Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Chính phủ vừa dành trọn một ngày đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự tham gia của hệ thống chính trị, cùng sự đồng tình cao của người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19, ông Dũng khẳng định việc này đã góp phần tạo nên thành công trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, đến nay đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.
Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì. Chúng ta cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất có thể nhưng không được chủ quan với dịch bệnh. Một điểm sáng nữa là xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua. Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ 2019, là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%. Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng chúng ta, không được chủ quan. Lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa. Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải đã được giải quyết.
Người Phát ngôn của Chính phủ cho rằng, sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: Nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, các cân đối vĩ mô ổn định.
Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
Ta đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA. Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các nước trong phòng chống dịch bệnh.Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, có thể giữ đà tăng trưởng trong năm nay với mức 2,6-2,8%. Riêng xuất khẩu nông nghiệp năm nay phấn đấu cao hơn năm ngoái với khoảng 41 tỷ USD. Ông Dũng thông tin sang tuần tới sẽ xuất lô gạo đầu tiên, loại gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu với mức giá cao. Đây được nhìn nhận là một thị trường tiềm năng.
Một điểm sáng nữa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất của giai đoạn 2016-2020 sau hàng loạt động thái chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo kiên quyết điều chuyển vốn với những nơi không chịu giải ngân. Công tác triển khai thu hút vốn đầu tư nước ngoài dù năm nay khó khăn vẫn thu hút được 19,5 tỷ USD vốn FDI.
Về một số rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế cần phải đặt ra. Đó là những rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ.
Người Phát ngôn của Chính phủ cho rằng, chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.
Gia Gia