Khi cuộc sống của người dân quay lại trạng thái bình thường sau Covid-19, nhiều thương hiệu cũng hưởng lợi, trong đó có Red Bull - nước tăng lực phổ biến nhất thế giới, họ bán được 11 tỷ lon trong năm qua, ghi nhận doanh thu kỷ lục. Điều này đã giúp Yoovidhya - gia tộc kiểm soát Red Bull (Thái Lan) có khối tài sản lớn.
“Loại nước uống này được quảng cáo khá thành công. Điều này giúp Red Bull có độ nhận diện cao trong thị trường đồ uống đang tăng trưởng”, Howard Telford, Giám đốc nghiên cứu nước có gas tại hãng tư vấn Euromonitor International nhận xét.
Yoovidhyas, gia đình Thái Lan đã tạo ra thương hiệu Red Bull, đã có thêm 7,8 tỷ USD vào tài sản của họ kể từ tháng 1/2022, mức tăng lớn nhất so với tất cả đại gia châu Á còn lại. Tính đến ngày 13/3, gia đình Yoovidhyas sở hữu khối tài sản ròng có giá trị hơn 27 tỷ USD, phần lớn đến từ cổ phần của họ trong Red Bull. Trong khi đó, hầu hết các gia đình giàu nhất thế giới đều thua lỗ trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema ở Paris, cho biết: “Đồ uống năng lượng đã trở thành hình ảnh cho lối sống năng động. Những người tập thể dục trở lại và quay trở lại văn phòng để làm việc nhiều giờ hơn sẽ cần nước tăng lực”.
Vào giữa thập niên 70, ông Chaleo Yoovidhya (1923-2012) - một thành viên của gia tộc - đã sáng tạo ra loại đồ uống có hàm lượng caffein cao khi đang kiếm tiền nhờ công việc bán thuốc. Sau đó, ông quyết định dấn thân vào lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Thức uống đó được ông đặt tên là Krating Daeng, nghĩa là "bò đỏ" trong tiếng Thái.
Trong một chuyến đi tới châu Á, ông Dietrich Mateschitz, một doanh nhân người Áo, vô tình phát hiện ra loại đồ uống này giúp ông giảm bớt tình trạng say máy bay.
Cả hai đã hợp tác để thành lập Red Bull vào năm 1984 rồi phát triển thành thương hiệu toàn cầu. Theo ông Kenneth Shea, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence, hãng nước tăng lực này đã hưởng lợi sau đại dịch nhờ bán được nhiều hơn đối thủ tại các quán bar và nhà hàng.
Thị phần của Red Bull tăng lên nhanh chóng và hiện chiếm phần lớn trong thị trường đồ uống tăng lực trên thế giới, với trung bình khoảng 3 tỷ lon được bán mỗi năm.
Thương hiệu này hiện đang sở hữu một câu lạc bộ bóng đá và đội đua F1. Red Bull cũng tài trợ nhiều môn thể thao mạo hiểm như leo núi hay bộ môn lặn.
Gia đình Yoovidhyas kiểm soát 51% Red Bull, 49% còn lại thuộc về con trai của ông Mateschitz sau khi ông này qua đời vào năm ngoái. Gia đình Yoovidhya còn sở hữu TCP Group – công ty sản xuất nước tăng lực này có trụ sở chính ở Thái Lan.
Dù sở hữu cổ phần rất lớn, tuy nhiên không ai thuộc thế hệ thứ 3 của gia đình tham gia vào hoạt động điều hành công ty. Yupana Wiwattanakantang - Giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng điều này là hoàn toàn bình thường và họ có thể phân quyền quản lý cho người giỏi về lĩnh vực quản lý, điều hành công ty. Tại Áo, Mark - con trai duy nhất của ông Mateschitz cũng đã từ chức điều hành bộ phận đồ uống của Red Bull khi cha ông qua đời. Ông đã chọn ra các lãnh đạo mới để điều hành công ty.
Các lãnh đạo kế tiếp sẽ phải đối mặt với những thách thức từ cạnh tranh gia tăng. Họ cũng sẽ phải đối phó với những thách thức từ cạnh tranh ngày càng tăng đến những lo ngại về vấn đề lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường ở châu Âu và tranh chấp thương hiệu kéo dài nhiều năm ở Trung Quốc. Nhưng hiện tại, chuyên gia Chadwick cho rằng có nhiều lý do để lạc quan về tương lai của Red Bull.
"Red Bull đã định nghĩa lại về nước tăng lực. Đó không phải là những thứ mà bạn sử dụng khi bị ốm, mà là để tiếp thêm năng lượng", ông nhận định.
"Chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ trong việc tập thể thao, thể hình sau đại dịch", vị chuyên gia nói thêm.
Thu Phương (t/h)