Nền tảng truyền thông xã hội X của tỷ phú Elon Musk đã kiện một liên minh quảng cáo toàn cầu và một số công ty lớn, trong đó có Mars và CVS Health, với cáo buộc âm mưu tẩy chay quảng cáo trên nền tảng X một cách bất hợp pháp và khiến trang này tổn thất doanh thu.
Cụ thể, Elon Musk cho rằng, liên minh các công ty quảng cáo lớn đã âm mưu "cùng nhau giữ lại hàng tỷ USD tiền quảng cáo từ Twitter (tên trước đây của mạng xã hội X)" vì nhóm này lo ngại nền tảng này đã đi chệch khỏi các tiêu chuẩn an toàn sau khi Musk mua lại vào cuối năm 2022.
Nhóm này là Liên minh toàn cầu vì phương tiện truyền thông có trách nhiệm, còn được gọi là GARM, một sáng kiến tự nguyện của ngành quảng cáo do Liên đoàn quảng cáo thế giới điều hành. Nhóm này hoạt động nhằm mục đích giúp các thương hiệu tránh được việc quảng cáo cùng với các nội dung bất hợp pháp hoặc có hại.
GARM có hơn 100 công ty là thành viên trong đó có những cái tên lớn như CVS, Unilever, Mars..
Sáng kiến truyền thông có trách nhiệm được khởi xướng vào năm 2019 để giúp ngành quảng cáo giải quyết thách thức từ những nội dung bất hợp pháp hoặc có hại trên các nền tảng truyền thông kỹ thuật số và kiếm tiền thông qua quảng cáo. Doanh thu quảng cáo của X đã giảm mạnh trong nhiều tháng sau khi tỷ phú Elon Musk mua công ty vào năm 2022. Một số nhà quảng cáo thận trọng hơn trong quyết định chi tiêu quảng cáo trên X do Elon Musk sở hữu, lo ngại thương hiệu của nhà quảng cáo sẽ xuất hiện bên cạnh nội dung có hại vốn rất ít xuất hiện dưới thời chủ sở hữu trước.
Trong đơn kiện, X khẳng định đã áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thương hiệu tương đương với các tiêu chuẩn của đối thủ cạnh tranh và "đáp ứng hoặc vượt quá" các biện pháp mà Liên minh toàn cầu vì phương tiện truyền thông có trách nhiệm yêu cầu. Đơn kiện cũng nêu rõ X đã trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong mảng quảng cáo kỹ thuật số.
Vụ kiện yêu cầu bồi thường gấp 3 lần dựa trên "thiệt hại thực tế với số tiền sẽ được xác định tại phiên tòa". X cũng muốn một lệnh cấm vĩnh viễn theo Mục 16 của Đạo luật Clayton, cấm bị đơn tiếp tục âm mưu liên quan đến việc mua quảng cáo từ nguyên đơn.
Vụ kiện diễn ra vài tuần sau khi Musk viết rằng, X "không có lựa chọn nào khác ngoài việc đệ đơn kiện những kẻ thực hiện và đồng lõa trong đường dây tẩy chay quảng cáo" và kêu gọi "truy tố hình sự".
Những lời phàn nàn của Musk được củng cố bởi một báo cáo của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. "Mức độ tổ chức hiệp hội thương mại của GARM, kết hợp các hành động tước đi quyền lựa chọn của người tiêu dùng có khả năng vi phạm luật chống độc quyền và đe dọa các quyền tự do cơ bản của người Mỹ", cơ quan này tuyên bố.
Trang Ars Technica liên hệ với các bên có trong danh sách bị đơn của vụ kiện, tuy nhiên, chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Bình luận về vấn đề này, nhóm giám sát ngành quảng cáo có tên Check My Ads Institute, bên không tham gia vào vụ kiện, cho rằng các khiếu nại của Musk sẽ khó được chấp nhận theo hiến pháp Mỹ.
"Các nhà quảng cáo có quyền lựa chọn người và thứ mà họ muốn liên kết. Elon Musk và lãnh đạo X có quyền nói những gì họ muốn, ngay cả khi thông tin đó không chính xác. Các nhà quảng cáo có quyền giữ quảng cáo của họ tránh xa thông tin đó", nhóm này nhận định.
Trang CNN bình luận, vụ kiện tiếp tục thể hiện "thói quen gây hấn" của tỷ phú Musk với các nhà quảng cáo mà ông vốn kiếm tiền từ họ. Năm ngoái, Musk đã lên tiếng nguyền rủa các thương hiệu rời khỏi nền tảng X.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên X đệ đơn kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh quảng cáo đang suy giảm của mình. Năm ngoái, X đã kiện Trung tâm Chống thù hận kỹ thuật số, cáo buộc nhóm phi lợi nhuận này đã vi phạm các điều khoản dịch vụ của mình khi nghiên cứu, sau đó viết về ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng này, khiến các nhà quảng cáo tránh xa nền tảng. Thẩm phán liên bang sau đó đã bác bỏ vụ kiện vào tháng 3.
Tú Anh (T/h)