Hàng hóa địa phương chiếm tỷ trọng ngày càng cao tại các siêu thị

17:16 14/04/2021

Thời gian gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 hoành hành thì hàng hóa trong các siêu thị trên cả nước nói chung chiếm tỷ trọng ngày càng cao đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước đã ngày càng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng đầu vào của sản phẩm.

 

Thịt chua Thanh Sơn có mặt tại siêu thị Thành công. Một đặc sản vùng miền của Phú Thọ
Thịt chua Thanh Sơn có mặt tại siêu thị Thành công. Một đặc sản vùng miền của Phú Thọ.

Nhờ những thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, tỷ trọng hàng Việt tại các siêu thị tăng lên rõ rệt, chiếm trên 90% tại hệ thống các siêu thị và hơn 60% tại thị trường bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tiện lợi. Hàng hóa Việt được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…khá đa dạng, phong phú từ đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm – nước uống, nông sản..

Cùng với sự gia tăng tỷ lệ hàng Việt, các đặc sản, nông sản địa phương cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các kệ hàng siêu thị. Tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C (thành phố Việt Trì, Phú Thọ), rất nhiều các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương được bày bán như: thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô, rau sạch Tứ Xã, bưởi Đoan Hùng… 
Anh Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ cho biết: HTX hiện nay đã đưa được sản phẩm vào các siêu thị lớn, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 40-50 tấn sản phẩm. Khi sản phẩm được phân phối trong hệ thống siêu thị thì khả năng tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng cao hơn, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm sẽ ngày càng được củng cố. Thông qua mức độ tiêu thụ hệ thống phân phối có thể định vị lại sức hút của sản phẩm đối với khách hàng để xây dựng kế hoạch phát triển tối ưu nhất.  

Mì gạo Hùng Lô được bán tại siêu thị Co.opmart Việt Trì, Phú Thọ
Mì gạo Hùng Lô được bán tại siêu thị Co.opmart Việt Trì, Phú Thọ.

Bà Hà Thị Thanh - Giám đốc siêu thị Hùng Vương (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đánh giá: Khách hàng ngày càng có thói quen lựa chọn các sản phẩm, hàng hoá xuất xứ từ thị trường nội địa, đặc biệt với các mặt hàng nông sản, thực phẩm… 

Ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc HTX chè Đá Hen ( xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết: Vào được siêu thị là bài toán khó đối với người nông dân, với các doanh nghiệp, HTX bởi những yêu cầu khắt khe nghiêm ngặt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phương thức giao nhận hàng hóa và thanh toán.

Để giải “bài toán khó”, đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương, Sở Công thương tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm cung cấp những kiến thức về kỹ năng, giải pháp đưa sản phẩm nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi giúp doanh nghiệp, HTX có cơ hội tiếp cận kênh phân phối hiện đại, mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm nông sản của tỉnh nhà; tiếp tục là đầu mối tổ chức các hội thảo, tập huấn về kỹ năng, giải pháp tiêu thụ sản phẩm theo hình thức mới; tư vấn cách thức cải thiện điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm để đảm bảo đủ tiêu chuẩn cung ứng sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Giải đáp thắc mắc, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục đưa sản phẩm vào một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; đồng thời đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phương pháp nghiên cứu thị trường, tạo dựng hình ảnh sản phẩm; quản trị thương hiệu; chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi cho sản phẩm…
Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương đưa hàng hóa vào các hệ thống siêu thị là một kênh hiệu quả để khai thác thị trường tiêu thụ nội địa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt trước các sản phẩm nhập khẩu. Đây đã và đang là xu thế phát triển của các doanh nghiệp, đơn vị, HTX trong tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung.

PV