Hành trình từ làng lên phố của CEO Yến sào xứ Thanh Nguyễn Văn Tú

16:29 02/03/2023

Trò chuyện cùng CEO Nguyễn Văn Tú với thương hiệu Yến sào xứ Thanh, anh tâm sự: “Đưa thương hiệu yến sào lên thành phố là một thành công lớn của tôi. Ở làng vừa vất vả trong việc trung chuyển sản phẩm lại vừa không có cơ hội mở rộng thị trường".

Bỏ ra hàng trăm triệu để xây nhà cho chim ở

Anh Nguyễn Văn Tú quê ở xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) nuôi thành công chim yến, chế biến nhiều sản phẩm chất lượng cao từ tổ yến. Đến nay nhãn hiệu Yến sào xứ Thanh trở thành sản phẩm OCOP 4 sao vươn ra thị trường quốc tế.

Nguyễn Văn Tú là tấm gương khởi nghiệp thành công từ thương hiệu Yến sào xứ Thanh
Nguyễn Văn Tú là tấm gương khởi nghiệp thành công từ thương hiệu Yến sào xứ Thanh.

Anh cho biết: “Tôi lập nghiệp từ con số 0, lại chịu áp từ gia đình, bạn bè, làng xóm với việc làm được cho là “điên rồ”- nuôi chim yến. Bởi lúc đó có ai dám bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để xây nhà cho chim ở”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ven biển, học hết lớp 9 anh Tú đã phải vào Nam kiếm sống. Sau bao năm bươn chải xứ người, năm 2013, Nguyễn Văn Tú quyết định trở về quê lập nghiệp bằng việc xây nhà yến.

Nuôi chim yến không tốn nhiều chi phí bởi đây là thứ “lộc trời” nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao và sự kiên trì. Bằng sự sáng tạo, say mê học hỏi và khả năng thích ứng, hội nhập với thị trường Tú là tấm gương khởi nghiệp thành công đối với nhiều bạn trẻ.

Là chàng trai miền biển, nước da rám nắng, thân hình gầy đen nhưng ở anh luôn toát lên sự tự tin, rắn rỏi. Anh thân thiên, mến khách ngay lần đầu gặp gỡ.

Ngôi nhà đơn sơ được bố mẹ Tú dồn tiền xây, tầng 1 để ở, tầng 2 nuôi chim yến. Chim yến thích bóng tối nên ngoài một khoảng trên tum để chim vào, nhà không thiết kế cửa sổ hay cửa chính nào. Trên tường, chỉ đặt các hàng ống nước làm lỗ thông hơi cho chim thoáng mát. Tất cả thiết kế, bài trí trần gỗ làm sao càng giống hang động tự nhiên, càng lắm ngóc ngách càng tốt. Tần số âm thanh tiếng chim phải phù hợp, không lớn quá, cũng không nhỏ quá. Nhiệt độ duy trì trong nhà phải ở mức 24 đến 25 độ C,…

Những ngày đầu nuôi chim yến Tú gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ,… Khó khăn lại nhân lên khi mùa đông năm 2015, toàn bộ 2.000 con chim yến của anh bị chết cóng. Không nản chí, anh đầu tư lắp đặt hệ thống lò sưởi điện để phòng, chống rét cho yến, duy trì độ ẩm 80-90%; nhiệt độ trong nhà 24-25 độ C. Đồng thời, lắp đặt hệ thống âm thanh tạo ra tần số phù hợp để dụ chim yến về làm tổ. Hiện khu nhà yến của anh tạo nơi cư trú cho khoảng 4.000 - 5.000 con chim yến.

Ngày đầu, cơ sở bán tổ yến thô giá rất cao từ 3-4 triệu 1 lạng không phải ai cũng có tiền mua, đặc biệt là ở nông thôn. Tú nghĩ mình nên chế biến để chia nhỏ sản phẩm ra sẽ hợp với túi tiền của nhiều người. Anh quyết định mở xưởng chế biến tổ yến. Cơ sở sản xuất Yến sào xứ Thanh ra đời tại 1 làng nhỏ ven biển.

Năm 2017, khi nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, anh Tú đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh, đầu tư mua trang thiết bị, máy móc để sản xuất các sản phẩm từ yến sào thô, yến sào tinh chế và yến đóng hũ, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Quá trình hoạt động, anh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để mở rộng thị trường.

Triết lý “Cho và nhận”

Xác định bản thân thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa là không được đi học nên bây giờ muốn làm việc gì thành công thì phải chịu khó học hỏi. Tú quyết định tìm đến các tổ chức hội doanh nghiệp và xem đó là “trường học” của mình. Mới đầu anh là thành viên của tổ chức BNI, sau đó là hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Câu lạc bộ doanh nhân,…

Anh Tú chia sẻ: “Bốn năm tôi đi chiếc xe máy “cà tàng” từ biển Hậu Lộc lên thành phố để tham gia các tổ chức doanh nghiệp là 4 năm trải nghiệm đầy gian nan nhưng cũng rất hiệu quả. Tôi nghĩ muốn mở rộng sản xuất kinh doanh không thể một mình lọ mọ ở nhà và không có kỹ năng gì. Tham gia sinh hoạt các tổ chức hội doanh nghiệp có những hôm tôi phải lên thành phố từ chiều, ở trọ lại ban đêm để sáng mai kịp họp. Những khi mùa đông giá rét, mưa gió lên được đến nơi nhìn bộ dạng tôi rất buồn cười. Xung quanh mình là các anh chị doanh nghiệp thành công tôi rất tự ti về bản thân. Nhưng vượt qua sự mặc cảm tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Các mối quan hệ, sự tự tin trong giao tiếp, những đơn hàng lớn đầu tiên,… bắt đầu từ nơi này”..

Tú tâm đắc với triết lý “Cho và nhận” của tổ chức BNI. Nó thấm nhuần trong cách sống và phương pháp kinh doanh của anh.

Khi kinh doanh ổn định anh chia sẻ sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến những bệnh nhân trong các bệnh viện của tỉnh
Khi kinh doanh ổn định anh chia sẻ sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến những bệnh nhân trong các bệnh viện của tỉnh.

Sau này kinh doanh thuận lợi anh mang sản phẩm yến của mình đến chia cho những bệnh nhân trong nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bởi anh nghĩ mình nuôi yến là “lộc trời” mình nên chia sẻ với những người không may mắn. Được đi tận nơi trao tận tay những người ốm yếu sản phẩm chăm sóc sức khỏe do mình tạo ra anh cảm thấy vui sướng.

Vươn ra biển lớn

Năm 2018, khi tỉnh Thanh Hóa triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Nguyễn Văn Tú tìm hiểu và nhận thấy những lợi ích của chương trình nên đã chủ động nâng cấp hệ thống máy móc, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bảo đảm các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Việc tham gia vào chương trình OCOP sẽ là nền tảng để công ty đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, vươn ra thị trường quốc tế.

Anh Tú cho biết, chương trình OCOP đã đi vào tiềm thức của người dân quê nói chung và bản thân mình nói riêng. Bởi nó đã “đánh thức” nhiều sản phẩm bấy lâu đã “ngủ quên” trong làng xã. Đạt sản phẩm OCOP phải trải qua quá trình kiểm định khắt khe. Doanh nghiệp Yến sào xứ Thanh lớn lên cũng nhờ những lần kiểm định này. Văn hóa kinh doanh đổi mới, tư duy kinh doanh khác xưa cũng từ OCOP.

Nhờ vào quá trình phấn đấu không mệt mỏi, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh do anh Tú làm giám đốc đã đưa ra thị trường 12 dòng sản phẩm mang thương hiệu Yến sào xứ Thanh. Hiện công ty đã có 16 đại lý, 3 nhà phân phối tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 16 đại lý này Tú là người chuyển giao công nghệ nuôi nhà yến và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Nếu tính cả nước có khoảng 400 căn nhà yến được anh xây dựng, bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2020, thương hiệu Yến sào xứ Thanh đã có mặt bằng trên thành phố Thanh Hóa. Tại quê hương Hậu Lộc, công ty đã mở rộng thêm 1 sở mới, nâng cấp dây chuyền sản xuất. Đây cũng là lúc anh có những đơn hàng, đối tác lớn từ công ty dược Hà Nội, công ty dược Bắc Giang,…. Sắp tới Nguyễn Văn Tú sẽ có cuộc làm viêc với đối tác mới đến từ Trung Quốc.

Công ty áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm trong dây chuyền khép kín
Công ty áp dụng công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm trong dây chuyền khép kín.

Song song với quá trình gắn sao cho sản phầm Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yến sào xứ Thanh cũng áp dụng chuyển đổi số. Từ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các lớp đào tạo, tập huấn do Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức công ty đã áp dụng thành công chuyển đổi số để kinh doanh yến sào. Sản phẩm được đưa lên nhiều sàn thương mại điện tử. Tất cả hệ thống sản xuất đều tự động, theo dây chuyền khép kín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó doanh thu năm 2022 đạt 10 tỷ đồng.

Anh Tú cho biết, sắp tới sẽ thành lập thêm một công ty thương mại xuất khẩu, sản xuất thêm nước uống đông trùng hạ thảo.

Triết lý “Chất lượng từ tâm”, “Cho và nhận” quyết định sự thành công của CEO Nguyễn Văn Tú từ việc nuôi chim yến và sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ “lộc trời”.

Minh Hiền