Hiệp hội Mía đường Việt Nam "kêu cứu"

23:10 29/07/2022

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, nửa đầu tháng 6 nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu chính ngạch từ các nước Asean. Bên cạnh đó là đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào tràn vào. Cộng với đường từ vụ ép 2021-2022, đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam
Hiệp hội Mía đường Việt Nam "kêu cứu".

Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu, đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

Nửa cuối tháng 6, tại một số địa phương thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước đây là yếu tố hỗ trợ gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy. Tuy nhiên, sự hiện diện của lượng lớn đường nhập lậu, đường và chất ngọt nhập khẩu chính ngạch khiến đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.

Các nhà máy dù nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp nhưng cũng không đẩy được sản lượng tiêu thụ.

“Đây là tháng thứ năm liên tục bế tắc đầu ra đang đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng mía đường. Cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại” - đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam chia sẻ.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam. Các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh, đường lậu tiếp tục thống trị thị trường, khiến đường làm từ mía rất khó tiêu thụ.

PV