Công ty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc (Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc) – Thành viên Tập đoàn HAPACO, thành lập ngày 10/2/2002. Đây là doanh nghiệp đầu tiên hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực chế biến lâm sản ở địa bàn miền núi huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy có 3 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 600.000 tấn/năm.
Giám đốc Cty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc Đặng Văn Hậu cho biết, trong đại dịch Covid-19, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng do thực hiện tốt “3 tại chỗ” nên Công ty vẫn duy trì sản xuất khá ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân và tiêu thụ sản phẩm (bương, luồng) cho hàng trăm hộ dân vùng nguyên liệu, nhưng sau đại dịch, nhất là từ cuối năm 2022 bước vào năm 2023, đơn hàng giảm mạnh, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, thiếu vốn, trong khi giá nguyên liệu tăng, giá sản phẩm giảm, vì vậy thu nhập của người lao động cũng giảm theo, nhiều công nhân đã xin nghỉ việc đi làm nơi khác. Đến quý 1/2023, Nhà máy chỉ còn 1/3 dây chuyền hoạt động, 30/90 công nhân nghỉ việc, sản phẩm tồn kho gần 200 tấn, đến trung tuần tháng 8 có 50/90 công nhân nghỉ việc, sản phẩm tồn kho đã lên đến hơn 300 tấn. Từ đầu tháng 9 đến nay, Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc chính thức tạm dừng hoạt động, cùng với đó là gần 100 lao động mất việc làm. Tuy nhiên, có hơn 30 công nhân đã tình nguyện ở lại Nhà máy cùng Công ty “gồng mình” vượt khó. Số lao động này Công ty bố trí làm các công việc như vệ sinh nhà xưởng, bảo quản thiết bị máy móc, tiếp nhận, bảo quản nguyên liệu trên bãi… Số công nhân ở lại đều chấp nhận thu nhập thấp, thậm chí chỉ nhận hỗ trợ của Công ty. Họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Công ty. Theo Giám đốc Đặng Văn Hậu mặc dù nhà náy dừng sản xuất nhưng hàng ngày vẫn thu mua nguyên liệu (bương, luồng) cho bà con trong vùng. Vì nếu không thu mua nguyên liệu cho bà con thì hàng trăm hộ dân sẽ gặp khó khăn.
Anh Hà Văn Thẳn, xóm Khán, xã Vạn Mai, Mai Châu đã làm công nhân Công ty HAPACO Đông Bắc hơn 10 năm, 8 tháng, nay anh Thẳn phải chịu cảnh ngày làm, ngày nghỉ. Thu nhập giảm nhiều so với trước, một số người đã nghỉ về quê tìm việc khác nhưng anh Thẳn không nghỉ. Anh Thẳn tâm sự, lúc mới vào Công ty làm việc, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, hai vợ chông quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương, ngoài đồng vẫn không thoát được cảnh tumg thiếu. Từ khi vào nhà máy làm công nhân, thu nhập bình quân hàng tháng 6 – 7 triệu đồng, tháng nào tăng ca nhiều thì được 9 – 10 triệu, bằng cả mấy vụ lúa, vụ ngô. Bây giờ nhà anh Thẳn đã xây được nhà kiên cố, mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy, cuộc sống không còn giật gấu vá vai như trước. Nay Công ty gặp khó khăn không thể bỏ được mà phải ở lại cùng san sẻ khó khăn với Công ty. Anh Thẳn tin rằng, Công ty sớm khôi phục lại sản xuất, có đơn hàng như trước.
Anh Hà Văn Phụng, xóm Cha Lang, xã Mai Hịch, tâm sự: Hai năm đại dịch Covid-19, Công ty không bỏ rơi công nhân mà còn tạo mọi điều kiện lo chỗ ăn, ở tại nhà máy để công nhân có việc làm, có thu nhập lo cuộc sống cho cả gia đình. Ơn này anh em công nhân chúng tôi không thể quên được. Nay Công ty khó khăn, phải tạm dừng sản xuất, chúng tôi tình nguyện ở lại cùng chia sẻ khó khăn với Công ty. Hàng ngày anh Phụng đến nhà máy đúng giờ cùng anh em bảo quản sản phẩm tồn kho, kiểm tra, sửa chữa nhà xưởng, khơi thông rãnh thoát nước quanh nhà máy.
Anh Lò Văn Bương, xóm Nghẹ, cho biết: Anh vào làm việc ở Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc năm 2010, nay đã 13 năm, lúc đó nhà nghèo không có xe máy, anh đi làm bằng xe đạp, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lãnh đạo, Công đoàn nhà máy đã ủng hộ tiền, vật liệu giúp gia đình anh Bương sửa lại nhà. Sau một năm đi làm anh Bương mua được xe máy, ti vi và đồ dùng sinh hoạt gia đình. “Tôi coi Công ty HAPACO Đông Bắc như gia đình mình. Vậy khi gia đình gặp khó khăn thì nỡ lòng nào mà bỏ đi tìm nơi tốt hơn” – anh Bương chia sẻ.
Được biết, không chỉ giúp đỡ gia đình công nhân gặp khó khăn, lúc ốm đau mà Công ty HAPACO Đông Bắc còn làm tốt trách nhiệm xã hội với cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Công ty đã đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ các Cuộc vận động, Chương trình mục tiêu Quốc gia như: Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nâng bước em đến trường”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Gỉam nghèo bền vững”… đây là yếu tố quan trọng tạo sự gắn kết giữa Công ty với chính quyền và nhân dân địa phương, vì vậy trong lúc Công ty gặp khó khăn như hiện nay, Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mai Châu, Đảng ủy, UBND các xã Vạn Mai, Mai Hịch, Xăm Khòe, Mai Hạ… thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ và đồng hành với Công ty vượt qua khó khăn.
Mới đây Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã đến thăm, nắm bắt tình hình khó khăn của Công ty HAPACO Đông Bắc, đặc biệt là công tác PCCC. Báo cáo với Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Công ty HAPACO Đông Bắc Đặng Văn Hậu trình bày: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của Công ty là trong đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm vừa qua về PCCC, theo Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD (ngày 30/11/2022) “Về an toàn cháy nhà và công trình” thì Công ty bị sai phạm về PCCC và phải tạm dừng sản xuất để tổ chức khắc phục, vì vậy Công ty đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. Ông Hậu cho rằng, Quy chuẩn QCVN 06 của Bộ Xây dựng mới ban hành tháng 11/2022, trong khi Nhà máy giấy HAPACO Đông Bắc đã hoạt động hơn 20 năm. Công ty thực hiện PCCC theo quy chuẩn cũ QCVN 06/2020/BXD. Hệ thống PCCC của Công ty được tổ chức quy mô, bài bản, như: bể nước chữa cháy, vòi ống hút chữa cháy, bình chữa cháy… hàng năm Công ty tổ chức tập huấn về công tác PCCC cho cán bộ, công nhân. Đặc biệt là Đội PCCC của Công ty được tập huấn và trang bị đầy đủ phương tiện về PCCC, được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ PCCC. Qua các đợt thanh kiểm tra hàng năm của cơ quan chức năng, Công ty luôn được đánh giá cao về công tác PCCC và được biểu dương, khen thưởng. Ông Đặng Văn Hậu cảm ơn Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, chia sẻ khó khăn với Công ty HPAACO Đông Bắc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Đặng Văn Hậu, Giám đốc Công ty HAPACO Đông Bắc cho biết: Hơn 20 năm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn huyện miền núi Mai Châu, Hòa Bình, chưa năm nào Công ty gặp nhiều khó khăn như hai năm 2022 - 2023. Đó là, giá nguyên liệu tăng cao, giá đầu ra sản phẩm thấp, thiếu đơn hàng, thiếu vốn. Hiện tại sản phẩm tồn kho hơn 300 tấn tấn, nhà máy phải tạm dừng hoạt động, gần 100 công nhân không có việc làm. Đây là điều mà Công ty và người lao động không mong muốn.
Với quyết tâm cao của lãnh đạo Công ty, sự đồng hành, sẻ chia của chính quyền và người lao động, chắc chắn trong thời gian ngắn, Công ty TNHH MTV HAPACO Đông Bắc sẽ vượt qua được khó khăn trở lại sản xuất, kinh doanh.
Hồng Bài