Hàn Quốc thống trị ngành công nghiệp pin trên toàn cầu làm tăng rủi ro chuỗi cung ứng

14:37 07/10/2021

Dữ liệu mới cho thấy sự thống trị của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp pin sạc nổi lên như một "nút thắt" mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhu cầu xe điện tăng lên.

Hàn Quốc là nước sản xuất một nửa số lượng pin sạc trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu
Hàn Quốc là nước sản xuất một nửa sản lượng pin sạc trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. (Ảnh: internet) 

Được biết, quốc gia này chịu trách nhiệm sản xuất gần một nửa sản lượng pin sạc trên thế giới nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là đất hiếm và các nguyên liệu đầu vào khác từ Trung Quốc, khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và các cú sốc địa chính trị trong một khu vực ngày càng biến động.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã áp đặt một số lệnh cấm vận lẫn nhau, trong đó Trung Quốc trừng phạt Seoul năm 2016 bằng cách tẩy chay các sản phẩm như ô tô Huyndai. Lee Hang-koo, chuyên gia tư vấn tại Viện Công nghệ Ô tô Hàn Quốc cho biết: "Các doanh nghiệp đang suy nghĩ xem lựa chọn nào tốt hơn. Nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn về mặt chi phí nhưng nếu muốn tăng nguồn cung trong nước, rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ lớn hơn".

Theo dữ liệu từ SNE Research và B3 Intelligence, các nhà sản xuất Hàn Quốc dẫn đầu bởi LG Energy Solution, SK Innovation và Samsung SDI đã tăng thị phần 46 tỷ đô la cho pin sạc từ khoảng 35% năm 2018 lên 44% vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Hàn Quốc dựa vào nhập khẩu hơn 60% nguyên liệu pin quan trọng, chẳng hạn như cực âm, cực dương, bộ phân tách và chất điện phân. Điều này gây ra rủi ro cho toàn ngành khi phải chịu căng thẳng thương mại và chuỗi cung ứng thiếu ổn định.  

Kim Kyung-man, một nhà lập pháp trích dẫn dữ liệu từ Bộ Thương mại cho biết: "Đất nước chúng tôi là một cường quốc về pin nhưng chúng tôi cũng lo lắng vì phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu". Ông Kim nói thêm rằng, khuyến khích "hỗ trợ quy mô lớn" về thuế, tài chính và nghiên cứu để thúc đẩy sản xuất linh kiện pin trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu chi tiền cho các hóa chất và vật liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện. Theo B3 Intelligence, Trung Quốc là nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ hai trên thế giới với thị phần 33%, tiếp theo là Nhật Bản với 17%.

LG Energy Solution, một đơn vị của Tập đoàn LG, đã vạch ra kế hoạch đầu tư 5,2 tỷ đô la vào sản xuất vật liệu pin, trong khi nhà sản xuất thép Posco đang xây dựng một nhà máy trong nước để chiết xuất lithium hydroxide, thành phần quan trọng trong catốt từ nguồn cung cấp khoáng chất Pilbara của Úc. Được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch toàn cầu sang sử dụng xe điện, năng lượng xanh, các công ty Hàn Quốc tiến tới xây dựng các nhà máy sản xuất pin ở nước ngoài, bao gồm cả ở Mỹ và Hungary. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng nỗ lực quay lưng lại với Trung Quốc, quốc gia sở hữu trữ lượng kim loại hiếm đáng kể so với phần còn lại của thế giới sẽ mất nhiều năm mới có kết quả.

"Việc các nhà sản xuất sẽ dựa vào nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi vì Hàn Quốc thiếu nguyên liệu thô. Nhưng đất nước cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo các nguyên liệu quan trọng trong nước trong trường hợp Trung Quốc ngừng cung cấp khoáng sản", Sohn Jeong-soo, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc chỉ ra. Theo SNE, thị trường toàn cầu cho pin xe điện sẽ tăng gấp 10 lần lên 304,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 khi các nhà sản xuất ô tô rời xa xăng dầu và chính phủ đặt mục tiêu không phát thải ròng và năng lượng xanh. Các nhà sản xuất pin của Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư tổng cộng 40 nghìn tỷ Won (34 tỷ đô) vào năm 2030 để duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này, trong khi Seoul coi pin xe điện là động lực tăng trưởng đáng kể ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.

TL