloud Kitchen” hay còn gọi là “bếp ảo” đã và đang thực hiện cuộc chuyển đổi mới trên nền văn hóa ẩm thực độc đáo của Philippines cũng như thay đổi hành vi của mỗi thực khách tiêu dùng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: e27)

Thực phẩm là trung tâm của văn hóa Philippines, đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc họp mặt gia đình và hoạt động xã hội của đất nước. Theo thống kê cho thấy, người dân Philippines chi gần 30% thu nhập chỉ riêng cho thực phẩm. Nhìn chung, đây là một quốc gia mến mộ ẩm thực và thích những trải nghiệm mới, có thể dễ dàng bắt gặp hàng dài người xếp hàng mỗi khi có một nhà hàng nổi tiếng thế giới mở cửa.

Tuy nhiên Covid-19 đã thay đổi văn hóa ẩm thực nơi đây. Kể từ khi các lệnh hạn chế được ban hành, những buổi tụ họp và ăn uống đã trở thành dĩ vãng. Nhiều người dân địa phương bắt đầu nấu ăn với tinh thần giải trí mùa dịch. Dần dà, nhận thấy cơ hội, nhiều người đã biến thú vui này thành kinh doanh và bắt đầu bán các món ăn trên mạng. Lyra Reyes, một người bán đồ ăn online cho biết: “Người Philippines tận dụng sự phổ biến rộng rãi của các nền tảng mạng xã hội như Instagram để bán thực phẩm, thành lập nên các doanh nghiệp nhỏ”.

Xu hướng này mở ra tiềm năng lớn đối với công nghệ thực phẩm và Cloud Kitchen, một thị trường chưa từng được khai thác trước đây trở nên bùng nổ kể từ cơn sốt bán hàng online. Cloud Kitchen (Bếp trung tâm) hay còn được gọi là “bếp ảo” được định nghĩa là mô hình nhà hàng "ma" tức là không hề sở hữu bất cứ cơ sở vật lý nào từ không gian, khu vực dùng bữa, trang thiết bị cho take-away đến cả mặt bằng kinh doanh thông thường. Nhà bếp này hoạt động hoàn toàn dựa vào sự hợp tác với bên thứ ba hay dịch vụ đặt hàng trực tuyến.

Ngành công nghiệp này hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu ở Philippines khi so sánh với các thị trường đang phát triển nhanh như Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ, thậm chí cả các nước láng giềng Singapore và Indonesia. Tuy nhiên, Franco Varona, đối tác của Foxmont Capital, chia sẻ: “Ý tưởng rằng nhà bếp ảo có thể giúp người Philippines đặt món ăn dễ dàng và nhanh chóng hơn, hoặc thử những khái niệm mới thú vị từ ngay cả khi ở nhà hoặc ở văn phòng”. Foxmont là một nhà đầu tư giai đoạn đầu đã dẫn đầu vòng tài trợ hạt giống trị giá 1,5 triệu đô la Mỹ của Kraver’s Canteen, một công ty khởi nghiệp Cloud Kitchen tại địa phương.

Về mặt kỹ thuật, Grab là công ty đầu tiên giới thiệu khái niệm “bếp trung tâm” đến Philippines khi mở GrabKitchens vào năm 2019 (mặc dù vào thời điểm đó, Grab không được gọi là Cloud Kitchen). Kể từ đó, Grab đã xây dựng nhiều “nhà bếp” hơn, một số trong số đó được kết nối với các startup quy mô nhỏ dưới dạng đồng sở hữu thương hiệu khi công ty khởi nghiệp xây dựng “bếp” còn Grab vận hành mảng kỹ thuật số. Có thể kể đến một số công ty khởi nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực này như Kraver’s Canteen, MadEats và CloudEats. Trong bối cảnh mô hình ngày càng được nhân rộng, số đông các nhà hàng truyền thống cũng nắm bắt cơ hội và tập chung chuyển hướng khám phá không gian bếp mới.

Các chuyên gia tin rằng mặc dù vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng Cloud Kitchen đã gây dựng được mô hình kinh doanh đủ mạnh mẽ. Victor Lim, đồng sáng lập Kraver’s Canteen, cho hay: “Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với mô hình này đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ đại dịch khi hầu hết mọi công ty F&B đều buộc phải hoạt động như một “nhà bếp ảo” trong thời kỳ khủng hoảng”. Lim nhận xét thêm: “Nhưng thách thức đặt ra là hầu hết các mô hình không được quản lý đúng cách. Nguyên nhân là do tính kinh tế và lợi ích của việc xây dựng Cloud Kitchen từ đầu không được chuyển hóa kỹ thuật số đầy đủ. Mô hình này nhận được nhiều sự quan tâm nhưng có không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng khi áp dụng”.

Trên thực tế, Cloud Kitchen ra đời như một con đường giúp các thương hiệu F&B giảm chi phí khi mở rộng phạm vi bán lẻ. Thay vì bỏ vốn cho các trung tâm bán lẻ khá tốn kém, chủ nhà hàng có thể lựa chọn phục vụ nhu cầu giao hàng đến các khu vực lân cận thông qua “bếp ảo”. Yiping Goh, Đối tác tại Quest Venture cho biết “Đại dịch đã đẩy nhanh quá trình tiến hóa tự nhiên này và thời gian dài ở trong nhà đã tạo ra thói quen tiêu dùng mới. Nhiều thương hiệu F & B nổi tiếng hiện nay ở Đông Nam Á được sinh ra từ các Cloud Kitchen và chưa từng mở cửa hàng bán lẻ”,

Theo báo cáo mới nhất của Google-Temasek, ngay cả sau đại dịch, khách hàng vẫn sẽ tiếp tục thích đặt hàng trực tuyến hơn là dùng bữa tại các nhà hàng truyền thống. “Covid-19 không chỉ cho phép mô hình Cloud Kitchen phát triển mạnh mà còn tạo ra những thay đổi lớn trong hành vi của khách hàng và thị trường Philippines. Tất cả sự kết hợp mới lạ đã đến cùng lúc vào một thời điểm độc đáo. Chúng tôi cũng đang chứng kiến ​​một tầng lớp trung lưu trẻ hơn, đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với kỹ thuật số”, Lim từ Kraver's Canteen chỉ ra.

Tháng 11 năm ngoái, MadEats đã nhận được một khoản đầu tư vòng hạt giống do nhà đồng sáng lập Tinder Justin Mateen dẫn đầu với sự tham gia của người đồng sáng lập Paymongo Luis Sia.

Philippines đang bắt kịp các thị trường phát triển nhanh như Singapore và Indonesia. Ở cấp độ vĩ mô, Philippines đã chứng kiến ​​nhiều nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đến đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhà đầu tư Varona kết luận: “Trong vòng bốn tuần qua, rất nhiều startup đã công bố các vòng gọi vốn lớn từ SIG Ventures, CVC Capital, Temasek và IFC. Trong nhiều trường hợp, đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư danh tiếng này đầu tư vào Philippines. Tương tự rót vốn vào thị trường Cloud Kitchen chỉ là vấn đề thời gian khi các nhà đầu tư nhận ra rằng kết hợp thực phẩm, hậu cần và số hóa là điều tuyệt vời ở một quốc gia có 112 triệu dân, mạng lưới internet rộng lớn với nền văn hóa ẩm thực phong phú".

TL