Khi điện gió và mặt trời kêu cứu: Những bất cập trong cơ chế định giá

14:42 20/03/2023

Các doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió không hài lòng với giá mua điện sạch mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kiến nghị với Thủ tướng những bất cập trong cơ chế định giá và xin tiếp tục được hưởng các chính sách ưu đãi.

Tuy nhiên EVN cho rằng giá mua điện sạch mới là hợp lý. Việc hoàn thiện về cơ chế giá điện sạch rất quan trọng để điện sạch phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt đảm bảo cho mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã ký văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá, làm cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại nhưng không thể bán điện cho EVN theo giá điện cơ chế cố định khuyến khích (FIT).

Kiến nghị cần giữ lại chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

Trong văn bản gửi Thủ tướng, các DN điện sạch cho biết trong gần 3 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong số các dự án chuyển tiếp này có 34 dự án (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời), tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đã xong giai đoạn thử nghiệm, hoàn toàn đủ điều kiện phát trên lưới điện quốc gia, nhưng phải nằm chờ cơ chế giá phát điện từ EVN.

Từ tháng 1-2023, mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời là 1.184,9 đến 1.508,27 đồng/kWh, tùy loại hình. Ảnh: EVN.
Từ tháng 1-2023, mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời là 1.184,9 đến 1.508,27 đồng/kWh, tùy loại hình. Ảnh: EVN..

Các DN cho biết, hiện nay có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 2 năm qua tháng, 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ cơ chế khoảng 16 tháng.

Kiến nghị nêu rõ: Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện lưới quốc gia, theo tính toán của các DN lên tới khoảng 85.000 tỉ đồng, trong đó có đến 58.000 tỉ đồng là vốn vay ngân hàng, đẩy các DN đối mặt với nguy cơ bị nợ xấu.

Các DN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới tuân thủ đúng khung giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp, đảm bảo cho 34 nhà máy điện sạch đã đầu tư xong, sẵn sàng phát điện thương mại.

Các DN còn kiến nghị việc thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập để tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu tham vấn từ hội đồng tư vấn, Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan. Các nhà đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời cũng kiến nghị cần giữ lại chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã được Chính phủ ban hành, như áp dụng thời hạn giá mua điện cho dự án chuyển tiếp là 20 năm; cho phép chuyển đổi giá sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD, hoặc có quy định về tỉ lệ trượt giá trong phát điện... Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho đối tác có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy điện sạch.

Cái lý của Bộ Công thương

Trước đó, cuối tháng 7-2022, trước việc hàng tỉ USD điện gió “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Theo báo cáo này, lúc đó có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá mua bán điện cố định (FIT) hết hạn nên chưa có giá mua điện và 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 452 MW cũng đang chờ xác định giá bán điện; ngoài ra còn một số dự án khác đã triển khai dở dang.

Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế để nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN theo khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành. Với các dự án điện gió, điện mặt trời đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát các hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư nhằm để hài hòa lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và Nhà nước.

Cũng trong báo cáo này, Bộ Công thương đề nghị bãi bỏ các quyết định số 13, 37, 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời và điện gió. Lý do, hiện các điều khoản về giá FIT đã hết hiệu lực áp dụng, nhưng về mặt pháp lý nó vẫn còn hiệu lực thi hành. Tại các quyết định này, có một số nội dung không còn phù hợp như "Thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm (với điện mặt trời mái nhà tối đa 20 năm)", "Giá mua điện điều chỉnh theo biến động của tỉ giá VND/USD và thời gian áp dụng giá điện 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại", "Trách nhiệm mua toàn bộ điện năng của EVN".

Bộ Công thương đề nghị bỏ các quyết định nêu trên vì cho rằng các chính sách, quy định đó, cùng với giá FIT chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào điện gió, điện mặt trời lúc ban đầu (đã được áp dụng từ 31-12-2017 đến hết ngày 31-12-2020).

Bộ Công thương lý giải, giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, quy mô điện gió, điện mặt trời ngày càng mở rộng, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia và thị trường công nghệ, thiết bị cũng cạnh tranh hơn. Do vậy việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ nêu trên không còn phù hợp; cần xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng cạnh tranh, thị trường.

Đối với các dự án thuộc đối tượng áp dụng và đã ký hợp đồng mua bán điện căn cứ các quyết định 13, 37, 39 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương nhưng chưa xác định được giá bán điện, Bộ Công thương đề nghị các nhà đầu tư và EVN cần đàm phán lại hợp đồng mua bán điện căn cứ các quy định mới.

Giá điện sạch mới được tính trên cơ sở chi phí thực tế

Ngày 10-01-2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, mức giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Đây là khung giá làm cơ sở để EVN và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Tuy nhiên các DN điện sạch cho rằng mức giá đó bất hợp lý, cần tính toán lại, đặc biệt kiến nghị giữ các điều khoản ưu đãi như đã nêu trên.

Từ tháng 1-2023, mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời là 1.184,9 đến 1.508,27 đồng/kWh, tùy loại hình. Ảnh: EVN..
Từ tháng 1-2023, mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời là 1.184,9 đến 1.508,27 đồng/kWh, tùy loại hình. Ảnh: EVN...

Phản hồi kiến nghị của các DN điện sạch, Bộ Công thương khẳng định việc ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Bộ Công thương đã có các báo cáo với Thủ tướng về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, cũng như đã quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, có quyết định thành lập hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp.

Bộ Công thương khẳng định khung giá này được tính trên cơ sở chi phí thực tế, theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng. Hiện suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.

Bộ Công thương dẫn nghiên cứu của tư vấn quốc tế đánh giá về bức xạ mặt trời trên lãnh thổ Việt Nam (chia làm 3 vùng bức xạ) để tính sản lượng bình quân hàng năm là 5,23 kWh/m2/ngày (tương đương 1.908,95 kWh/m2/năm) cho vùng 3. Cơ sở khác để thẩm định giá là dựa trên cơ sở lựa chọn bộ thông số đầu vào như suất đầu tư, bức xạ mặt trời tại vùng 3 (tỉnh Bình Thuận) và các thông số khác được lựa chọn theo số liệu thu thập từ các nhà máy điện mặt trời mặt đất đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời điểm giá bán điện ưu đãi (giá FIT) hết hiệu lực.

Về giá FIT, đó là cơ chế giá điện hỗ trợ ban đầu, được thiết kế để khuyến khích đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.

Thế khó của nhà đầu tư điện sạch

Những lý giải của Bộ Công thương về giá điện mới không làm thỏa mãn các nhà đầu tư. Họ muốn tiếp tục có ưu đãi để thu hút đầu tư.

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thăm và làm việc về điện gió ở Bạc Liêu hôm 4-12-2022 phát biểu rằng, thực tế các nhà đầu tư điện tái tạo đã và đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó việc xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện sạch đã triển khai là cần thiết. Theo Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện sạch.

Trong 3 năm khuyến khích sản xuất điện sạch, với cơ chế giá FIT, đến 31-12-2020, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời; đến ngày 31-10-2021, hệ thống điện đã tiếp nhận và đưa vào vận hành khoảng 4.000 MW điện gió. Cho đến nay chắc chắn giá thành sản xuất điện sạch rẻ hơn, nên giá FIT không nên duy trì nữa, để người dân có thể chịu được giá điện trước áp lực tăng giá. Lý do các nhà đầu tư muốn tiếp tục hưởng các chính sách ưu đãi vì cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng thực tế Covid-19 chỉ ảnh hưởng mạnh nhất từ giữa năm 2021 về sau, ít ảnh hưởng lớn đến các dự án chuyển tiếp.

Các nhà đầu tư viện dẫn khó khăn trong công tác quản lý như đảm bảo hệ thống PCCC cho điện mặt trời áp mái, áp lực về truyền tải gây khó khăn trong việc giải phóng công suất, dẫn đến phải cắt giảm hàng tỷ kWh điện sạch…

Đặc biệt sự quá tải về hệ thống truyền tải gây hậu quả lớn. Theo EVN, trong năm 2021, khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm, trong đó có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời do quá tải đường dây 500 kV. Thậm chí có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50% - 60%.

Thực trạng này khiến những DN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào năng lượng tái tạo khốn khó về tài chính.

Giải quyết những vướng mắc cho các DN sản xuất điện sạch phải trên cơ sở hài hòa lợi ích DN - Nhà nước và người dân. Nó còn liên quan đến nhiều vấn đề vĩ mô khác như Quy hoạch điện VII, VIII liên quan đến các vấn đề tiếp tục xây dựng các nhà máy điện chạy bằng dầu, than và cả điện khí…

Việt Nam dẫn đầu về quy mô điện gió, điện mặt trời

Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022).

Theo ước tính của EVN, hiện ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon toàn quốc. Tỉ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 (2021).

Hiện tại, tỉ trọng các nguồn điện sạch (thủy điện và các nguồn năng lượng thay thế khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư.

Với tiến trình này, việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 là rất khả thi.

Lưu Vĩnh Hy