Bồi dưỡng học sinh giỏi là bồi dưỡng kiến thức cho chính mình
Chia sẻ kinh nghiệm dạy đội tuyển học sinh giỏi, thầy giáo Lê Khắc Chiến, giáo viên Vật lý, trường THCS Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: “Để có thêm kiến thức cho công việc bồi dưỡng đội tuyển, tôi đã dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu sách vở, tài liệu và tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Bởi trước mắt tôi là những học trò rất thông minh nên bản thân tôi phải không ngừng nỗ lực. Nhờ vậy, tôi đã có những phương pháp, kiến thức từ những bài báo, tạp chí mà chưa sách vở nào cập nhật. Tôi cũng rất quan tâm đến những kỳ thi Vật lý quốc tế. Những kiến thức nào phù hợp tôi nhờ bạn bè thông thạo ngoại ngữ dịch để làm tài liệu cho mình. Nếu như không phải dạy các bạn học sinh giỏi thì chưa chắc tôi đã mất thời gian làm những việc này”.
Thực tế, trong quá trình giảng dạy có một số kiến thức Vật lý thầy cô không thể giảng cho học sinh hiểu rõ thông qua lời nói, mà phải biểu diễn dưới dạng các thí nghiệm, đồ dùng dạy học. Khi tiến hành các thí nghiệm và hướng dẫn các em làm thí nghiệm mục đích là giúp học sinh hiểu bài và có hứng thú hơn trong việc học Vật lý, đồng thời thông qua đó giúp các em tiếp cận về phương pháp nghiên cứu trong khoa học.
Thầy Chiến chia sẻ: “Mỗi khi tôi giới thiệu những phương pháp mới sẽ gặp phải sự nghi ngờ của học trò, các em đặt ra câu hỏi Liệu có đúng không thầy? Là người thầy, khi đưa ra phương pháp giải mà học sinh hoài nghi tôi rất trăn trở. Để giải bài toán này tôi phải sáng tạo ra các dụng cụ trực quan để minh họa cho kiến thức mới đó”.
Vật lý là môn học với những con số và công thức khô khan nên khi giảng bài thầy Chiến thường lồng ghép nội dung học với những câu chuyện trong đời sống, vận dụng các dạng bài tập đố vui để gây hứng thú học tập cho học sinh. Đồng thời khuyến khích các em có những lời giải độc đáo, mang tính mới lạ, sáng tạo.
Thầy Chiến cũng chia sẻ kinh nghiệm chọn học sinh giỏi của mình. Thầy thường xuyên liên kết với các thầy cô dạy môn Vật lý ở các trường xã để phát hiện sớm những học sinh có tố chất và yêu thích môn học. Sau đó mời các em về trường Nhữ Bá Sỹ học một thời gian. Thời gian học tại trường thầy sẽ loại các em còn yếu và đội tuyển học sinh giỏi “nhen nhóm” từ đây. Công việc này bắt đầu từ khi các em đang học lớp 7. Hình thức chọn học sinh này thầy Chiến đã áp dụng nhiều năm qua và rất hiệu quả.
Kết quả thi học sinh giỏi tỉnh năm học 2022-2023, đội tuyển Vật lý của thầy Lê Khắc Chiến xếp thứ nhất toàn tỉnh. Có 10/10 em đạt giải, trong đó 6 em học sinh trường Nhữ Bá Sỹ và 4 em các trường khác.
Phó Hiệu trưởng say mê giảng dạy, chăm lo bồi dưỡng học sinh giỏi
Vì lý do cá nhân chúng tôi không thể gặp trực tiếp để trò chuyện cùng thầy giáo Vũ Tiến Duẩn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Định Công, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Chỉ qua ít phút trò chuyện với ông Lê Việt Hòa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định, chúng tôi đã thấy thầy Vũ Tiến Duẩn là một tấm gương nhà giáo đam mê nghề nghiệp, say mê chuyên môn. Thầy công tác ở nhiều vị trí, nhiều trường khác nhau nhưng ở đâu và làm gì, thầy Duẩn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện thầy Duẩn vừa làm quản lý vừa tham gia dạy đội tuyển môn Vật lý ở trường THCS Định Công. Hai năm gần đây thầy đều có 10/10 em đạt giải học sinh giỏi tỉnh lớp 9, trong đó có nhiều học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba.
Thầy Vũ Tiến Duẩn vốn là giáo viên Công nghệ chuyển sang dạy môn Vật lý. Đến giữa năm 2022 thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường THCS Định Công, là tấm gương tiêu biểu trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện.
Ông Lê Việt Hòa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định chia sẻ: “Điều kiện gia đình thầy Duẩn còn nhiều khó khăn, nhà lại ở xa trung tâm huyện nên thầy đã phải cố gắng rất nhiều. Là một nhà giáo sống khiêm tốn, giản dị hòa đồng với tất cả mọi người. Thầy Duẩn có tính cầu thị, trách nhiệm với công việc, chăm chút cho học sinh nên cấp trên giao việc gì cũng rất yên tâm. Năng lực học sinh đến đâu, thầy ấy dạy đến đó, không hề gây áp lực với học trò. Đặc biệt thầy có một phong cách riêng khi kết thúc bài học, luôn tạo sự tò mò cho học sinh để ngày mai các em sẽ chờ đợi tiết học Vật lý”.
Với ngành giáo dục huyện Yên Định, nếu ai quan tâm sẽ thấy toàn ngành đã có những biến động lớn, chưa từng có trong lịch sử khi có tới hơn 600 giáo viên hợp đồng bỗng dưng mất việc vào năm 2016. Đi qua những thăng trầm, hụt hẫng không ai mong muốn, nhiều năm liền chất lượng mũi nhọn khối lớp 9 của Yên Định luôn xếp 1 chữ số. Năm học 2022 – 2023, huyện Yên Định xếp thứ 7/29 huyện trong tỉnh. Góp phần làm nên những thành công đó (mặc dù còn khá khiêm tốn) là những tấm gương nhà giáo ưu tú, nhiệt huyết với nghề.
“Kết quả đạt được là nhờ công lao đóng góp lớn của những nhà giáo giỏi không quản khó khăn, hi sinh lợi ích cá nhân, dành hết tâm huyết, trách nhiệm cho học sinh và công việc chung. Đó cũng là công sức sau những tháng ngày miệt mài bên trang vở, sự cố gắng và nỗ lực hết mình của chính bản thân các em học sinh. Khắc phục mọi khó khăn, vất vả, không quản ngại đường xá xa xôi, hay những đêm đông lạnh giá phải mang cả chăn lên lớp. Đồng hành cùng chặng đường của các em là những hình ảnh đẹp, những việc làm ý nghĩa của nhiều tập thể, cá nhân đã luôn quan tâm, ủng hộ cho các thầy cô giáo và các em học sinh trong từng chặng đường, từng bước đi của đội tuyển”- ông Lê Việt Hòa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định tự hào.
Bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm và niềm tự hào của nhà trường
Khi nhắc đến chất lượng giáo dục mũi nhọn trong các nhà trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) không thể không nhắc đến trường THCS Nhữ Bá Sỹ. Ngôi trường này được coi là “địa chỉ đỏ” trong bồi dưỡng học sinh giỏi, là “cánh chim đầu đàn” của ngành giáo dục huyện nhà.
Qua thống kê, trong 7 năm gần đây, trừ 1 năm không thi học sinh giỏi do dịch Covid-19 thì có 6 năm liên tục trường THCS Nhữ Bá Sỹ, huyện Hoằng Hóa xếp thứ nhất toàn tỉnh về chất lượng học sinh giỏi lớp 9. Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2022-2023, nhà trường đạt 85 giải, trong đó có 8 giải nhất, 22 giải nhì, 36 giải ba và 19 giải khuyến khích, tiếp tục xếp thứ nhất toàn tỉnh với tổng điểm 548 điểm, cách xa đơn vị xếp thứ nhì 78 điểm.
Thầy giáo Lê Đăng Thành, Hiệu trưởng trường THCS Nhữ Bá Sỹ tự hào nói: “Nhà trường ngoài nhiệm vụ được quy định tại điều lệ trường THSC còn phải gánh trên vai nhiệm vụ quan trọng là bồi dưỡng học sinh giỏi cho đội tuyển huyện tham gia thi học sinh giỏi tỉnh. Ngôi trường đã nuôi dưỡng, đào tạo nên rất nhiều thế hệ học trò tài năng, là cái nôi đào tạo học sinh giỏi của ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi trở thành nền nếp, có chiều sâu và được các nhà trường quan tâm một cách toàn diện. Đặc biệt, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm ở bậc THCS được xem là một trong những tiêu chí phấn đấu của tập thể và cá nhân ở từng đơn vị trường. Hơn nữa, Hoằng Hóa là cái nôi của việc học. Người Hoằng Hóa từ xa xưa đã rất coi trọng sự học. Vì vậy mà các em học sinh rất thông minh, siêng năng, chăm chỉ. Tất cả đã tạo nên một kỳ tích đối với trường THCS Nhữ Bá Sỹ nói riêng và ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa nói chung”.
TS. Thân Nhân Trung đã có câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bồi dưỡng học sinh giỏi là bước đi đầu tiên để đào tạo nhân tài cho đất nước, là nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Hơn nữa, dạy đội tuyển cũng là quá trình tự học và sáng tạo hiệu quả nhất đối với các thầy cô giáo.
Minh Hiền