Du lịch golf: Thị trường ngách nên cần thực sự am hiểu thì mới bán được

09:58 09/05/2022

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho rằng, để phát triển loại hình du lịch golf, nhà nước cần phải xem golf là một loại hình du lịch, xúc tiến thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao và cần có sự đầu tư bài bản.

Golf Việt Nam cũng ngày càng “sáng giá” trên bản đồ golf quốc tế. Tại lễ trao giải thưởng golf thế giới lần thứ 8 (World Golf Award - WGA) diễn ra vào tháng 10/2021 ở Park Hyatt Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Việt Nam đã được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á năm 2021”. Đây là giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards. Đây cũng là năm thứ 2 Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” (2019, 2021) và năm thứ 5 liên tiếp được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” (2017-2021).

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Nguyễn Văn Linh, nước ta có 4 thế mạnh để phát triển du lịch golf. Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi; thứ hai là tiềm năng về văn hóa, con người; thứ ba là sự đa dạng của nền ẩm thực; và thứ tư là sự phát triển về hạ tầng sân golf. Xét riêng về hạ tầng, hiện Việt Nam có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, trong đó hơn 30 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân hầu hết đều mới được xây dựng với thiết kế hiện đại ở những vị trí đẹp, gắn liền các khu nghỉ dưỡng trải dọc ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là điều kiện cần thiết cho thấy du lịch golf Việt Nam có đủ tiềm lực và năng lực cạnh tranh để thu hút du khách cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, đây là nhóm đối tượng rất đam mê golf và điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng chiến lược thị trường của chúng ta. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối tượng có thu nhập cao, thời gian lưu trú kéo dài do họ kết hợp giữa chơi golf và du lịch khám phá”. Tuy nhiên, ông Lương lưu ý rằng việc phát triển ngành du lịch golf cũng cần chú trọng tới việc bảo vệ các cảnh quan nơi được lựa chọn làm sân golf, đặc biệt là khu vực rừng đặc dụng và đất sản xuất nông nghiệp.

Nhìn nhận về những thách thức đối với ngành du lịch golf, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, đó là nguồn nhân lực. Theo ông, nhân lực golf còn rất hạn chế. Mặt khác, đặc thù của nhân lực ngành du lịch golf là họ phải có những kỹ năng riêng để phục vụ khách chơi golf, ví như: hướng dẫn khách đánh bóng, tư vấn mặt sân và địa hình, thu nhặt bóng tại hố golf, di chuyển cùng khách suốt vòng chơi trong nhiều giờ... “Chính vì vậy, cần phải có các lớp tập huấn các kỹ năng riêng cho nhóm nhân lực trong loại hình du lịch này”, ông nói.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, bình luận thêm: Golf là một thị trường ngách và rất đẳng cấp nên nhân lực trong ngành này có đặc thù riêng, không lẫn lộn với các loại hình du lịch khác. “Hiện nay nhân sự cao cấp tại Việt Nam trong lĩnh vực golf chưa có. Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc đào tạo, để có một đội ngũ chuyên gia, từ đó đưa ra các đề xuất chiến lược giúp cho sự phát triển của golf Việt Nam”. 

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam.

Ông Thủy cũng nhìn nhận hiện nay, nước ta chưa có nhiều liên minh về golf, nếu có thì chỉ có một vài hiệp hội hoạt động nhỏ lẻ, chưa thực sự đủ mạnh, đủ tiếng nói để có thể tuyên truyền, quảng bá, định vị chiến lược phát triển của thị trường. Vì thế ông Thuỷ cho rằng, cần phải xây dựng các sản phẩm golf đẳng cấp, thường xuyên tổ chức các sự kiện về golf mang tầm quốc tế và nên có chiến lược bài bản để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè quốc tế.

“Mặc dù chúng ta có mời các chuyên gia, các nhà thiết kế nổi tiếng nước ngoài về xây dựng các sân golf nhưng chúng ta vẫn chưa tạo ra được nội lực để khẳng định vị thế Việt Nam là một điểm đến golf của thế giới”, ông nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho rằng, để phát triển loại hình du lịch golf này, nhà nước cần phải xem golf là một loại hình du lịch, xúc tiến thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao và cần có sự đầu tư bài bản (như thường xuyên tổ chức các giải golf để thế giới biết đến nhiều hơn, nên ưu tiên nhắm đến các thị trường mục tiêu cho golf như Hàn Quốc, Nhật Bản...) Cùng với đó, các sân golf và khu nghỉ dưỡng cần liên kết chặt chẽ hơn với nhau, bởi ngoài hoạt động chơi golf, du khách còn có nhu cầu khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến.

Theo ông Hà, du lịch golf là một sản phẩm đặc thù, một thị trường ngách đầy tiềm năng, vì vậy những người bán sản phẩm này cần phải hiểu các sân golf ở Việt Nam, hiểu các luật chơi của golf… để từ đó có thể tư vấn cho khách hàng. “Theo nhìn nhận của tôi, các công ty lữ hành trong nước thiếu hiểu biết dẫn tới họ không đẩy mạnh mô hình này. Đây là thị trường ngách nên cần thực sự am hiểu thì mới bán được”, ông Hà nói.

Bàn về giải pháp phát huy tiềm năng du lịch golf, Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cũng chia sẻ một số hạn chế như chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Các tour golf sẽ là một trong những sản phẩm trọng yếu, cốt lõi cần xây dựng, phát triển để thúc đẩy dòng khách quốc tế từ các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn hay các quốc gia Đông Nam Á  như Thái, Malaysia… “Chúng tôi đang bàn thảo để gói giá cạnh tranh và sớm có những chuyến bay charter để đón khách Nhật Bản, khi họ mở cửa trở lại", ông Nghĩa bày tỏ.

Ảnh minh họa
Ông Hà Văn Siêu

Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch golf, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch golf đã trở thành một thị trường mang lại doanh thu cao, tạo việc làm và cơ hội cho các điểm đến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh một điểm đến an toàn hấp dẫn sẵn sàng chào đón du khách trở lại trong bối cảnh bình thường mới. Việt Nam là một trong những nơi được đánh giá là có những sân golf đẹp nhất thế giới. Từ đó, có thể thấy rõ tiềm năng lớn về du lịch golf và đã được du khách quốc tế công nhận. Trước dịch, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch golf đóng góp to lớn vào thành công chung của du lịch Việt Nam. Sau dịch, du lịch golf sẽ vẫn thu hút khách hạng sang, đẳng cấp, thân thiện với môi trường. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh du lịch golf và phải đầu tư mạnh mẽ hơn, bởi đây được coi là loại hình du lịch an toàn, tránh tập trung đông người.

Lâm Nghi