Dừng đấu giá cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng do Bộ Xây Dựng sở hữu

10:24 23/12/2020

Theo thông báo mới nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng (UPCoM: SHG) do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 25/12/2020 tới đây sẽ bị tạm dừng.

HNX cho biết, ngày 30/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định số 140/2020-NĐ-CP không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020. Do đó, HNX cho biết, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 25/12 tới đây sẽ bị tạm dừng để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Chính phủ. 

Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng 

Theo thông báo trước đó của HNX, Bộ Xây dựng dự kiến bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại “con cưng” Sông Hồng, tương đương 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm được đưa ra tại thời điểm công bố thông tin đấu giá bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, tướng ứng giá trị cả lô cổ phần tối thiểu là 132 tỷ đồng.

Được biết, Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp có tên trong danh mục phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính Phủ.

Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Tính đến ngày 30/6/2020, ngoài phần vốn góp của Nhà nước chiếm tỷ lệ 49%, các cổ đông lớn khác của Tổng công ty Sông Hồng còn có ông Phan Việt Anh (tỷ lệ sở hữu 14,9%), bà Phạm Thị Phương Thúy (tỷ lệ sở hữu 11,06%) và ông Lã Tuấn Hưng (tỷ lệ sở hữu 9,25%).

Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng gặp nhiều khó khăn, gần như không triển khai thêm dự án nào và cũng không có hợp đồng thi công.

Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ hơn 72 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 973 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2020 thì con số này đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng thua lỗ, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Mới đây, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 cho thấy, nửa đầu năm nay, tổng công ty mới ghi nhận 24,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ 2019.

Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, xấp xỉ năm trước khiến Sông Hồng tiếp tục lỗ trước thuế 29,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính tại ngày 30/6/2020 đã âm gần 700 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng.

Để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Theo VNF