Hồ Pá Khoang: Dấu ấn du lịch từ nét đặc sắc các dân tộc vùng Tây Bắc

00:30 29/01/2022

Hồ Pá Khoang thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc các du khách thập phương đến nơi đây ngoài việc thưởng thức cảnh đẹp hùng vỹ mà còn cảm nhận hương vị độc đáo từ ẩm thực núi rừng Tây Bắc.

Nằm kề quốc lộ 279 và cách thành phố Điện Biên Phủ gần 20km thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, hồ Pá Khoang là một công trình nhân tạo được hình thành bởi nhiều ngọn núi, điểm dừng chân lý thú trên tuyến đường nối thành phố Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng. Pá Khoang trong ngôn ngữ của dân tộc Thái có nghĩa là “rừng trúc”. 

Ảnh minh họa
Du lịch hồ Pá Khoang cho cặp đôi – Khám phá những vẻ đẹp mộng mơ.

Nguyên nơi đây trước kia trúc mọc nhiều vô kể và người Thái đã có câu nói vui “ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”… Cây trúc rừng Pá Khoang đã từng là mặt hàng chiến lược xuất khẩu sang các nước châu Âu để sử dụng làm cần câu và gậy trượt tuyết. Vào đầu năm 1974 dịp kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng niềm tự hào Điện Biên và sức trẻ, bốn đại đội thanh niên xung phong đầu tiên đã đổ bộ vào Mường Phăng và đã hoàn thành con đường vắt qua mấy trăm ngọn núi trong thời gian chưa đến 200 ngày, làm cơ sở cho việc hình thành hồ Pá Khoang sáu năm sau. 

Ảnh minh họa
Hồ Pá Khoang là nơi lí tưởng đến đón hoàng hôn.

Trên độ cao 916m so với mực nước biển, hồ Pá Khoang có chiều dài 12km, rộng 3km, diện tích bề mặt gần 36km² với dung tích khoảng 50 triệu khối nước, ngoài đảm bảo tưới tiêu để 5.000ha cánh đồng Mường Thanh có thể sản xuất hai vụ mỗi năm, còn có tác dụng điều hòa không khí, hạn chế những tác hại của mưa lũ và về sau này còn giữ nước để hai công trình thủy điện Thác Bay và Nà Lơi có thể duy trì hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Với một địa hình đa dạng thảm thực vật, thảm rừng quanh hồ cũng phong phú các loài thú và chủng loại phong lan, đặc biệt trong hồ là một thế giới sinh động với khoảng 65 loài thực vật nổi, 14 loài động vật nổi, 6 loài động vật đáy… Theo tính toán sơ bộ của Ban Quản lý công trình, trữ lượng cá trong hồ phải đến cả nghìn tấn, đủ đáp ứng nhu cầu cư dân thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên với chất lượng thịt cá rất thơm và đậm đà do nguồn nước trong lành và thức ăn tự nhiên dồi dào.

Ảnh minh họa

Đi thuyền trên hồ và ngắm cảnh núi non hùng vĩ.

Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể bơi thuyền trên những gợn sóng lăn tăn, len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của các đảo, khám phá điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Du khách cũng có thể đi bộ xuyên rừng thưởng ngoạn cảnh quan và ghé thăm các bản của người dân tộc Thái. Người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách; du khách sẽ được mời tham dự những buổi giao lưu văn nghệ, thưởng thức nghệ thuật và các món ẩm thực, như: Xôi, cơm lam, cá nướng, thịt hun khói...Vào mùa đông, sương mờ bảng lảng phủ khắp mặt hồ tạo nên một bức tranh thủy mặc huyền ảo. Mùa hè đến, mặt hồ trong xanh, hiền hòa soi bóng núi non, mây trời và rừng cây xanh thẫm.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu chung của quy hoạch là đến năm 2020 phát triển Khu Du lịch Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu Du lịch Quốc gia. Đến năm 2030 thực sự trở thành Khu Du lịch Quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiên đại; là điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội tỉnh Ðiện Biên.

Vũ Tiến