Trong khi giá lúa gạo trong nước duy trì ổn định, thì thị trường quốc tế đang chứng kiến những dịch chuyển về cả giá cả và xu hướng tiêu dùng. Việc Việt Nam lần đầu xuất khẩu gạo phát thải thấp sang Nhật Bản không chỉ là thành công của một doanh nghiệp, mà còn là dấu hiệu cho thấy ngành lúa gạo Việt đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển xanh, bền vững và có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi toàn cầu.
![]() |
Giá lúa gạo hôm nay 22/5/2025: Giá gạo ổn định nội địa, “đột phá” xuất khẩu với gạo phát thải thấp |
Giá gạo trong nước
Ghi nhận tại các địa phương hôm nay, chủng loại 50404, OM 380 nguồn ít, kho hỏi mua khá, giá ổn định. Tại An Giang, nguồn gạo về chất lượng kém nhiều, gạo đẹp kho cho giá nhích. Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng về ít, giá gạo các loại ổn định. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo các loại tương đối ổn định.
Kênh chợ Sa Đéc (Đồng Tháp), về lượng lai rai, kho chợ mua chậm, giá gạo các loại ít biến động. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng ít, giao dịch mua bán chậm, giá vững.
Theo ghi nhận, giá gạo nguyên liệu hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khá trầm lắng, đa số mặt hàng giữ giá ổn định. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 giữ ở mức 8.250 - 8.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu CL 555 hiện ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg; gạo OM 380 dao động từ 8.000 – 8.100 đồng/kg; OM 18 ở mức 10.200 – 10.400 đồng/kg; gạo Jasmine hiện ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg.
![]() |
Bảng gạo lúa hôm nay 22/5/2025 |
Tại các chợ bán lẻ, giá gạo không biến động. Gạo thơm phổ biến 18.000 - 22.000 đồng/kg; gạo thường 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm Thái 20.000 - 22.000 đồng/kg; Hương Lài niêm yết 22.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen vẫn giữ mức cao nhất với giá 28.000 đồng/kg.
Phân khúc nếp hiện không thay đổi. Nếp IR 4625 (khô) dao động từ 9.700 – 9.900 đồng/kg; các loại nếp tươi và khô khác duy trì mức giá từ 7.700 – 8.000 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá nếp hôm nay 22/5/2025 |
Mặt hàng phụ phẩm
Nhóm phụ phẩm ghi nhận ổn định. Tấm OM 5451 hiện dao động ở mức 7.500 – 7.600 đồng/kg; giá cám hiện ở mức 7.900 – 8.200 đồng/kg; giá trấu dao động cao từ 1.000 – 1.150 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá phụ phẩm hôm nay 22/5/2025 |
Giá lúa trong nước
Ghi nhận tại nhiều địa phương hôm nay, nguồn lúa Hè Thu ít, giá ít biến động. Tại An Giang, lúa Hè Thu thu hoạch lai rai, giao dịch mua chậm, giá vững. Tại Đồng Tháp, nguồn lúa Hè Thu ít, thương lái chậm mua do lo ngại thời tiết mưa và giá gạo giảm, giá ít biến động.
Tại Kiên Giang, nguồn lúa Hè Thu lai rai, giao dịch mua bán chậm, giá chững. Tại Cần Thơ, nhu cầu mua lúa Hè Thu mới ít, giá vững. Tại Long An, nguồn lúa Hè Thu ít, giao dịch mua bán mới vẫn chậm.
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa IR 50404 được điều chỉnh giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.200 – 5.400 đồng/kg. Trong khi đó, lúa OM 380 (tươi) dao động 5.300 – 5.500 đồng/kg; OM 18 và Đài Thơm 8 ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; OM 5451 dao động từ 6.000 – 6.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giữ ở mức 6.550 – 7.000 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá lúa hôm nay 22/5/2025 |
Tại thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức 397 USD/tấn. Đây là mức giá cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ (382 USD/tấn) và Pakistan (388 USD/tấn).
Thị trường Thái Lan ghi nhận đà giảm nhẹ, gạo 5% tấm hạ 1 USD xuống còn 403 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 3 USD còn 378 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 1 USD còn 344 USD/tấn.
Một điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam là thông tin Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) sắp xuất khẩu 500 tấn gạo Japonica phát thải thấp sang Nhật Bản trong tháng 5 này.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa sản phẩm gạo đạt chuẩn “low carbon” vào thị trường Nhật Bản – quốc gia nổi tiếng với tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo và xu hướng tiêu dùng xanh. Mặc dù khối lượng chưa lớn, nhưng đây là bước đột phá quan trọng, đánh dấu sự hiện diện của gạo Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu gắn với phát triển bền vững.
Thông tin được công bố tại Hội thảo quốc tế về sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.
Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Trung An – khẳng định: “Dù chỉ là khởi đầu, nhưng đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng xuất khẩu gạo sạch, gạo xanh của Việt Nam.”
Theo TS Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ISPAE), ngành lúa gạo hiện chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính toàn ngành nông nghiệp. Việc chuyển đổi sang mô hình phát thải thấp là xu thế tất yếu nếu Việt Nam muốn duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới ngày càng coi trọng tính bền vững và trách nhiệm môi trường.
TS Jongsoo Shin – Giám đốc khu vực châu Á của IRRI – đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và cho rằng nước ta có đủ tiềm lực để dẫn đầu làn sóng “xanh hóa” ngành lúa gạo toàn cầu.