Hàng loạt gã khổng lồ xe hơi tham gia vào kỷ nguyên xe điện

15:25 14/06/2021

Trong bối cảnh xe bán tải, SUV chạy xăng ngày càng suy thoái bởi các yếu tố về khí thải và tính bền vững, sự chuyển dịch sang sử dụng xe chạy điện đang tăng lên đáng kể như một xu thế tất yếu của thế giới. Giờ đây, bên cạnh nhà tiên phong sản xuất và dẫn đầu thị trường xe điện (EV), Tesla, hầu như mọi “ông lớn” trong ngành xe hơi đều muốn nắm lấy tương lai mới của ngành công nghiệp.

General Motors đặt mục tiêu chỉ sản xuất EV vào năm 2035 với 30 mẫu mới sẽ ra mắt năm 2025, đánh dấu khoản đầu tư 27 tỷ USD. Ford, trước đó đã cam kết 22 tỷ USD dành cho phát triển xe điện, nay đã công bố thêm 40% xe sẽ được điện khí hóa vào năm 2030. Toyota, Volkswagen, Daimler, Hyundai, Fiat Chrysler, Honda và các tên tuổi khác cũng cam kết tương tự.

Để chuẩn bị cho sự tấn công dữ dội của các mẫu xe mới này, các đại lý nhượng quyền ô tô ở Hoa Kỳ, phần nhiều trong số này là các doanh nghiệp nhỏ lâu năm tại khu vực ngoại ô và vùng nông thôn đang bắt đầu hoạt động. Mark Paladino, Tổng Giám đốc Colonial Ford ở Danbury, Connecticut có thâm niên 40 năm kinh doanh, cho biết: “Xe điện là vấn đề lớn hiện nay. Chúng tôi coi xe điện là một phần của công việc kinh doanh sẽ ngày càng lớn mạnh và chúng tôi muốn trở thành một phần của thế giới đó”.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Theo số liệu từ Credit Suisse, xe điện chiếm chưa đến 3% tổng doanh số bán ô tô mới ở Mỹ, trong đó Tesla thống trị thị trường chiếm khoảng 55% số này. Chris Sutton, Phó Chủ tịch phụ trách bán lẻ ô tô của Công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power cho biết, mặc dù hiện nay xe điện chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng “sẽ trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ ô tô”. Một báo cáo của Bloomberg New Energy Finance ước tính rằng vào năm 2040, xe điện sẽ chiếm 58% doanh số bán xe chở khách trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ lần lượt dẫn đầu. 

Một vấn đề nổi cộm đối với mô hình bán hàng truyền thống là sự xuất hiện của hoạt động tiếp thị trực tuyến của Tesla đạt thành tích hơn 385.000 chiếc EV tính vào doanh số online. Trong khi 33 tiểu bang đã cho phép bán xe hơi thông qua mô hình D2C (bán trực tiếp đến tay khách hàng), cơ quan lập pháp của nhiều quốc gia khác đang tranh luận về các dự luật sẽ bỏ qua hệ thống nhượng quyền thương mại đã từng kết nối hợp pháp các đại lý và nhà sản xuất trong hơn một thế kỷ. NADA, các nhóm đại lý của các bang và các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã ủng hộ việc duy trì hệ thống nhượng quyền thương mại, tuyên bố rằng hệ thống này sẽ cân bằng sân chơi.

Tiếp thị trực tuyến không phải là điều gì mới mẻ đối với các nhà sản xuất và kinh doanh xe hơi. Mọi thương hiệu đều duy trì một trang web nơi người mua hàng có thể xem xét các mẫu xe và giá cả, thậm chí thiết kế riêng một chiếc ô tô mới. Vai trò của các đại lý có xu hướng ngày càng thu hẹp, để tồn tại, những đơn vị này sẽ phải điều chỉnh theo sở thích mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng mới chỉ xuất hiện trong thời kỳ đại dịch. Điều đó cho phép các nhà sản xuất nhận đặt chỗ và đặt cọc trực tuyến, đồng thời tìm cách thu hút và thúc đẩy mối quan hệ lâu dài với thế hệ khách hàng yêu thích EV, chẳng hạn như các sự kiện lái thử đặc biệt hay hỗ trợ kỹ thuật viên dịch vụ. Ông Sutton cho biết: “Hệ thống đại lý đã tồn tại từ lâu nhưng trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang  trong quá trình chuyển đổi sang xe điện, các đại lý lớn nhỏ sẽ phải xoay trục một lần nữa”.

TL