Tham dự buổi hội nghị có các lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, UBND TP. Thủ Đức (TPHCM), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa… làm đại diện kết nối các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thâm niên kinh doanh trong mọi lĩnh vực tại các địa phương TP. Cần Thơ, TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: “Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo cơ hội hợp tác mới, sâu rộng giữa TP. Cần Thơ với TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa. Đây là hoạt động thiết thực tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp; thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, thúc đẩy hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung, góp phần đưa TP. Cần Thơ đến gần hơn với nhà đầu tư, cùng nhau chia sẻ, hợp tác phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong tương lai”.
Ngoài mục tiêu quan trọng mà hội nghị đề ra, đó là giúp các đối tác doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, buổi diễn đàn còn là không gian trưng dụng để các cá nhân, tổ chức có dịp tiếp xúc để giới thiệu, quảng bá tiềm năng đặc trưng, lợi thế phát triển và định hướng tương lai, vươn đến sự bứt phá mạnh mẽ của mình đến với các chủ đầu tư, đối tác liên kết kinh doanh. Hội nghị đã thu hút gần 350 đại biểu tham dự; thông qua đó, buổi làm việc cũng đã trình bày, truyền tải hiệu quả các thông điệp, tiềm năng phát triển, thế mạnh chuyên sâu, các loại đặc sản đặc trưng của TP. Cần Thơ và nội dung trọng điểm trong quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Hội nghị cũng đề cập việc TP. Cần Thơ chính là địa phương được chọn làm điểm thí điểm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù để phát triển nhằm thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ là một Thành phố trẻ, năng động với sự tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao nên có vai trò quan trọng về nhiều mặt như kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước. Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL; đời sống vật chất tinh thần của người dân đạt mức cao”. Đây là một cơ hội khá lớn của địa phương này trong sự phát triển kinh tế trong nhiều lĩnh vực trong thời gian sắp tới với nhiều hứa hẹn sẽ giúp TP. Cần Thơ bùng nổ hơn, trở thành một điểm sống đáng sống trong khu vực ĐBSCL, động lực cho vùng Tây Nam Bộ khởi động mạnh mẽ cho sự tiên tiến, chuyển đổi hóa tích cực.
Nếu Tây Nam Bộ có TP. Cần Thơ đang vượt lên với những khát vọng vươn xa thì TP. Thủ Đức, trung tâm của miền Đông Nam Bộ cũng là một trong những địa phương có sự đột phá trong mọi lĩnh vực. Trong đó không thể không nhắc đến hệ thống giao thông đang được nâng cấp đồng bộ, trong tương lai sẽ giúp cho các phương tiện giao thông đường bộ thoải mái lướt êm trên các tuyến đường, đây cũng là một trong những điểm quan trọng thu hút sự kết nối đầu tư, hợp tác phát triển bởi giao thông bê tông hóa là một điều đặc biệt quan trọng tác động lớn đến các đối tác; chú trọng phát triển kinh tế cùng với các tỉnh lân cận trong các dự án trọng điểm như Metro số 1, đường Vành đai 3, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai. Thành phố Thủ Đức là khu vực đặc biệt của sự vượt sóng vươn xa của ngành Hậu cần Logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức. Đây là một tiềm năng mà không phải địa phương nào cũng có thể có được.
Hội nghị không chỉ được lắng nghe những cơ hội phát triển của TP. Cần Thơ, TP. Thủ Đức mà các đại biểu tham dự còn có những giây phút phấn khởi khi nghe tỉnh Thanh Hóa nhắc đến thuận lợi và đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Tỉnh Thanh Hóa có vị trí đắc địa về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nổi bật là hệ thống đường thủy có Cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; Cảng hàng không Thọ Xuân với nhà ga hiện đại, công suất 1 triệu lượt khách/năm, đảm bảo điều kiện để trở thành Cảng hàng không quốc tế; Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thông thương với Lào, qua đó thông thương với nhiều nước trong khối ASEAN. Với những điểm này, tỉnh Thanh Hóa trở thành một địa phương tiềm lực với sự kết nối đa doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, thuận tiện cho sự đi lại của đôi bên.
Trong dịp này, các đại biểu tham dự cũng được thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của ba địa phương, đặc biệt là sự kết nối giữa các đại diện các địa phương, các doanh nghiệp… làm tiền đề cho sự gặp gỡ, giao lưu, đưa sản phẩm lưu dấu trên khắp mọi miền đất nước, hướng đến các đối tác nước ngoài.
Thúy Quyên