Bỏ lỡ cơ hội đồng hành cùng OpenAI
Ngày 8/8, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nước ngoài, với tư cách là người dẫn đầu trong lĩnh vực máy tính trong quá khứ, Intel hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đối với gã khổng lồ chip Mỹ, nếu đưa ra lựa chọn đúng đắn từ 7 năm trước, số phận của họ có thể đã trải qua một bước ngoặt đáng kể trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Theo nhiều người quen thuộc với vấn đề này, Intel đã đối mặt với một cơ hội quan trọng cách đây 7 năm - mua lại cổ phần của OpenAI, vốn lúc đó là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận mới nổi đang khám phá một lĩnh vực ít được biết đến gọi là trí tuệ nhân tạo tổng hợp.
Ba người quen thuộc với vấn đề này cho biết, từ năm 2017 đến 2018, Giám đốc điều hành của cả hai bên đã thảo luận sâu về nhiều lựa chọn hợp tác, bao gồm cả việc Intel chi 1 tỷ USD tiền mặt để mua 15% cổ phần của OpenAI. Ngoài ra, nếu OpenAI có thể mua phần cứng của Intel với giá gốc, Intel sẽ tăng tỷ lệ sở hữu thêm 15%.
Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng đã thất bại, một phần là do Giám đốc điều hành lúc đó của Intel là Bob Swan. Ông tin rằng, việc tiếp thị các mô hình trí tuệ nhân tạo tổng hợp sẽ mất thời gian và sẽ khó mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất chip trong thời gian ngắn.
OpenAI quan tâm đến khoản đầu tư từ Intel vì điều đó sẽ giúp họ giảm sự phụ thuộc vào chip Nvidia và cho phép công ty khởi nghiệp này xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, theo hai nguồn tin. Thỏa thuận thất bại vì đơn vị trung tâm dữ liệu của Intel không muốn sản xuất sản phẩm theo giá gốc, những nguồn tin này nói thêm.
Quyết định không đầu tư vào OpenAI của Intel trước đây chưa từng được công khai. OpenAI đã ra mắt chatbot AI ChatGPT mang tính đột phá vào cuối năm 2022 và hiện có giá trị khoảng 80 tỉ USD.
Đây là một trong một loạt sai lầm về mặt chiến lược khiến Intel (từng đi đầu trong lĩnh vực chip máy tính vào những năm 1990 và 2000) vấp ngã trong kỷ nguyên AI, theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với 9 người hiểu rõ vấn đề này, gồm cả các cựu lãnh đạo Intel và chuyên gia trong ngành.
Dự tính thiếu chính xác về hiệu suất của chip GPU
Về OpenAI, Microsoft đã có những khoản đầu tư mới vào năm 2019 để nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Động thái này càng quan trọng hơn trong bối cảnh ChatGPT ra mắt vào năm 2022 và sự tích cực triển khai trí tuệ nhân tạo của các doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới.
Một số cựu Giám đốc điều hành và chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng, sự thất bại của thương vụ tiềm năng thể hiện một cơ hội bị bỏ lỡ đối với Intel, hãng đã dần mất chỗ đứng trong cuộc chiến giành vị trí thống trị trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ qua.
Dylan Patel, người sáng lập SemiAnalysis, một tổ chức nghiên cứu chất bán dẫn, đã chỉ ra: “Thất bại của Intel trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bắt nguồn từ việc họ không đề xuất được một chiến lược sản phẩm thống nhất và mạnh mẽ cho thị trường”.
Theo bốn cựu Giám đốc điều hành quen thuộc với các kế hoạch của Intel, công ty từ lâu đã tin rằng CPU, tương tự như máy tính để bàn và máy tính xách tay, đủ hiệu quả để xử lý các nhu cầu điện toán cần thiết để xây dựng và chạy các mô hình trí tuệ nhân tạo.
Các kỹ sư Intel coi kiến trúc của chip GPU, thường được sử dụng trong game và được các đối thủ cạnh tranh như Nvidia hay AMD áp dụng, là không được hấp dẫn hoặc kém ưu việt so với các công nghệ khác mà hãng đang phát triển, theo Reuters.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 2000, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chip GPU hiệu quả hơn nhiều so với CPU trong việc xử lý dữ liệu chuyên sâu cần thiết để xây dựng và đào tạo các mô hình AI lớn. Vì được thiết kế cho đồ họa game, GPU có thể thực hiện một số lượng lớn các phép tính song song.
Các kỹ sư Nvidia đã dành nhiều năm kể từ đó để sửa đổi kiến trúc GPU, điều chỉnh chúng cho mục đích sử dụng AI và xây dựng phần mềm cần thiết để khai thác các khả năng này.
"Khi AI xuất hiện, Intel không có bộ xử lý phù hợp vào đúng thời điểm", Lou Miscioscia, nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Daiwa (Nhật Bản), bình luận
Khó cản bước sự phát triển mạnh mẽ của đối thủ AMD, Nvidia
Tuần trước, báo cáo tài chính quý 2 của Intel đã khiến giá cổ phiếu của hãng này giảm hơn 25%, ghi nhận kết quả hoạt động trong một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1974. Giá trị thị trường của gã khổng lồ chip lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 100 tỷ USD sau hơn 30 năm và hiện phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đưa các sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo ra thị trường. Gã khổng lồ trong ngành chip máy tính, đang đối mặt khó khăn hơn khi Nvidia và AMD vươn lên mạnh mẽ.
Ở vị trí hàng đầu quá lâu, Intel vẫn không thể cản bước sự phát triển mạnh mẽ của AMD, Nvidia và khiến cục diện thị trường dần bắt đầu thay đổi. Nvidia, từng được coi là bé nhỏ xét cả về doanh thu và vốn hóa so với Intel, hiện thống trị thị trường chip AI, trong khi CPU của AMD ngày càng cải tiến để đạt hiệu suất cao hơn, giá hợp lý hơn.
Thống kê cho thấy, Intel vẫn dẫn đầu thị phần chip máy tính, nhưng đang để mất dần vào tay đối thủ. Theo dữ liệu được Công ty nghiên cứu Stocklytics công bố tháng trước, thị phần chip dành cho PC và laptop của Intel giảm 20% trong quý II/2024. Trong khi đó, thị phần của AMD tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính rộng hơn, từ quý II/2016 đến II/2019, Intel luôn thống trị với 91% thị phần, còn AMD nắm giữ 8%. Tuy nhiên, đến quý cuối 2023, Intel tụt xuống 77,3% thị phần, trong khi AMD đạt 20,4%. Đến quý II/2024, thị phần của Intel còn 71,9%, ngược lại đối thủ là 21,7%.
Intel còn để mất lợi thế sản xuất chip về tay đối thủ TSMC. Từng đứng đầu mảng sản xuất, công ty Mỹ bị hãng gia công bán dẫn từ đảo Đài Loan vượt qua vào năm 2021 và trở thành công ty chip lớn nhất thế giới hai năm sau đó. Intel đang đẩy mạnh các chiến lược để lấy lại thị phần, nhưng được dự đoán gặp nhiều khó khăn.
Intel cũng từng là hãng chip có giá trị thị trường cao nhất ở Mỹ. Nhưng hiện vốn hóa của hãng chỉ bằng một phần 16 của Nvidia và thậm chí nhỏ hơn Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD.
Khó khăn này thể hiện rõ qua việc Intel công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 10 tỷ USD, bao gồm sa thải hơn 15.000 nhân viên và tạm ngừng chia cổ tức.
"Theo quan điểm của chúng tôi, các vấn đề của Intel đang đến mức sống còn", nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein nhận định. Bernstein là một trong những công ty phân tích tài chính hàng đầu thế giới, nổi tiếng với các báo cáo nghiên cứu sâu sắc và chi tiết về thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
"Intel là một trong những kỵ sĩ bị lãng quên của ngành công nghệ trong vài thập kỷ qua, không bao giờ vượt qua mức đỉnh cao năm 2000 và đang vật lộn để đưa thu nhập trở lại mức trước cuộc cách mạng AI", Giám đốc đầu tư của hãng Running Point Capital, bình luận.
Mảng kinh doanh chip máy chủ của Intel đã bị ảnh hưởng trong vài năm qua khi các công ty ưu tiên chi tiêu cho chip AI, nơi họ tụt hậu so với Nvidia. Nvidia đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới nhờ nhu cầu bùng nổ với chip AI của mình.
Để lấy lại lợi thế sản xuất, Intel đang lên kế hoạch chi 100 tỉ USD trên khắp 4 bang của Mỹ nhằm xây dựng và mở rộng các nhà máy sau khi nhận được 19,5 tỉ USD tiền tài trợ cùng khoản vay của liên bang.
Kế hoạch xoay chuyển tình thế của Intel phụ thuộc vào việc thuyết phục các công ty bên ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất chip của mình. Thế nhưng, các nhà phân tích cho biết, việc thúc đẩy hoạt động sản xuất chip theo hợp đồng có thể mất nhiều năm mới hiệu quả. Hiện tại, việc này đang làm tăng chi phí của Intel và gây áp lực lên lợi nhuận.
CEO Pat Gelsinger đã đưa ra nhiều chiến lược để cải thiện tình hình tài chính của Intel, như kéo dài thời gian khấu hao tài sản và tách một số bộ phận kinh doanh để tự chịu trách nhiệm tài chính. Tuy nhiên, chỉ thời gian mới trả lời được liệu những nỗ lực này có giúp Intel vượt qua giai đoạn khó khăn này hay không.
Đức Anh (T/h)