Giá điện tăng từ 10/5, hộ nghèo và gia đình chính sách tiếp tục được hỗ trợ EVN tăng giá điện: Nhóm doanh nghiệp "chật vật", nhóm hưởng lợi "vui lây" |
Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%, thị trường tiêu dùng tại Hà Nội đã bắt đầu cảm nhận rõ “dư chấn”.
Tại khu vực An Khánh (Hoài Đức), nhiều quán ăn đồng loạt điều chỉnh giá. Từ mức 30.000 đồng/suất trước đây, nay một bát bún, phở đã tăng lên 35.000 – 40.000 đồng. Chủ quán bún Nguyễn Văn Dương – người có hai cơ sở tại khu vực này – cho biết: “Giá thịt, rau, gia vị, gas đều tăng. Giá điện tăng chỉ là ‘giọt nước tràn ly’. Chúng tôi buộc phải tăng giá để không cắt giảm chất lượng món ăn”.
Chi phí điện năng đối với các hộ kinh doanh thực phẩm không nhỏ. Với hai quán ăn sử dụng máy điều hòa, tủ mát và thiết bị bếp điện, anh Huy cho biết tiền điện trước đây dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Sau đợt điều chỉnh giá điện, mức tăng 4,8% tương đương chi thêm gần 500.000 đồng mỗi tháng – con số tưởng chừng nhỏ, nhưng cộng dồn cùng các chi phí đầu vào khác đã trở thành áp lực không thể né tránh.
![]() |
Giá điện tăng, hàng ăn và rau củ Hà Nội đồng loạt “leo thang”. (Ảnh: Internet) |
Không chỉ ngành dịch vụ ăn uống, các chợ dân sinh tại Hà Nội cũng ghi nhận xu hướng tăng giá nhẹ ở nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), tiểu thương bà Luyến thẳng thắn nói: “Điện tăng thì giá hàng không thể giảm. Tủ lạnh, máy đá, đèn chiếu sáng đều cần điện. Không tăng giá thì lỗ vốn”.
Khảo sát nhanh tại các chợ cho thấy: giá cải thảo đã lên 18.000 đồng/kg, cà chua ở mức tương tự. Bắp cải tăng nhẹ lên 15.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ. Giá thịt ba chỉ, sườn non dao động 150.000 – 160.000 đồng/kg – cao hơn khoảng 10.000 đồng so với cuối tháng 4.
Chị Lê Thị Hoa (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) – người đi chợ hằng ngày – nhận định: “Tăng giá điện luôn kéo theo một làn sóng tăng giá khác. Có thể mỗi lần chỉ vài nghìn đồng, nhưng cộng lại cả tháng là một gánh nặng với gia đình có thu nhập trung bình”.
Theo phân tích từ các chuyên gia thị trường, giá điện là yếu tố đầu vào mang tính chuỗi. Không chỉ tác động trực tiếp đến chi phí vận hành của quán ăn, nhà hàng, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, bảo quản và vận chuyển hàng hóa từ đầu nguồn.
Ngoài giá điện, nhiều chủ quán ăn còn đang phải đối mặt với một áp lực lớn không kém: chi phí thuê mặt bằng. Tại các khu vực đông dân như Linh Đàm, Cầu Giấy, giá thuê được cho là “leo thang” từng năm. Một chủ quán cơm gà tiết lộ: “Tôi đang thuê với giá 20 triệu đồng/tháng, chủ nhà năm nào cũng đề xuất tăng thêm vài triệu. Trong khi lượng khách không hề tăng, lại còn có xu hướng thắt chặt chi tiêu”.
Để đối phó, một số chủ quán tính đến phương án cắt giảm quy mô, thu gọn menu, thậm chí tạm đóng cửa vào buổi trưa hoặc ngày thường để tiết kiệm chi phí vận hành. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi nhu cầu khách hàng vẫn đòi hỏi chất lượng phục vụ cao và sự ổn định.
Giá điện tăng trong tháng 5 là lần điều chỉnh thứ hai trong vòng 7 tháng trở lại đây. Mức tăng không lớn (100,96 đồng/kWh), nhưng thời điểm tăng lại diễn ra trong lúc nhiều ngành nghề vẫn đang gắng gượng phục hồi sau khủng hoảng hậu Covid-19.
Việc giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu “tát nước theo mưa” sau mỗi kỳ tăng giá điện khiến nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về một làn sóng lạm phát chi phí – khi giá cả hàng hóa leo thang không hẳn vì cầu tăng, mà do chi phí đầu vào đội lên từng phần.