Ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng thêm 4,8% theo thẩm quyền. Như vậy giá điện tăng từ mức hiện nay là 2.103,11 đồng/kWh lên mức 2.204,06 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Với việc điều chỉnh tăng giá như trên, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 100,94 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện áp dụng chính thức từ ngày 10/5, tức là sau hơn 7 tháng tăng 4,8% ở lần gần đây nhất vào ngày 11/10/2024, giá điện tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 4,8%.
Như vậy kể từ đầu năm 2023, EVN đã có 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%, và lần này tiếp tục ở mức 4,8%. Tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp từ EVN. |
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nêu tại tọa đàm về cung ứng điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 7/5, giá điện bình quân của Việt Nam đang tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, mức này cao hơn một số nước có lợi thế riêng về thủy điện (Bangladesh, khoảng 6,2 cent/kWh) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia 4,9 cent mỗi kWh).
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá cao hơn Việt Nam, ví dụ Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines, với mức dao động 9,2-23,4 cent/kWh. Riêng Singapore, giá điện hiện tiệm cận mức của Nhật Bản, lên tới 23,4 cent mỗi kWh.
Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng vấn đề với Việt Nam không phải "giá điện tăng hay giảm", mà cần phản ánh đúng chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Theo Quyết định 05 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 26/3/2024, giá điện được điều chỉnh khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với mức hiện hành.
Lý do điều chỉnh giá điện đầu tiên là giá bán bình quân thực tế đã biến động trên 3%, mức được điều chỉnh theo Quyết định này.
Nguyên nhân tăng giá điện tiếp theo nhằm giải bài toán cân bằng tài chính cho EVN. Chỉ tính riêng giá điện bán ra của năm 2023, tập đoàn này đang bán dưới mức giá thành sản xuất kinh doanh là 135,33 đồng/kWh, tương đương với 6,92%, theo số liệu của Bộ Công Thương.
Từ năm 2022 tới nay, do giá nguyên liệu đầu vào tăng (chủ yếu là giá than và giá khí tăng) cộng với các chi phí hoạt động khác khiến EVN thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể năm 2022, EVN báo lỗ gần 36.300 tỷ đồng. Sang năm 2023, EVN lỗ đến 34.245 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. 6 tháng đầu năm 2024, tập đoàn vẫn lỗ hơn 13.000 tỷ đồng nhưng cả năm vừa rồi lại bất ngờ thoát lỗ. Kết quả đạt được một phần đến từ đợt điều chỉnh giá điện vào tháng 10/2024. Dù vậy, báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất được công bố, tính đến hết tháng 6/2024, EVN lỗ lũy kế ở mức 52.016 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Nếu như trước đây khoảng 2 năm, EVN tăng giá điện một lần với mức tăng khoảng 6% - 8% thì những năm gần đây tần suất tăng giá điện trở nên nhanh hơn do chi phí sản xuất điện tăng nhanh. Giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ.
![]() |
Tỷ giá USD/VND tăng cao, gây áp lực lên tài chính của EVN. (Nguồn: Google Finance). |
Tuy nhiên gần đây, giá dầu, khí, than đang điều chỉnh về xu hướng giảm nhưng tỷ giá tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đợt tăng giá lần này của tập đoàn, và một phần để bù đắp khó khăn tài chính của EVN những năm gần đây.
Việc điều chỉnh giá điện tăng, theo nhiều chuyên gia, sẽ có một số doanh nghiệp phát điện hưởng lợi, chủ yếu do khả năng thanh toán của EVN cải thiện, hỗ trợ dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, một số công ty phát điện đang niêm yết, được dự báo có thể hưởng lợi từ việc EVN tăng giá điện là Tổng Công ty Phát điện 3 (Mã: PGV), Tổng Công ty Phát điện 2 (Mã: GE2). Ngoài ra còn có Tổng Công ty Phát điện 1 nhưng công ty này không niêm yết.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2024 của PGV, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 10.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/5 tài sản. Trong đó hơn 9.100 tỷ đồng là đến từ phải thu từ Công ty Mua bán điện – đơn vị chịu trách nhiệm mua bán điện thuộc EVN.
Ngoài ra, nhóm xây lắp điện có thể hưởng lợi khi tình hình tài chính EVN cải thiện nhờ vào việc tăng giá bán lẻ điện, các dự án nguồn, lưới điện có thể được thực hiện tốt hơn.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp, tư vấn điện trên sàn chứng khoán điển hình gồm Tập đoàn PC1 (Mã: PC1), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2 – Mã: TV2),…
Hiện nay, hoạt động xây lắp các dự án truyền tải đang là trọng tâm trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao của năng lượng tái tạo và nhu cầu cấp bách truyền tải từ Nam ra Bắc với dự án trọng điểm đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phối Nối.
Ngoài ra, phát triển nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với ý chí quyết tâm của chính phủ tập trung phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới phát thải ròng bằng “0” từ năm 2050.
Theo Quy hoạch điện VIII, kế hoạch vốn và lượng công việc cho việc xây lắp hạ tầng và nguồn điện là rất lớn từ nay đến 2030. Điều này sẽ đảm bảo nguồn việc và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho nhóm xây lắp điện, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có năng lực làm dự án quy mô lớn.
![]() |
Một đoạn Đường dây 500kV mạch 3 đoạn vượt sông Lam (Ảnh: EVN). |
Đối với nhóm bán điện cho EVN như các công ty nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo, việc tăng giá điện sẽ không tác động trực tiếp lên nguồn thu của nhóm doanh nghiệp này. Bởi, EVN ký hợp đồng dài hạn, tức giá mua điện sẽ không đổi về lâu dài, doanh thu của nhóm nhiệt điện và thủy điện này sẽ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ điện của người dân (sau đó EVN sẽ mua điện từ các công ty này). Có chăng, tác động gián tiếp là đến từ tình hình tài chính cải thiện của EVN giúp thanh toán được các khoản nợ ngắn hạn cho bên bán điện.
Nhóm doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ việc tăng giá điện có thể kể đến là: xi măng, thép, hóa chất và giấy. Vì chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất của các doanh nghiệp này nên việc tăng giá điện ở mức 4,8% sẽ làm đội chi phí.
Chẳng hạn, đối với nhóm xi măng, chi phí điện trên giá vốn hàng bán chiếm tới 15%. Tỷ lệ của chi phí điện so với giá vốn của nhóm thép là 10%, trong khi của nhóm hóa chất là 9% và nhóm giấy là 5%.
Theo ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, điện chiếm 15% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng và con số này có thể tăng lên 17% sau đợt điều chỉnh giá điện ngày 10/5 này.
Hiện tại, sản xuất clinker là khâu tiêu tốn điện năng nhất, vì vậy đây sẽ là vấn đề "đau đầu" của nhiều doanh nghiệp xi măng, dẫn nguồn tin từ ximang.vn. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách tiết kiệm chi phí, nếu không muốn tiếp tục bị bào mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng.
Đối với ngành thép, hóa chất,… ảnh hưởng của việc tăng giá điện là có, nhưng không lớn nhờ tiền điện gia tăng không lớn cùng với việc nhiều doanh nghiệp đỡ được một phần đáng kể tiền điện nhờ đã đầu tư điện mặt trời, CNG, Biomass,... từ sớm.
Chẳng hạn như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) – tập đoàn số 1 ngành thép đang tự chủ 90% lượng điện cho sản xuất khi sở hữu các nhà máy điện nhiệt dư thuộc hai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất có tổng lượng điện phát đạt 3,18 tỷ kWh (số liệu hết năm 2024).
Tổng lượng điện phát tự chủ được của Hòa Phát tại hai Khu liên hợp Hải Dương và Dung Quất tương đương một nhà máy nhiệt điện tầm trung, quy đổi theo giá điện năm 2024, sản lượng phát điện năm vừa qua có giá trị khoảng 5.400 tỷ đồng.
Với khoảng 100 đồng giá điện tăng thêm sau điều chỉnh, Hòa Phát chỉ mất thêm khoảng 28-30 tỷ đồng tiền điện tại các khu liên hợp này, theo tính toán của Yuanta Việt Nam.
![]() |
Tập đoàn Hòa Phát đang tự chủ được tới 90% lượng điện cho sản xuất thép. (Ảnh: Hòa Phát). |
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) – doanh nghiệp tiêu thụ gần 1 tỷ kWh điện trong năm 2024 – cũng dự kiến chi thêm khoảng 100 tỷ đồng tiền điện sắp tới đây. Tuy nhiên, con số này không quá đáng kể so với lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Các doanh nghiệp tiêu thụ điện ở mức trung bình như Vinamilk (Mã: VNM), Tôn Đông Á, Đạm Hà Bắc,... có mức tăng chi phí điện dao động từ 10 - 30 tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hệ thống điện mặt trời, khí CNG, năng lượng sinh khối (biomass) để giảm thiểu tác động từ chi phí điện tăng.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc những ngành đặc thù sử dụng nhiều điện như chế biến thủy sản và dệt may, tác động là khá lớn.
Chia sẻ với báo Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương Mại Thuận Phước cho biết, ngành chế biến thủy sản có đặc thù là sử dụng rất nhiều điện, nhất là phải duy trì liên tục kho lạnh cấp đông. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả trung bình khoảng 1,5-2 tỷ đồng tiền điện, phụ thuộc vào sản lượng sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thực tế.
Ông Lĩnh cho biết, giá bán lẻ điện cho kinh doanh tăng thêm đáng kể từ ngày 10/5, theo tính toán của doanh nghiệp này, điều này có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm khoảng cả trăm triệu tiền điện mỗi tháng.
Còn ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng thừa nhận, giá điện tăng sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt đối diện thêm gánh nặng chi phí. Các doanh nghiệp đang ứng phó với thuế đối ứng, đơn hàng cạnh tranh nên việc tăng giá điện sẽ khiến bài toán chi phí đầu vào thêm chật vật.