EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao

23:50 23/07/2021

Nếu ví đại dịch COVID-19 là bóng ma đen tối với nền y tế thế giới thì ở lĩnh vực thể thao, đặc biệt là kinh tế trong thể thao, COVID-19 đang phủ một màu blue buồn chán khắp các sân vận động, nhà thi đấu...

Rạng sáng 12/7, sau một tháng tranh tài, từ 24 đội tuyển tham dự, nhà tân vương của bóng đá lục địa già đã xuất hiện - Italy. Sau 120 phút thi đấu, hai đội tuyển Anh và Italy đã phải phân định thắng thua trên loạt sút penalty định mệnh. Và rồi, người Anh lại phải nhận cái kết đau đớn trên sân nhà Wembley khi danh hiệu danh giá lại thêm lần nữa lỡ hẹn. 

Trước loạt đấu súng định mệnh, sự già dơ của đoàn quân màu áo thiên thanh lại một lần nữa khiến những anh chàng Anh Quốc ôm hận. Tổng tỉ số 3 - 2 nghiên về đội tuyển Ý đã giúp đoàn quân của HLV Mancini lần thứ hai được nâng chiếc cup danh giá nhất của bóng đá châu Âu cấp đội tuyển sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi từ lần đăng quang gần nhất ở Euro 1968.

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 1.

Đội tuyển Italy vô địch EURO 2020. (Ảnh: UEFA).

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 2.

Tại sao đang là EURO 2020 lại thành EURO 2021? Trái với thông lệ, cứ 4 năm, chúng ta sẽ lại đón một kỳ EURO. Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với toàn thể nhân loại khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, càn quét khắp nơi khiến người người nhà nhà phải ở trong nhà. Các thành phố vắng vẻ đến hoang lạnh vì lệnh phong tỏa. Hàng quán, các cửa hiệu đóng cửa. Du lịch đóng băng, máy bay nằm "đắp chiếu" chưa thấy ngày trở lại bầu trời. Vô số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khiến nền kinh tế lao đao, thiệt hại hàng nghìn tỷ USD.

Các giải đấu thể thao và EURO cũng vậy. Việc tổ chức một giải đấu, thu hút lượng lớn người hâm mộ đến tham dự chắc chắc sẽ mang lại lợi ích kinh tế cực kỳ lớn. Nhưng, để làm được điều đó, các chính phủ, ban tổ chức giải đấu đã phải nỗ lực rất nhiều vì đó không phải là điều dễ dàng. 

Với nỗ lực tiêm vắc xin, tạo ra miễn dịch cộng đồng, một số các quốc gia châu Âu đã dần ổn định được tình hình và có thể cho phép các sự kiện đông người diễn ra. Vì thế, sau một năm chống dịch, 2021 đã chào đón kỳ EURO tiếp theo. Tuy trễ hẹn một năm những đó được xem là liều thuốc kích thích nền kinh tế đang chìm trong ảm đạm vì dịch bệnh.

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 2.

EURO 2020 là giải đấu đặc biệt với thể thao năm nay. (Ảnh: Reuters).

Vương quốc Anh nhờ việc triển khai vắc xin thành công và nới lỏng dần các hạn chế đã giúp các hoạt động kinh tế rục rịch quay trở lại. Được xem là nơi khởi nguồn của bóng đá hiện đại, người dân Anh có niềm đam mê mãnh liệt với môn thể thao vua và nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng EURO 2020 có thể khiến nền kinh tế xứ sở sương mù thúc đẩy lên một tỷ bảng Anh.

Trong chiến thắng lịch sử trước đội tuyển Đan Mạch, ngành rượu bia nước Anh chứng kiến mức tiêu thụ đáng kinh ngạc khi 19 triệu lít bia đã được tiêu thụ trong đêm, bất chấp các lệnh cấm đối với quán rượu bia. Các chuyên gia tin rằng sản phẩm liên quan đến bóng đá, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng sẽ tăng mức tiêu thụ khi EURO 2020 đến và qua đó, các đơn vị, nhà cung cấp hàng hóa sẽ có được lợi ích đáng kể, giúp họ có sự thúc đẩy để tồn tại sau ảnh hưởng của các đợt phong tỏa, theo BBC.

Ngoài rượu bia, thực phẩm tươi, đặc biệt là thịt và salad được tiêu thụ cao trong EURO 2020 tại Anh. Ở quốc đảo sương mù, mùa hè và thể thao là mùa "cá kiếm" của thực phẩm barbecue (đồ nướng ngoài trời). Theo Bloomberg, chuỗi siêu thị Asda ước tính bán được 200.000 chiếc burger để phục vụ trận chung kết. 

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 4.

Tờ Bloomberg dựa trên tần suất đi bộ của người Anh sau chiến thắng trước Đan Mạchđể đo lường mức tác động lên thức ăn đường phố - dịch vụ được dự đoán sẽ bán chạy khi nhiều cửa hàng đóng cửa. (Ảnh: Bloomberg).

Các chuyên gia kinh tế Anh rất kỳ vọng vào việc Tam Sư giành được chiếc cúp danh giá. Họ cho rằng chiến thắng này không chỉ mang ý nghĩa về chuyên môn mà còn giúp thúc đẩy nền kinh tế xứ sở sương mù. Theo chuyên gia Simon French, nếu đội tuyển Anh giành chiến thắng sẽ tạo ra tác động to lớn đối với ngành dịch vụ, lĩnh vực mà ông French ước tính sẽ mang lại hơn 150 triệu bảng Anh cho GDP.  

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 4.

Chiến thắng của đội tuyển Anh sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế quốc đảo sương mùsau nhiều tháng trời chìm trong ảm đảm do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: The Independent).

"Như chúng ta đã thấy trong Euro 96 hoặc Thế vận hội 2012, những chiến thắng giúp thúc đẩy tâm lý người dùng. Chúng tôi ước tính các hộ gia đình ở Anh đã tiết kiệm được khoảng 20 tỷ bảng Anh trong quãng thời gian ở nhà vì dịch bệnh và chiếc danh hiệu vô địch EURO 2020 sẽ tạo ra ảnh hưởng cực kỳ lớn, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiền", ông French nhận định.

Nhận định của chuyên gia không phải là không có cơ sở. Bóng đá, như đã nói, có ý nghĩa rất lớn đối với người Anh. Tại kỳ World Cup 2018, sau khi họ tiến đến vòng bán kết, Trung tâm nghiên cứu thị trường Anh Quốc cho biết nền kinh tế đã được lợi nhờ khoảng 1 tỷ bảng Anh được người dân chi ra. Kể từ khi giải EURO 2020 khởi tranh, Deliveroo - nhà tài trợ cho Tam Sư đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng 17%. Quy mô nhỏ hơn, trong năm 2015, khi CLB Leicester vô địch giải Ngoại hạng Anh, đã thúc đẩy nền kinh tế của thành phố tăng trưởng hơn 140 triệu bảng Anh, hơn 2.500 việc làm được tạo ra. 

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 6.

 

Giải đấu trọn vẹn như EURO 2020 hay Copa America có thể khiến người hâm mộ được thỏa mãn cơn thèm khát bóng đá nhưng với nền kinh tế, các giải đấu nói trên cũng chỉ tác động được phần nào và đâu đó, COVID-19 vẫn đang phủ một màu buồn u ám đối với nền kinh tế thể thao.

Tác động của EURO 2020 chắc chắn sẽ khác với các kỳ EURO trước đây. Ví dụ, năm 2016, nước Pháp là nước chủ nhà đăng cai giải đấu. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Kinh tế và Luật Thể thao (CDES) có trụ sở tại Limoges (Pháp), kỳ EURO 2016 đã thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, thu về con số chạm tới 1,48 tỷ USD.

Tờ DW của Đức cho biết, hơn 600.000 du khách đã đến và lưu lại nước Pháp trung bình 8 ngày/người và mức chi tiêu trung bình của môt người là 154 euro/ngày. Việc đăng cai tổ chức là một quyết định có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế, nước Pháp sẵn sàng chi hơn 200 triệu euro để nâng cấp cơ sở hạ tầng. 

Như vậy, khi EURO 2020 được tổ chức tại 12 thành phố khác nhau, rõ ràng nguồn doanh thu sẽ không đạt mức kỳ vọng cao.

Năm 2020, các sân vận động vắng khán giả đã trở nên quen thuộc với người xem truyền hình và việc hâm mộ được đến sân để xem bóng đá tại EURO 2020 cũng là một điểm khởi sắc đối với thể thao. Song, với nền kinh tế thì không hẳn. 

Với mức 25% và tối đa 50% khán giả được đến sân xem các trận đấu khiến nguồn thu không đạt tối đa. Những sân đấu như Puskas Arena tại thủ đô Budapest của Hungary, nơi đã mở rộng cửa đón hơn 67.000 fan hâm mộ đến sân trong mỗi trận đấu được tổ chức tại đây, tương đương 100% sức chứa của sân vận động có thể sẽ khiến mọi nhà tổ chức giải đấu phải "thèm khát".

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 5.

Bức tranh tài chính nhạt nhòa của SVĐ Wembley tại London (Vương quốc Anh) sau một năm chịu ảnh hưởng của COVID-19. (Ảnh: Getty).

Theo báo cáo tài chính của Wembley National Stadium Ltd (WNSL), một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đồng thời là đơn vị sở hữu sân vận động Wembley cho biết doanh nghiệp này đang lỗ gần 28 triệu bảng, tính đến hết ngày 31/7/2020, tăng 2,5 triệu bảng so với năm tài chính trước đó. Doanh thu đồng thời cũng giảm từ hơn 100 triệu bảng xuống còn 35,5 triệu bảng.

COVID-19 đã phủ một bóng đen lên Wembley - sân đấu biểu tượng của xứ sở sương mù. Khi các hoạt động thể thao cùng nhiều sự kiện bên lề khác không được tổ chức đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình tài chính của sân Wembley.

Sân vận động này đã trải qua gần một năm không hoạt động cho tới khi đón khoảng gần 8.000 người tới tham dự trận chung kết Cúp Liên đoàn vào tháng 4 vừa qua. Dù vậy, con số này vẫn là quá nhỏ so với quy mô của Wembley. Và, nếu không có nguồn thu ổn định cùng với đó là các khoản chi phí ước tính lên tới 15 triệu bảng mỗi năm, sân vận động Wembley có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt cũng hạn chế khán giả rất nhiều. Trong trận chung kết EURO 2020, chính phủ Anh chỉ cho phép tối đa 1000 cổ động viên bay từ Ý đến Anh nhằm đảm bảo các quy định chống dịch. 

Nhắc đến bóng ma COVID-19, Copa America có lẽ còn đáng buồn hơn. Dù siêu sao Messi đã cùng đội tuyển Argentina giành danh hiệu cấp đội quốc gia đầu tiên trong sự nghiệp của anh nhưng với những sân đấu im ắng, không một bóng khán giả thì niềm vui của M10 đã không còn được trọn vẹn. Đó là khía cạnh chuyên môn nhưng đối với kinh tế, các nhà tổ chức cũng không thể vui được.

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 6.

Messi có thể cười, có thể khóc vì danh hiệu mà mình vừa giành được nhưng với Copa America thì... (Ảnh: Reuters).

"Con số cuối cùng chưa được xác nhận nhưng chúng tôi ước tính thiệt hại của giải đấu năm nay sẽ rơi vào khoảng 15 triệu USD hoặc hơn. Conmebol (Liên đoàn bóng đá khu vực Nam Mỹ) đang hy sinh nhiều thứ để giải đấu năm nay có thể diễn ra", ông Monserrat Jiménez, Giám đốc pháp lý của Conmebol chia sẻ.

Nhìn về châu Á, nơi Olympic Tokyo 2020 vừa hoàn tất những công đoạn cuối cùng để giải đấu được diễn ra... không có khán giả. Đây rõ ràng không phải là một quyết định dễ dàng đối với các nhà tổ chức nhưng với tình hình hiện tại, khi COVID-19 vẫn còn đang bùng phát tại xứ sở hoa anh đào thì việc những màn tranh tài tại Thế vận hội được diễn ra sau những cánh cửa đóng kín là không thể tránh khỏi. Hôm 9/7, các quan chức Nhật Bản cho biết các cổ động viên sẽ bị cấm tham gia hầu hết các sự kiện Olympic 2020 (khai mạc ngày 23/7) và thủ đô Tokyo sẽ trong tình trạng khẩn cấp trong suốt thời gian diễn ra do COVID-19. 

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 7.

Màu buồn u ám phủ lấy Tokyo trong kỳ Thế vận hội sắp tới. (Ảnh: AFP).

Hơn 70% dân số Nhật Bản không đồng ý với việc tổ chức Olympic, nhưng nước chủ nhà Nhật Bản không có quyền hủy Thế vận hội. Hợp đồng giữa IOC và thành phố chủ nhà Tokyo là rất rõ ràng: Có một điều khoản về chuyện hủy và nó chỉ cho phép IOC có quyền hủy, không phải thành phố chủ nhà. Theo luật sư thể thao quốc tế Alexandre Miguel Mestre, Thế vận hội Olympic là "tài sản độc quyền" của IOC và chỉ có IOC mới có thể cho phép hủy. Bất chấp đại dịch COVID-19, IOC vẫn muốn giải đấu diễn ra.

"Theo nhiều điều khoản khác nhau trong hợp đồng của thành phố chủ nhà, nếu Nhật Bản muốn đơn phương hủy hợp đồng, rủi ro và thiệt hại sẽ do ủy ban tổ chức nước chủ nhà chịu," Giáo sư Jack Anderson tại Đại học Melbourne cho biết. Theo ông Anderson, các bản hợp đồng đều có điều khoản dành cho trường hợp khẩn cấp nhưng tính chất của đại dịch thì lại chưa từng gặp.

"Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất, và Nhật Bản cũng như IOC có rủi ro mất hàng tỷ USD tiền bản quyền phát sóng. Đây là một sự kiện khổng lồ và có nhiều nghĩa vụ hợp đồng lớn cho tất cả các bên", ông Henderson nói.

Viện nghiên cứu Nomura (NRI) cho biết việc hủy Thế vận hội (Olympic) và Thế vận hội thể thao người khuyết tật (Paralympic) Tokyo 2020, sẽ khiến Nhật Bản tổn thất khoảng 1.819 tỷ yên (17 tỷ USD).

Theo NRI, nếu Olympic Tokyo 2021 được tổ chức mà không có khán giả vào cuối tháng 7 sẽ đem lại nguồn lợi ích kinh tế trị giá 1.660 tỷ yên, ít hơn khoảng 146,8 tỷ yên nếu Thế vận hội được tổ chức với khán giả trong nước. 

EURO 2020, COVID-19 và bản nhạc blue ảm đạm của các giải đấu thể thao  - Ảnh 10.

Sự kiện quốc tế đã như vậy, quay trở lại trong nước, dù đạt hiệu quả chống dịch trong năm 2020 nhưng các sự kiện thể thao cũng đành chịu cảnh im lìm "đắp chiếu" chờ ngày trở lại. Ngày 8/7, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thông báo Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), dự kiến diễn ra tại Việt Nam sẽ tạm hoãn lại do tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Hiện thời điểm giải đấu được tổ chức trở lại vẫn chưa được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thông báo.

Trước đó, ngày 6/10/2020, UBND Thành phố Hà Nội và công ty TNHH Hiệp hội Thể thao Xe động cơ (VMA) và Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) đã chính thức thông báo hủy chặng đua xe công thức 1 tại Việt Nam năm 2020 sau nhiều thảo luận với Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) và Tập đoàn Formula 1. Đây là quyết định cần thiết bởi những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. 

"Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng là giải pháp duy nhất sau khi cân nhắc kỹ lưỡng trên các tiêu chí về sự an toàn cũng như tính hiệu quả của chặng đua. Chúng tôi xin cảm ơn sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ Việt Nam và quốc tế cùng các đối tác đã đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian qua", bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc Công ty VGPC chia sẻ. 

Việc hủy chặng đua F1 tại Việt Nam sẽ khiến con số thiệt lại vô cùng lớn. Dự kiến, chi phí trung bình để tổ chức một chặng đua F1 rơi vào khoảng 60 triệu USD. Bên cạnh đó, nguồn thu rất lớn từ việc bán vé cũng không còn. Theo thống kê, tính từ khi Giải đua xe F1 Việt Nam 2020 phát động cho đến thời điểm giải đấu bị hủy đã có hơn 100.000 du khách đăng ký đến Việt Nam tham dự sự kiện.

Trường đua F1 Việt Nam hiện tại. (Ảnh: Vượng Phát).

Nếu muốn xem giải đua F1 tại Việt Nam, khách hàng có thể mua vé với mức thấp nhất 1,75 triệu đồng cho hạng vé phổ thông và để được ngồi trên khán đài, giá vé thấp nhất là 3,88 triệu đồng cho cả 3 ngày thi đấu. Như vậy, việc hoàn vé là cả một quá trình tốn kém nữa.

Ngoài ra, các dịch vụ ăn theo chặng đua cũng đành ngậm ngùi "đắp chiếu". Theo VTV đưa tin trước đó, nhiều hộ dân đã cải tạo ban công nhà mình thành quán ăn, cà phê để phục vụ những khán giả không có vé được ngồi thưởng thức một sự kiện thể thao đẳng cấp tầm cỡ thế giới.

Thuật ngữ "blues" là cách viết ngắn gọn cho cụm "blue devils", nghĩa là "những tên quỷ buồn bã", miêu tả sự u sầu và buồn bã, xuất hiện lần đầu trong tên tác phẩm Blue Devils (1798) của nghệ sĩ George Colman. 

Từ đó, những người Mỹ gốc Phi đã sử dụng khái niệm "blues" cho những tác phẩm mang cảm xúc sâu lắng, thường xen lẫn chút muộn phiền và chán chường. Và đối với thể thao cũng như nền kinh tế nói chung, COVID-19 chắc chắn là một bản nhạc buồn phiền và đầy u ám. 

Vượng Phát | Thiết kế: Justin Bui
Kinh tế chứng khoán