Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt đại diện hơn 200 doanh nghiệp. Ảnh VGP/Nhật Bắc. |
Cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dự cuộc gặp mặt có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đặc biệt có hơn 200 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
GS. Viện sĩ Danh dự Nguyễn Văn Đệ trình bày bài tham luận về xã hội hoá y tế. |
Tại hội nghị, GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ - Thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực vinh dự đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực y tế tư nhân tham dự và phát biểu tham luận.
GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ cho biết: Trong hơn 20 năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ các ban, bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Y tế, lĩnh vực y tế tư nhân có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, cùng ngành y tế nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân được hưởng quyền lợi khi đi khám chữa bệnh.
Tính đến 30/9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân trong tổng số có 1.527 bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động, chiếm 23,84% so với bệnh viện công lập.
Nhiều bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị.
Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện nước ngoài, bệnh viện tuyến cuối hay bệnh viện công lập thì nay đã được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tư nhân, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Bên cạnh đó, y tế tư nhân cũng đã tham gia, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và chăm lo chính sách an sinh xã hội.
Từ quan điểm, chủ trương của Đảng về xã hội hóa lĩnh vực y tế, đặc biệt kể từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, hiện tại quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân vẫn còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai.
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, đến năm 2030, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tuy nhiên, hiện tại y tế tư nhân mới đạt khoảng 8%.
Hội nghị có hơn 200 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. |
Do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành TƯ và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ, trong đó đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án; không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân.