Giấc mơ không thành của tỷ phú Guo Guangchang khi muốn làm giàu từ vắc xin COVID-19

20:00 20/12/2021

Tỷ phú Guo Guangchang là người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh. Từ hai bàn tay trắng, cha mẹ chỉ là những người nông dân, ông đã dựng nên cơ đồ trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Ông đã ký hợp đồng vaccine Covid-19 với BioNTech năm ngoái, nhưng vaccine này giờ vẫn chưa được Trung Quốc phê duyệt...

Guo Guangchang. Nguồn: Internet
Guo Guangchang. Nguồn: Internet.

Guo Guangchang (Quách Quảng Xương) là người tỉnh Chiết Giang, thời thập niên 1980 theo học tại Đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải. Ngay từ thuở đại học, Guo đã rất quan tâm đến quan điểm nhà đầu tư Trung Quốc đang hướng đến thị trường châu Âu. Năm 1992, Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình kêu gọi chính sách tư hữu hóa công ty để phát triển nền kinh tế, Guo đã sớm nhận ra cơ hội và kết hợp với 3 người bạn của mình để thành lập Fosun. “Chính phủ Trung Quốc đã tiến một bước lớn để mở cửa nền kinh tế, đây là cơ hội tốt cho nhiều doanh nghiệp.” Guo nói.

Họ bắt đầu khởi nghiệp với 38.000 Nhân dân tệ (tương đương 6000 USD) và lấy tên công ty là Fosun với ý nghĩa Stars from Fudan University- tạm dịch: những vì sao của Fudan University. Giai đoạn những năm 2000 đánh dấu quá trình tư hữu của các công ty vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Trung Quốc. Tận dụng cơ hội này, Fosun đã mua lại cổ phần của hàng loạt đông ty như Yuyuan Tourist Mart, tập đoàn kinh doanh lĩnh vực bán lẻ và trang sức và Nanjing Steel Group, công ty liên doanh sản xuất thép vốn thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Nam Ninh.

Guo Guangchang phát triển công ty dựa trên chiến lược đầu tư mà Warren Buffett đang sử dụng để điều hành quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của ông, Fosun mua lại các công ty bảo hiểm để bảo toàn nguồn vốn dài hạn của nó dự định được dùng để đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng và các lĩnh vực khác. Kể từ năm 2010, Fosun đã đầu tư hơn 3,4 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mua 10% cổ phần của chuỗi resort Club Méditerranée (2010), mua tòa nhà 60 tầng One Chase Manhattan Plazac của JPMorgan Chase (JPM) tại New York (2013) và mua 35% cổ phần của công ty may mặc Raffaele Caruso (2013). Đầu năm nay, Guo đã kết hợp với quỹ đầu tư Apollo Global Management của Mỹ để mua lại tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Bồ Đào Nha với giá 814 triệu USD. Guo đang tiến xa hơn trong tham vọng phát triển Fosun thành một quỹ đầu tư tầm cỡ giống như tỷ phú Warren Buffet. “Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi muốn thành lập một công ty đầu tư giống như Berkshire Hathaway của Warren Buffett, công ty sẽ có trụ sở tại Trung Quốc nhưng sẽ đầu tư ở phạm vi toàn cầu.” Guo nói.

Eugene Qian, Giám đốc của Citigroup tại Trung Quốc nhận định: “Nhiều tỷ phú Trung Quốc khẳng định họ sẽ trở thành Warren Buffett của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế rất ít người có thể làm được này ngoại trừ Guo Guangchang...

Năm 2015, Guo từng mất tích trong vài ngày, cùng thời điểm cổ phiếu Fosun International và Fosun Pharma bị đình chỉ giao dịch. Các công ty này cho biết, Guo đang hỗ trợ giới chức điều tra. Các cổ phiếu này giao dịch trở lại sau 3 ngày.

Vài năm gần đây, Fosun International bán bớt hàng tỷ USD tài sản. Trong khi việc giới chức siết kiểm soát và cho vay khiến nhiều đại gia ngã ngựa, từ HNA Group đến Anbang Group, Fosun lại sống sót nhờ "giải quyết các vấn đề này từ sớm và cũng ở vị thế tốt hơn", do danh mục đầu tư ổn hơn, Brock Silvers – Giám đốc Đầu tư Kaiyuan Capital giải thích.

Guo đặt y tế là mảng trọng tâm của tập đoàn, đưa ra thị trường nhiều loại thuốc, từ tiểu đường cho tới rối loạn thần kinh. Tại Trung Quốc, hãng này cũng bán các sản phẩm nước ngoài như thuốc điều trị ung thư của Gilead Sciences hay robot phẫu thuật của Intuitive Surgical.

Tỷ phú  Guo Guangchang là Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh. Nguồn: Internet
Tỷ phú Guo Guangchang là Người sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Phục Tinh. Nguồn: Internet.

"Canh bạc vaccine" thất bại

Khi Covid-19 bắt đầu lây lan tại Vũ Hán đầu năm ngoái, hãng dược phẩm của tỷ phú Trung Quốc Guo Guangchang tưởng như đã giành thắng lợi lớn, khi ký hợp đồng với BioNTech – công ty cùng Pfizer sản xuất một trong những vaccine Covid-19 thành công nhất thế giới.

Tuy nhiên, một năm sau, vaccine này vẫn chưa được phê duyệt tại Trung Quốc. Vài tuần gần đây, Bắc Kinh còn thúc đẩy việc phát triển vaccine nội dựa trên công nghệ mRNA, khi cho phép Walvax Biotechnology thử nghiệm liều tăng cường. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu rằng vaccine mà Shanghai Fosun Pharmaceutical Group đã được cấp phép có thể được dùng tại Trung Quốc hay không, trong bối cảnh nước này khuyến khích nội địa hóa mọi lĩnh vực.

Đây cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy các tài phiệt Trung Quốc và cả nước ngoài chịu ảnh hưởng từ chính sách của giới chức đến mức nào. Nó cũng vẽ ra tương lai thiếu chắc chắn với các hãng dược toàn cầu tại Trung Quốc - thị trường dược phẩm lớn nhì thế giới. Hơn một tỷ người Trung Quốc đã được tiêm vaccine của Sinovac và Sinopharm.

Thị trường Trung Quốc có thể nằm ngoài tầm với của các hãng dược phẩm nước ngoài nếu việc phê duyệt các vaccine và thuốc liên quan đến Covid-19 "bị coi là vấn đề chính trị, thay vì kinh tế hay sinh học", Zhao Bing – nhà phân tích tại China Renaissance Securities nhận định. Với vmức độ cạnh tranh như hiện tại, triển vọng cho vaccine của Pfizer – BioNTech có thể khá hạn chế, kể cả nếu được phê duyệt.

"Fosun có thể chiếm được thị phần bao nhiêu?", Zhao nói, "Tôi không biết, nhưng chắc chắn là không mấy lạc quan".

Đây là cú sốc với tham vọng của tỷ phú 54 tuổi Guo Guangchang. Vài năm gần đây, ông tích cực đầu tư cho mảng y tế. Cổ phiếu Fosun Pharma giờ giảm 40% so với đỉnh hồi tháng 8. Tài sản của Guo cũng giảm xuống còn 3,5 tỷ USD năm nay. Kinh tế Trung Quốc đi xuống và các đợt bùng phát liên tiếp cũng ảnh hưởng đến mảng bán lẻ và du lịch của Fosun International.

Fosun đã phải trả 125 triệu euro cho BioNTech trước cuối năm ngoái để đặt cọc cho 100 triệu liều vaccine năm 2021. Họ cũng đồng ý đầu tư 100 triệu USD vào một liên doanh với BioNTech để sản xuất vaccine này tại Trung Quốc. Nhà máy này có khả năng sản xuất 1 tỷ liều một năm.

Bước lùi về vaccine này diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc đang siết kiểm soát các đại gia công nghệ. Họ đã ra lệnh hoãn IPO của Ant Financial và áp hạn chế lên mảng game của Tencent Holdings. Trong lĩnh vực dược phẩm, giới chức Trung Quốc có vẻ đang muốn chứng minh sức mạnh của mình trong việc sản xuất vaccine.

Vaccine của Walvax đang được thử nghiệm giai đoạn cuối tại Mexico và Indonesia. Kết quả cuối cùng dự kiến có vào cuối năm nay. "Trung Quốc hiện chưa có vaccine mRNA. Nếu có, tốt hơn hết là vaccine nội. Nó sẽ là bằng chứng Trung Quốc có thể làm được", Mia He – một nhà phân tích về y tế cho biết trên Bloomberg.

Linh Chi (t/h)