Khối lữ hành thiệt hại nặng nề
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019.
Trong số các doanh nghiệp (DN) du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành thiệt hại nặng nề nhất bởi là trung gian thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, nhận định dịch Covid-19 đã khiến các DN Lữ hành đối diện với việc thay đổi các hình thức quản lý, kinh doanh du lịch. Các đơn vị phải thích ứng với việc xuất hiện những hình thức, xu hướng du lịch mới như du lịch gần nhà, du lịch từng phần, nhỏ lẻ thay vì theo tour truyền thống.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, đưa ra nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch trong thời gian tới là: Liên kết. Theo đó, các địa phương không thể "đơn thương độc mã" phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng cũng như DN lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan...
Chính vì thế, ông Hoan cho rằng, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, báo chí, trong đó công ty lữ hành sẽ là trung tâm của sự liên kết.
"Cơ quan quản lý phải là nhạc trưởng, có nhiệm vụ tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ cùng chung vai sát cánh đưa ra những cam kết về chất lượng, công khai mức giá. Chính quyền địa phương chủ động đi đầu trong việc ưu đãi các khoản phí, lệ phí trực tiếp thu, tích cực tham gia phối hợp với liên minh trong công tác xúc tiến quảng bá điểm đến. Các cơ sở cung cấp dịch vụ trong cùng một lĩnh vực, trong cùng một địa phương cần đoàn kết để có tiếng nói chung, tránh xảy ra những cá biệt xấu làm ảnh hưởng tới hình ảnh của điểm đến. DN vận chuyển có chính sách linh hoạt, lộ trình tăng giá cụ thể, đảo đảm số lượng chỗ và quyền lợi của các công ty du lịch tham gia kích cầu ngay từ đầu. Bên cạnh đó, khi khai trương đường bay mới, hãng hàng không cần trao đổi với lữ hành xây dựng kế hoạch sản phẩm, truyền thông để cùng cộng hưởng", ông Hoan cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương- Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng các DN trong ngành du lịch tại địa phương cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình, kích cầu, làm mới sản phẩm. Địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ DN để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm, ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30%-50%, trợ giá cho du khách để ngành du lịch sớm phục hồi. Đẩy mạnh hơn nữa liên kết liên minh giữa các DN du lịch để đưa ra được các gói kích cầu thực sự hấp dẫn.
Đẩy mạnh du lịch nội địa là giải pháp tối ưu
Du lịch nội địa vẫn là 'phao cứu sinh' của năm 2021. Ông Hoan cho rằng, cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi "miếng bánh" chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.
Ngoài ra, để khôi phục và phát triển du lịch, vai trò liên minh liên kết phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn, ví như kích cầu du lịch cần thời gian dài và quy mô hơn (không phải vài tháng mà có thể kéo dài 1-2 năm).
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những năm qua doanh nghiệp lữ hành bỏ quên thị trường nội địa rộng lớn. Chưa biết khi nào có thể "mở bầu trời" trở lại để đón khách nước ngoài, các doanh nghiệp phải tập trung vào du lịch nội địa trong năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng bất lợi đến ngành du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần đổi mới quản trị doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiểu đúng đặc điểm, nhu cầu khách hàng, thị trường, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA) cũng nhận định: "Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành luôn tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành du lịch. Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch".
Đồng quan điểm đó, ông Phùng Quang Thắng, giám đốc công ty Hanoitourist, cho hay đại dịch Covid-19 thay đổi xu thế du lịch của thế giới. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong du lịch cộng đồng; chuyển đổi số; đánh giá lại thị trường quốc tế đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch nội địa.
TH