![]() |
Hệ sinh thái công nghệ của Vingroup còn gì sau thương vụ bán VinBrain cho Nvidia |
Ông Jensen Huang, CEO Nvidia, mới đây công bố thông tin tập đoàn đã quyết định mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo thuộc Vingroup (VIC) - nhằm xây dựng trung tâm thiết kế tương lai tại Việt Nam. Thỏa thuận này được công bố vào tối 5/12 tại Hà Nội, đánh dấu sự ra mắt chính thức của Nvidia tại Việt Nam.
Ông Jensen Huang nhấn mạnh: “Đây là một cột mốc quan trọng, ngày khai sinh Nvidia Việt Nam. Chúng tôi rất may mắn khi hợp tác với Vingroup trong thương vụ mua lại VinBrain, một startup phi thường và tuyệt vời tại Việt Nam. Với VinBrain, giờ đây chúng tôi có điểm khởi đầu cho một trung tâm thiết kế tương lai lớn”.
VinBrain được biết đến là công ty tiên phong trong ứng dụng AI cho y tế, cung cấp giải pháp tại hơn 182 bệnh viện ở Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Australia và các quốc gia khác. Thương vụ này sẽ mở ra cơ hội lớn để Nvidia củng cố vị thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Tại thời điểm ngày 30/9, Vingroup đã đầu tư hơn 126 triệu USD vào startup VinBrain và ghi nhận đây là công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu hơn 49,7%. Tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích đều ở mức 49,74%.
Sau khi chuyển nhượng VinBrain, Vingroup hiện còn nhiều công ty công nghệ như VinCSS, VinAI, VinBigdata, VinHMS... và một công ty mới thành lập là VinRobotics.
![]() |
VinAI, VinBigdata, VinCSS và VinHMS đều là trụ cột chiến lược, đóng góp lớn cho hệ sinh thái công nghệ của tập đoàn. |
VinRobotic - Doanh nghiệp do Vingroup sẽ nắm giữ 51% cổ phần
Ngày 20/11, tập đoàn Vingroup thông báo chính thức thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu của VinRobotics là góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống.
VinRobotics hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty chuyên sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống.
Về cơ cấu cổ đông, Vingroup sẽ nắm giữ 51% cổ phần, ông Phạm Nhật Vượng góp 39% cổ phần, hai ông Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng mỗi người có 5% cổ phần. Vị trí Tổng Giám đốc VinRobotics do ông Ngô Quốc Hưng đảm nhiệm.
VinAI - Top 20 công ty công nghệ toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
CTCP Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI được thành lập vào tháng 8/2021, tiền thân là Viện Nghiên cứu VinAI (2019) thuộc Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ ban đầu là 425 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của Vingroup là 99,8%.
Tháng 9/2021, VinAI nâng vốn điều lệ từ 425 tỷ đồng lên gần 635 tỷ đồng. Đến tháng 11/2024, công ty giảm vốn điều lệ từ 635 tỷ đồng xuống 408 tỷ đồng. Theo BCTC của Vingroup, tập đoàn nắm 65% tại VinAI tại ngày 30/9/2024.
VinAI hiện có mạng lưới chuyên gia rộng khắp tại Mỹ, Australia, Pháp và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của công ty là tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về AI (trí tuệ nhân tạo), xây dựng và phát triển các ứng dụng AI tại Việt Nam và thị trường toàn cầu.
Tại báo cáo thường niên 2023, Vingroup cho biết, trong năm 2023, VinAI đã công bố 27 công trình tại các hội thảo hàng đầu thế giới như CVPR, ICCV, NeurIPS, nâng tổng số công trình được thế giới công nhận lên tới hơn 130 công trình sau hơn 4 năm hoạt động. Kết quả này đã giúp VinAI duy trì vị thế top 20 công ty công nghệ toàn cầu dẫn đầu về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo theo các tiêu chí đánh giá của Thundermark Capital.
Tính đến cuối năm ngoái, VinAI đã đóng góp cho cộng đồng hơn 40 bộ mã nguồn và 11 bộ dữ liệu, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong sự kiện AI Day 2023, VinAI đã công bố một bước đột phá với PhởGPT – một mô hình mã nguồn mở có hơn 7,5 tỷ tham số, có khả năng hiểu văn hoá, văn phong tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt.
VinCSS - Công ty phát hiện hàng trăm lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của hãng công nghệ hàng đầu
CTCP Dịch vụ An ninh mạng VinCSS được thành lập vào tháng 11/2018 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tháng 1/2022, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty TNHH sang CTCP và nâng vốn điều lệ lên 411 tỷ đồng. Vingroup nắm 65% vốn tại VinCSS tính đến ngày 30/9/2024.
VinCSS hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu – phát triển, sản xuất và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng toàn diện - thông minh - tự động và xác thực mạnh không mật khẩu. Hiện tại, VinCSS đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong bốn mảng là IT Security Services, VinCSS FIDO2 Ecosystem, IoT Security và Connected Car Security.
Theo báo cáo thường niên của Vingroup năm 2023, VinCSS đã phát hiện 205 lỗ hổng bảo mật zeroday tồn tại trong sản phẩm, dịch vụ của các hãng công nghệ hàng đầu như Microsoft, Adobe, McAfee, VMWare, ESET, Trend Micro, WECON LiveStudioU, Fuji Electric...
VinBigdata: Dẫn đầu trong dữ liệu lớn và AI
CTCP VinBigdata được thành lập vào tháng 9/2021, tiền thân là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (2018) của Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ ban đầu gần 471 tỷ đồng, Vingroup góp 99% vốn. Tháng 3/2024, công ty nâng vốn điều lệ từ 471 tỷ đồng lên 535 tỷ đồng. Vingroup hiện nắm 69,2% vốn tại VinBigdata tại ngày 30/9/2024.
VinBigdata hoạt động chính trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu (đặc biệt về xử lý hình ảnh và ngôn ngữ). Mục tiêu của VinBigdata là trở thành công ty trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn số 1 Việt Nam, top 10 khu vực.
Đội ngũ phát triển của VinBigdata tạo dấu ấn với các sản phẩm AI tích hợp công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói như ViVi, ViChat, ViVoice, ViBio.
VinHMS - Chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ cho ngành quản trị khách sạn
CTCP Sản xuất và Kinh doanh phần mềm VinHMS được thành lập vào tháng 11/2018 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tháng 1/2022, công ty nâng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 425 tỷ đồng. Vingroup nắm 65% vốn tại đây tính đến ngày 30/9/2024.
VinHMS sản xuất và kinh doanh phần mềm, chuyên cung cấp những sản phẩm công nghệ cho ngành quản trị khách sạn.
Bộ giải pháp từ đơn vị bao gồm CiHMS, CiAMS, CiTMS và CiTravel, cung cấp các giải pháp có tính đồng bộ all-in-one (tất cả trong một) từ lúc đặt cho đến trả phòng. Đại diện đơn vị cho biết, điều này giúp doanh nghiệp chuyển đổi cách vận hành, tăng doanh thu và trải nghiệm khách hàng.
VinHMS có thể kết nối với nhiều giải pháp khác để mở rộng quy mô và tính năng. Công nghệ mở giúp giải pháp đáp ứng nhu cầu bản địa hóa của những thị trường khác nhau, từ việc tích hợp với VNPT để xuất hóa đơn điện tử theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam đến kết nối cổng thanh toán nội địa ở Campuchia (ABA), Thái Lan (OPN). Qua đó, chủ khách sạn và du khách ở mỗi thị trường sẽ có những trải nghiệm đặc thù theo quy trình và chi phí tối ưu nhất.
Giải pháp công nghệ tự động hóa vận hành cung cấp tính năng đặt chỗ trực tiếp hoặc gói bán hàng có thể tùy chỉnh, hỗ trợ nhà quản lý tiết kiệm thời gian. VinHMS cũng cung cấp nhiều phân hệ nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động đến 50%. Đơn cử, cổng thông tin dành cho đại lý du lịch (PTA) giảm số lượng nhân sự hỗ trợ; hệ thống quản lý tập trung F&B (PCM) hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm tại các nhà hàng phục vụ bữa sáng
VinHMS hiện là đối tác chính thức của Expedia, Traveloka, Agoda, TripAdvisor, Google, Amazon Web Services... và là công ty đầu tiên tại Việt Nam trở thành hội viên của HTNG - Hiệp hội quốc tế định chuẩn giao thức cho các phần mềm của khách sạn.
Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ thuộc hệ sinh thái Vingroup không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, dữ liệu lớn và phần mềm quản lý, mà còn mở ra những triển vọng to lớn cho ngành công nghệ Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thương vụ chiến lược, như việc Nvidia mua lại VinBrain, đã chứng minh tiềm năng vươn xa của các doanh nghiệp công nghệ Việt, đồng thời là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ quan trọng trong khu vực và toàn cầu.