Giá thép tăng vọt, nhiều nhà thầu xây dựng lao đao

06:58 10/05/2021

Từ đầu năm đến nay, khi các công trình, dự án xây dựng có tiến độ triển khai tốt, nhu cầu vật liệu tăng thì giá thép xây dựng cũng tăng vọt. Tháng 4 vừa qua, giá thép nhiều lần tăng với biên độ ngày càng lớn.

Công nhân trên công trường xây dựng nhà chung cư cao tầng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI

Mức giá thép hiện tại đã đạt từ 16 đến hơn 18 triệu đồng/tấn tùy loại, cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 27% đến 45% so cuối năm 2020. Giá thép tăng "phi mã" đã khiến một số doanh nghiệp (DN) xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ "vỡ trận", ảnh hưởng lớn đến tiến độ công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. 

Nguy cơ thua lỗ nhãn tiền

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép bắt đầu tăng ngay từ đầu quý I và đặc biệt tăng cao trong tháng 4 vừa qua. Hiện giá thép xây dựng giao tại nhà máy bình quân ở mức 15 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng/tấn, trong khi tại thời điểm tháng 12-2020, chỉ khoảng hơn 12 triệu đồng/tấn. Tính đến ngày 6-4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so thời điểm đầu tháng 3-2021 và tăng hơn 200 USD/tấn so cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở mức 795 USD/tấn, tăng 85 USD/tấn so mức giá giao dịch đầu tháng 3-2021. Giá thép tăng vọt nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị lâm vào cảnh thua lỗ. Trước tình hình này, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng trước việc giá thép xây dựng tăng "chóng mặt" trong vài tháng qua. VACC cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến.

Ðại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong khi các DN sản xuất thép Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và dự kiến trong năm 2021 sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu hơn cho sản xuất thép. Trong đó, quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực gra-phit khoảng 10 nghìn tấn,... Từ đầu năm, Bộ đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả trên thế giới và tại Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong năm 2021; chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Về dài hạn, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các DN sản xuất thép trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Nhưng giá sản phẩm thép và nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép vẫn sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá thế giới theo cơ chế thị trường.

Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng trong tổng giá trị công trình chiếm khoảng 12 - 16% tùy quy mô. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng tới 40 - 45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn 4%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5% với điều kiện chủ đầu tư thanh toán đúng hạn, không nợ đọng. Vì vậy, một số nhà thầu không đánh giá hết các rủi ro tiềm ẩn về biến động giá thép và nguyên vật liệu khác sẽ bị ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận (giảm khoảng 3,6 - 6,4% giá công trình) và phải tự giải quyết khoản thâm hụt này. Theo điều khoản của hợp đồng, chi phí rủi ro này đương nhiên nhà thầu chịu, Nhà nước không thể bù trừ cho các DN, trừ trường hợp hiếm hoi có cơ chế, chính sách nhằm bình ổn thị trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Mất cân đối trong sản xuất

Thời gian qua, không chỉ giá thép tăng mà rất nhiều nguyên vật liệu khác như xi-măng, cát, đá,… cũng tăng chóng mặt, thậm chí còn xảy ra tình trạng khan hiếm bất thường. Ðiều này gây khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án bảo đảm đúng tiến độ cam kết với chủ đầu tư. Nếu tình trạng biến động giá vật liệu quá lớn như hiện nay tiếp tục kéo dài, sẽ gây ra hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế. Thí dụ, những nhà thầu ký hợp đồng xây dựng cùng lúc hàng chục dự án bất động sản, chỉ tính riêng chênh lệch tiền sắt thép do tăng giá sẽ "vỡ trận" vì phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng, trong khi giá bán theo hợp đồng đã ký với khách hàng không thể điều chỉnh tăng.

Ðại diện Công ty Cổ phần Xây dựng An Phong (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau đại dịch Covid-19, việc giá thép tăng như một đòn "nốc ao" khiến các DN ngành xây dựng càng thêm bi đát. Các nhà thầu xây dựng rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", làm cũng dở, bỏ không xong. Thông thường, đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, hợp đồng giữa nhà thầu ký với chủ đầu tư thường là hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định thanh toán dựa theo khối lượng thực tế khi kiểm tra đơn giá thép, xi-măng. Giá vật liệu trong những hợp đồng này thường để mức dự phòng dao động từ 3 đến 5%, do vậy trường hợp giá thép có tăng ở mức độ vừa phải, chấp nhận được thì giữa nhà thầu và chủ đầu tư có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận trên cơ sở chia sẻ khó khăn. Nhưng trường hợp giá thép tăng đến 45% như hiện nay thì cả hai bên đành "bó tay", không có lời giải nào khả dĩ do mức tăng giá quá lớn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các DN sản xuất thép Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 17 - 18 triệu tấn thép xây dựng, nhưng nhu cầu thị trường chỉ khoảng 10,5 triệu tấn. Vì vậy, có thể khẳng định, không có chuyện thiếu hụt nguồn cung, thậm chí vẫn dư thừa để xuất khẩu. Tuy nhiên, việc cung ứng nguyên liệu đầu vào và hệ thống phân phối có "thông" hay không lại là chuyện khác. Ðiều này đang làm dấy lên nghi ngờ, giá thép tăng do một số DN thép nhân cơ hội này bắt tay ghìm giá để "đục nước béo cò". Ngoài ra, cũng có thể có nguyên nhân đến từ sự chưa chủ động tham gia bình ổn thị trường của một số DN sản xuất thép.

Với tốp 5 DN nắm giữ thị phần thép lớn tại Việt Nam đến thời điểm này, theo công bố của VSA, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đang nắm giữ thị phần lớn nhất (23,16%), sau đó mới kể đến Thép Hòa Phát (20,27%), Pomina,... Về chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của VnSteel đã yêu cầu VnSteel phải chịu trách nhiệm thực hiện các cân đối lớn Nhà nước giao, có nhiệm vụ bình ổn giá thép trong nước. Nhưng đến nay, nhìn lại các đợt biến động giá thép của thị trường, mới thấy VnSteel chưa tròn trách nhiệm trong việc tích cực, chủ động tham gia bình ổn thị trường thép.

Theo Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Lê Văn Tới, nhìn rộng hơn, hiện nay đầu tư xây dựng chiếm khoảng 65 - 70% vốn đầu tư công, việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn. Theo dự báo, tăng giá vật liệu làm tăng vốn trung hạn từ 3 đến 7%. Với một dự án, con số này có thể không đáng kể, nhưng nếu tính toàn bộ các dự án đang triển khai hiện nay, đây là con số khổng lồ, làm thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng đến chính sách tài khóa. Việc quản lý các gói thầu đã ký hợp đồng trước thời điểm tăng giá thép xây dựng sẽ gặp khó khăn, nhất là hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói với chi phí dự phòng thấp và bên chịu thiệt thòi là các nhà thầu.

Do đó, UBND các địa phương cần triển khai kịp thời, thận trọng một số giải pháp theo thẩm quyền, điều tra và công bố giá thép xây dựng trên địa bàn, cập nhật và bám sát diễn biến giá thị trường. Các cơ quan quản lý chủ động kiểm tra, rà soát tình trạng tăng giá thép, có biện pháp quyết liệt, kịp thời ngăn chặn những hành vi găm hàng, trục lợi làm lũng đoạn thị trường vật liệu xây dựng. Bộ Công thương cần nhanh chóng điều tiết, có thể cân đối nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu trong điều kiện ngắn hạn,… Nhà nước cần xem xét hạn chế việc xuất khẩu nguyên vật liệu xây dựng để bảo đảm nhu cầu cung ứng cho thị trường xây dựng trong nước, áp dụng thuế xuất khẩu nguyên vật liệu ở mức cao, giảm thuế nguyên vật liệu đầu vào cho các DN sản xuất trong nước. Nhà nước nghiên cứu, có chính sách điều tiết khung giá trần nguyên vật liệu, tránh tình trạng giá thép tăng một cách bất thường như hiện nay, gây khó khăn trong dự toán xây dựng do không thể dự đoán trước biến động giá cả. Thép là mặt hàng thiết yếu trong xây dựng, giá thép biến động tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp các mặt hàng khác trong nhóm vật liệu xây dựng. Hiện Bộ Xây dựng đã ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến, trong đó có giá thép và sẽ báo cáo Chính phủ sau khi tổng hợp số liệu từ các địa phương, các DN xây dựng,… để có đánh giá cụ thể và đề xuất giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xây dựng.

Việc giá thép tăng đột biến như hiện nay chủ yếu do chúng ta mất cân đối trong sản xuất, đối ứng cung - cầu, phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như thép phế, than cốc, quặng,... cho nên khi giá nguyên liệu trên thế giới tăng, giá thép trong nước chắc chắn cũng tăng theo. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến thời gian giao hàng bị đình trệ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Vì vậy, để ứng phó diễn biến khó khăn hiện nay, các DN sản xuất thép cần đẩy mạnh sản xuất, phát huy tối đa công suất cung ứng cho thị trường, có biện pháp tiết giảm chi phí, phối hợp trong chuỗi cung ứng nhằm giảm giá thành để ổn định thị trường, tránh xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Nghiêm Xuân Ða

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

XUÂN THỦY, MINH DŨNG và TÙNG QUANG/