Giải pháp hỗ trợ khi kinh doanh hàng miễn thuế “đóng băng”

15:39 12/10/2021

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động đi lại giữa các quốc gia gần như ngừng trệ. Tại Việt Nam, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh cũng gần như ngưng trệ. Trong khi hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế hoàn toàn phụ thuộc vào khách xuất cảnh, nhập cảnh, dẫn đến hoạt động cửa hàng miễn thuế gần như “đóng băng”.

Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động

Tính đến tháng 8/2021, trong 159 kho, cửa hàng miễn thuế đã được Tổng cục Hải quan ban hành quyết định xác nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế của 50 doanh nghiệp thì có tới 15 cửa hàng miễn thuế và 14 kho chứa hàng miễn thuế thuộc 12 doanh nghiệp đã được cục hải quan tỉnh, thành phố thông báo về việc tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, trong đó có 10 cửa hàng miễn thuế và 9 kho chứa hàng miễn thuế đã hết thời hạn 6 tháng tạm dừng, 1 cửa hàng miễn thuế sau khi được Tổng cục Hải quan cấp đã quá 6 tháng nhưng chưa đưa vào hoạt động.

Theo phản ánh của Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux Taseco, công ty được Tổng cục Hải quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế giữa tháng 3/2021, tại địa chỉ sân bay quốc tế Phú Quốc. Công ty đang chuẩn bị kế hoạch khai trương hoạt động bán hàng miễn thuế thì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các chuyến bay quốc tế dự kiến đi và đến Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện nay đang tạm dừng bay. Với tình hình đó, Công ty JDV cho rằng, khoảng thời gian đến giữa tháng 9/2021 (tức là sau 6 tháng công ty được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế) cũng chưa thể có hoạt động. Thực tế cho đến nay, hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux Taseco vẫn chưa thể hoạt động. Mới đây, Cục Hải quan Kiên Giang đã phải thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của Công ty trong thời gian 6 tháng.

Cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Nội Bài
Cửa hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cũng là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế gặp khó khăn giữa đại dịch, Công ty Liên doanh Hàng miễn thuế Lạng Sơn đã phải xin gia hạn thời gian tái xuất thêm 12 tháng (lần 2) đối với hàng hóa tạm nhập để bán tại cửa hàng miễn thuế thuộc 3 tờ khai. Bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, mọi thông thương hàng hóa đều bị ngừng trệ, việc đi lại, tái xuất hàng ra nước ngoài không thể thực hiện được.

Tìm giải pháp hỗ trợ

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), việc tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế là nguyên nhân khách quan, bất khả kháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo việc sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được khôi phục kịp thời, không phải mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép lại hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, các cục hải quan địa phương cũng như doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đề nghị gia hạn thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế của các công ty sau khi hết thời hạn tạm dừng theo quy định.

Bộ Tài chính cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các nước trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế sẽ tiếp tục gặp khó khăn do hoạt động xuất nhập cảnh sẽ tiếp tục bị hạn chế, nếu thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế đối với các trường hợp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế hoặc doanh nghiệp đã được xác nhận đủ điều kinh doanh hàng miễn thuế nhưng chưa đưa vào hoạt động sẽ gây ra các khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải xử lý hàng hóa tồn theo các hình thức: tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa, tiêu hủy. Thực hiện theo hình thức nào thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, tái xuất không có đối tác vì phía nước ngoài cũng có khó khăn do đại dịch Covid-19, chuyển tiêu thụ nội địa thì khó thực hiện vì hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế thường là các mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như rượu bia thuốc lá, trong khi rượu thì chỉ có doanh nghiệp có giấy phép mới được làm thủ tục nhập khẩu (mua lại của cửa hàng miễn thuế), còn mặt hàng thuốc lá thì không được chuyển tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, khi hoạt động xuất nhập cảnh trở lại bình thường, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế từ đầu.

Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ theo hướng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 (theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền), các trường hợp thuộc diện phải thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế được thực hiện như sau: Trường hợp hoạt động kinh doanh cửa hàng miễn thuế phải tạm dừng, không đưa vào hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì được tự động gia hạn thời gian tạm dừng hoạt động, không thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh hàng miễn thuế trong thời gian dịch bệnh cho đến thời điểm không quá 6 tháng kể từ khi cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch bệnh.

 Theo TCHQ