Theo Giám đốc điều hành cấp cao Richard Yu Chengdong, Huawei Technologies đang phải đối mặt với giai đoạn “cực kỳ khó khăn”, sau khi Chính phủ Hoa Kỳ đưa công ty này vào danh sách đen. Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty đã bị thu hẹp đáng kể trong bối cảnh hạn chế thương mại ngặt nghèo.
Ông Yu, Chủ tịch Tập đoàn kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết, công ty đã chứng kiến doanh số điện thoại thông minh hàng năm giảm xuống còn khoảng 20 triệu chiếc, khi Washington thắt chặt hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc đại lục vào năm 2022.
Theo dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Omdia, các lô hàng điện thoại thông minh của Huawei chỉ đạt tổng cộng 28,1 triệu chiếc vào năm 2022, khi hãng đứng thứ 10 trong ngành. Trong khi đó, công ty dẫn đầu thị trường là Samsung Electronics đã xuất xưởng 258,5 triệu chiếc trên toàn thế giới. Năm 2019, cùng thời điểm mà Washington đưa Huawei vào “danh sách đen” vì lo ngại an ninh quốc gia, công ty Trung Quốc này đã xuất xưởng hơn 240 triệu điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Ông Yu nói: “Nhóm của tôi không thể bắt đầu hoạt động… Là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ 5G, chúng tôi thậm chí còn không có (điện thoại thông minh) 5G. Chúng tôi đang phải đối mặt với tình thế hết sức khó khăn”.
Ông Yu, một người rất thẳng thắn và có những bình luận táo bạo khiến người dùng internet Trung Quốc đặt cho ông biệt danh “Big Mouth Yu”, đã dẫn dắt Huawei để soán ngôi nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới từ tay Samsung trong quý 2 năm 2020.
Huawei đã bất ngờ trở lại thị trường điện thoại thông minh 5G vào tháng 8 năm ngoái, khi hãng này tung ra chiếc điện thoại được trang bị bộ vi xử lý 7 nanomet – một bước đột phá nhận được rất nhiều lời khen ở đại lục, nhưng lại gây ra sự giám sát gắt gao từ Washington do những hạn chế tiếp cận công nghệ hiện có.
Trong khi Huawei vẫn giữ kín thông tin về diễn biến này, các nhà phân phối và nhân viên tại các cửa hàng của công ty đã bắt đầu cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng về bộ xử lý được sử dụng trong những chiếc điện thoại thông minh hàng đầu của hãng.
Ông Yu cho biết: “Điện thoại thông minh Huawei sử dụng chip sản xuất trong nước thay vì tích hợp chip xử lý của phương Tây. Vì vậy, người dùng của chúng tôi cũng đang góp phần vào sự phát triển của chuỗi cung ứng điện tử Trung Quốc”.
Theo Công ty nghiên cứu TechInsights, công ty tư nhân này dự kiến sẽ xuất xưởng hơn 50 triệu thiết bị cầm tay tại Trung Quốc trong năm nay, giành lại vị trí dẫn đầu tại đại lục với thị phần dự kiến là 19%, tăng lên từ mức 12% vào năm 2023.
Tuần trước, Huawei đã hoàn thành việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) tại Thượng Hải, nơi tập trung vào chất bán dẫn, mạng không dây và Internet vạn vật (IoT).
Huawei cũng kỳ vọng sẽ phá vỡ sự thống trị của các hệ điều hành di động phương Tây tại Trung Quốc đại lục khi phát hành HarmonyOS Next. Được biết, hệ điều hành này sẽ ngừng hỗ trợ đối với các ứng dụng Android.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Reuters, Huawei có thể sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn nữa sau khi chính quyền của ông Biden trong năm nay đã thu hồi 8 giấy phép cho phép một số công ty Mỹ giao thương hàng hoá với công ty này.
Lân Nguyễn (t/h)