Grab nuôi tham vọng mở rộng ra ngoài lĩnh vực gọi xe công nghệ
Hướng đi đầy thách thức
Đông Nam Á được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho fintech phát triển. Mới đây, hãng kiểm toán quốc tế Deloitte cùng tập đoàn Robocash đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện, đến năm 2020 các nước Đông Nam Á có tiềm năng lớn nhất trong thị trường fintech. So với các năm trước, dòng tiền đầu tư tại đây được ước đoán tăng trên 20-30% nhờ bối cách thuận lợi.
Dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trong năm ngoái đã có khá nhiều cái tên được vinh danh Giải thưởng công ty Fintech tiêu biểu năm 2019 như Công ty Cổ phần (CTCP) Công nghệ và Dịch vụ Moca; CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY); CTCP dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) – MoMo. Điều này cho thấy, rất nhiều công ty đã tìm được hướng phát triển đúng đắn nhờ hệ sinh thái Fintech.
Đặc biệt, hàng loạt thương vụ mua bán – sáp nhập trong lĩnh vực trung gian thanh toán, tài chính - công nghệ (fintech) khiến lĩnh vực này càng thêm “hot”. Và tất nhiên, “ông lớn” Grab cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Giữa năm 2019, nối gót theo Alibaba, Grab đã có dự định tách riêng công ty thanh toán và dịch vụ tài chính, sau đó bán bớt cổ phần cho PayPal và Ant Financial (Alibaba).
Grab còn thực hiện thương vụ khủng trong ngành fintech như hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca. Sau khi thực mua lại Uber, nắm được hơn 50% thị phần vận tải đa phương tiện, Grab đã chi khoảng 2,87 tỷ đồng để mua cổ phần của Moca, chính thức dấn thân vào lĩnh vực thanh toán cùng tham vọng trở thành ngân hàng đại lý trong tương lai. Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, ngày 28/8/2019 Grab Holdings Inc. (Grab) đã công bố đầu tư 500 triệu USD trong vòng 5 năm để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics.
Grab dự kiến đầu tư hàng tỷ USD cho hệ sinh thái Fintech
Việc Grab bước chân vào lĩnh vực thanh toán, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, hành động này sẽ giúp Grab thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ. Theo đó, Grab sẽ cung cấp 2 loại hình gồm giao thông và thanh toán cùng một lúc. Sau khi mua cổ phần của Moca, Grab cũng sẽ “hưởng lợi” từ mạng lưới, đối tác của công ty này.
Xin thành lập ngân hàng số tại Singapore
Thời gian qua, Grab liên tục “đốt tiền” vào xây dựng hệ sinh thái dịch vụ Grab. Không chỉ đơn giản nghiêng về dịch vụ xe ôm, taxi công nghệ, Grab còn mở rộng sang lĩnh vực giao hàng, gọi đồ ăn. Bên cạnh đó, Grab còn triển khai một số dịch vụ tài chính như cho vay tiền, bảo hiểm cho tài xế và ví điện tử. Hiện tại, công ty đang cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Nhờ những bước tiến này, Grab đã tạo ra nhiều giá trị lớn trong thời gian qua như: Tạo ra tập khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ trên nền tảng Apps; Tạo dựng thương hiệu và độ phủ; Xây dựng Apps và hệ thống vận hành, cơ sở hạ tầng vững chắc; Hệ sinh thái các đơn vị thứ ba cung cấp dịch vụ trên nền tảng Apps; Xây dựng Apps và hệ thống vận hành, cơ sở hạ tầng vững chắc; Thấu hiểu thị trường và khách hàng.
Sau 8 năm phát triển, Grab đang trên con đường đa dạng hóa kinh doanh, chuyển thành ứng dụng đa chức năng. Hiện tại, Grab còn ôm tham vọng trở thành ngân hàng số. Ngày 30/12 vừa qua, công ty cung cấp dịch vụ thuê xe trực tuyến Grab Holdings Inc và doanh nghiệp viễn thông Singapore Telecommunications Ltd (Singtel) thông báo đã nộp đơn xin cấp phép hoạt động ngân hàng ảo tại Singapore. Nếu điều này thành hiện thực, không chỉ riêng người dùng mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được gửi tiền, vay tiền và tiếp cận các dịch vụ tài chính khác của Grab, giúp start-up này gần thêm một bước với danh hiệu “ông lớn” công nghệ đứng đầu Đông Nam Á.
Trong liên minh này, Grab sẽ chiếm 60% và Singtel nắm 40% cổ phần. Tại Singapore, Singtel đang là một trong những nhà mạng có số lượng người dùng nhiều nhất. Ngoài “Quốc đảo sư tử”, Singtel còn có phủ sóng 22 quốc gia trên thế giới với hơn 700 triệu khách hàng, đồng thời là một trong những công ty viễn thông công nghệ dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác với Singtel sẽ là “cú đấm”
Giám đốc Grab Financial, ông Reuben Lai trả lời trên tờ Nikkei tiết lộ đã xin giấy phép ngân hàng ảo Singapore trước hạn chót 31/12. Singapore được biết đến là nền kinh tế hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á nhưng thị trường ngân hàng nước này đã và đang bão hòa. Tuy nhiên, ông Lai nhấn mạnh, thị trường ngân hàng Singapore vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu, trong đó phải kể đến những người thuộc nền kinh tế tự do và SME.
Ông Lai đánh giá Grab Financial là động lực tăng trưởng chính đối với Grab. Bởi vậy, vị giám đốc Grab Financial khẳng định, có được giấy phép ngân hàng ảo sẽ mang lại cho công ty nhiều cơ hội để cung cấp thêm dịch vụ phục vụ khách hàng, củng cố vị thế là hệ sinh thái fintech lớn nhất khu vực. Ngoài Grab, rất nhiều công ty khác cũng quan tâm tới giấy phép ngân hàng số Singapore nhưng ông Lai vẫn tự tin sẽ được chọn.
Dự kiến, cơ quan Tiền tệ Singapore sẽ thông báo người được cấp phép vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng Grab vẫn sẽ ra mắt dịch vụ quản trị tài sản. Dịch vụ này được triển khai vào đầu năm nay và bắt đầu từ Singapore, nhằm mục đích để người dùng và doanh nghiệp đối tác thực hiện các khoản đầu tư nhỏ bằng số dư tài khoản Grab của họ.
Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ cấp tối đa 5 giấy phép ngân hàng ảo (gồm 2 giấy phép ngân hàng đầy đủ - full bank và 3 giấy phép ngân hàng bán buôn - wholesale bank) – để dân chủ hóa lĩnh vực ngân hàng. Điều kiện để có được giấy phép full bank là doanh nghiệp có trụ sở ở Singapore, do người Singapore nắm quyền sở hữu. Khi doanh nghiệp nước ngoài muốn đăng ký phải liên doanh với công ty Singapore Grab xin loại giấy phép này.
Thùy Nguyễn