Thông tin từ TTXVN, ngày 30/11, HSBC tuyên bố từ tháng 4 năm tới sẽ đóng cửa 114 chi nhánh, chỉ để lại 327 chi nhánh trên toàn nước Anh. Theo HSBC, việc đóng cửa các chi nhánh là do sự thay đổi khi khách hàng ngày càng yêu thích sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
HSBC cho biết hơn 97% các giao dịch, đơn xin vay của cá nhân và đơn xin cấp thẻ tín dụng hiện được thực hiện điện tử và một số chi nhánh sắp bị đóng cửa có chưa tới 250 khách hàng một tuần.
Giám đốc điều hành bộ phận phân phối của HSBC tại Anh, Jackie Uhi cho biết: “Mọi người đang thay đổi cách thức giao dịch ngân hàng và lượng khách đến nhiều chi nhánh đang ở mức thấp chưa từng có và không có dấu hiệu tăng trở lại. Ngân hàng từ xa đang trở thành tiêu chuẩn đối với đại đa số chúng tôi”.
Ngoài lý do thay đổi trong thói quen sử dụng ngân hàng của người dân, HSBC cũng luôn chịu áp lực từ cổ đông lớn nhất của mình, công ty bảo hiểm Ping An của Trung Quốc, về việc cải thiện hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí.
Tuy vậy, việc đóng cửa bớt các chi nhánh của HSBC cũng phản ánh xu hướng chung dài hạn của lĩnh vực ngân hàng là rút khỏi các địa điểm đắt tiền và điều này làm các nhà hoạt động lo ngại có thể gây bất lợi cho cộng đồng, nhất là người già quen sử dụng tiền mặt.
Với tuyên bố đóng cửa mới nhất này, trong năm nay, HSBC đã tuyên bố đóng cửa trên 600 chi nhánh và mạng lưới chi nhánh của HSBC tại Anh đã giảm đáng kể so với con số gần 1.200 chi nhánh vào cuối năm 2012.
Tại Việt Nam, HSBC đánh giá sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp quý III/2022 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7% tính đến cuối quý III/2022, tiếp nối đà tăng trưởng kể từ thời điểm giãn cách xã hội trong quý 3/2021.
Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện. Cụ thể, nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ hồi sinh đáng kể, Tổng cục Thống kê ghi nhận khu vực này đã tiếp nhận lượng lao động bình quân mới cao nhất.
Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, lao động đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp trở lại với các công việc phi nông nghiệp và từ việc làm phi chính thức sang chính thức khi các hoạt động ở thành thị sôi động trở lại.
Về tình hình sắp tới, theo HSBC, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự chuyển dịch ngoạn mục. Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để thay đổi cơ cấu thị trường lao động, chuyển lao động tham gia ngành nông nghiệp sang ngành sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và khu vực dịch vụ. Thị trường lao động cũng hưởng lợi nhờ “dân số vàng”, với tỷ lệ dân số phụ thuộc luôn dưới 50% kể từ năm 2006.
PV (t/h)