Dự đoán xu hướng công nghệ năm 2022: Tương lai nào cho Twitter, Uber và NFT?

11:04 13/12/2021

Những "gã khổng lồ" về truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến đã có một năm gặt hái thành công. Bước sang năm 2022, đâu sẽ là xu hướng dẫn đầu cuộc chơi?

NFT, Metaverse được dự đoán là những xu hướng công nghệ đình đám trong năm tới

NFT, Metaverse được dự đoán là những xu hướng công nghệ đình đám trong năm tới. (Ảnh: internet) 

Cơ hội "ngược dòng" cho Twitter

Mặc dù là một trong số những tên tuổi mạng xã hội đời đầu, Twitter không có được nguồn lợi nhuận khổng lồ như các đối thủ lớn như Facebook và Instagram. Sau một thập kỷ không có nhiều đổi mới, hiện người dùng trẻ có xu hướng tìm đến các trang mạng thú vị hơn, giới đầu tư cân nhắc rót vốn vào những tên tuổi hàng đầu, theo thời gian Twitter dường như tụt hậu phía sau cuộc chơi. 

Để thay đổi, Twitter đang thử nghiệm tính năng "Super Follows" hỗ trợ người dùng theo dõi những nhân vật họ đặc biệt yêu thích. Bắt nhịp xu hướng kiếm tiền từ Internet, nền tảng Twitter bổ sung thêm bản tin Revue, tích hợp tính năng với một số công cụ tạo ra thu nhập cho người dùng nhờ thực hiện các nhiệm vụ trên mạng. Hơn bao giờ hết, trước sự thay đổi trong cơ cấu bộ máy khi Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Jack Dorsey từ chức, 2022 là thời điểm cải thiện và bứt phá cho Twitter.

NFT đón đầu xu hướng

Dù ít hay nhiều, bất cứ người sử dụng internet nào cũng đã nghe về NFT - Mã thông báo không thể thay thế đã làm mưa làm gió trong năm 2021. NFT không giống như bất kỳ các loại mã nào khác trước đây nhờ tính độc nhất vô nhị. Công nghệ này nổi lên như một cách ghi lại "quyền sở hữu" blockchain đối với một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, chẳng hạn như các đoạn clip về các cú ghi bàn trong giải bóng rổ nhà nghề, hình ảnh đại diện,...

Những người ủng hộ xu hướng này cho biết, khả năng sở hữu các tác phẩm số hóa tạo điều kiện thực hiện công việc sáng tạo như tạo logo cho công ty, đánh dấu tài sản sở hữu trí tuệ hay đơn giản nhất là tạo hình đại diện mang đậm dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự tồn tại của NFT chỉ có ý nghĩa khi người dùng coi trọng các tác phẩm nghệ thuật được gắn mã. Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng, nếu chỉ đổ vốn mua hàng loạt sản phẩm NFT có thể dẫn đến thua lỗ lớn. Bên cạnh đó, cả người mua lẫn người bán đều phải trả phí nền tảng, số tiền này có thể lên đến hàng trăm đô la. Để giảm thiểu rủi ro nhất có thể, hãy nhớ rằng nhà cái luôn thắng. 

Uber, Deliveroo, Gig Economy được dự đoán gặp nhiều khó khăn trong năm tới

Một cách chung nhất, Gig Economy chỉ nền kinh tế nơi người lao động không làm cho các công ty truyền thống mà chuyển sang làm việc tự do, độc lập. Thay vì ngày làm 8, 9 tiếng ở cùng một chỗ, nhiều người hiện nay rời bỏ công việc văn phòng và tìm kiếm việc làm đa dạng phong phú hơn. Quy mô của nền kinh tế gig hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực giao hàng đồ ăn và tạp hóa ngày càng mở rộng khi nhu cầu trong thời kỳ đại dịch và vận chuyển tăng cao, ví dụ như Uber đã tăng từ 20% ​​đến 40% lượng giao dịch so với trước Covid-19.

Vấn đề đặt ra là những công việc này dường như không mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các công ty cung cấp dịch vụ. Uber đã tăng lương 10% nhưng vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng tài xế ở Anh, hãng đang thiếu khoảng 20 nghìn nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, mặc dù công ty báo cáo lợi nhuận trong năm 2021 nhưng khoản này không đáng kể so với số vốn hàng trăm triệu đô. 

Thị trường này cũng ghi nhận cuộc cạnh tranh lao động gay cấn giữa loạt các công ty khởi nghiệp và người chơi lâu năm như Uber. Một số startup cam kết giao hàng trong vòng 10 phút như Getir, Weezy,... cung cấp chiết khấu khủng và dịch vụ giá rẻ, cố gắng thu hút nhiều khách hàng hơn nhưng đổi lại vốn huy động là một rào cản lớn. Chuyên gia dự báo một số công ty sẽ không thể trụ vững hoặc phải hợp nhất trước khi năm 2022 kết thúc.

Công ty blockchain của Jack Dorsey

Cựu Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey yêu thích công nghệ blockchain đến mức nhiều lần bày tỏ sở hữu một công ty thanh toán Square thôi là chưa đủ. Trong những tuần cuối năm năm 2021, Dorsey đã đổi tên công ty là Block. Giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào công ty con sắp ra mắt của công ty con liên quan đến blockchain đầu năm 2022. Thung lũng Silicon cũng như nhà đồng sáng lập PayPal tỏ ra thích thú với hạng mục kinh doanh mới của Dorsey. Có thể nói sự hấp dẫn của blockchain đã đạt đến độ chín và ngày càng hấp dẫn người chơi trong ngành.

SPAC và DAO tiếp tục bùng nổ

Ngày này năm ngoái, SPAC viết tắt của các công ty mua lại có mục đích đặc biệt trở thành chủ đề thảo luận trên khắp các diễn đàn kinh tế. Đây được đánh giá là một con đường thuận lợi hơn giúp các công ty niêm yết công khai mà không phải trải qua quá trình đánh giá kéo dài, tốn kém và rủi ro như IPO truyền thống. Theo cách này, một công ty thành lập, gây quỹ và sau đó tìm kiếm startup để hợp nhất. Có nhiều ý kiến cho rằng SPAC sẽ làm suy yếu các biện pháp được thiết kế nhằm bảo vệ các nhà đầu tư. Bất chấp nhiều lo ngại, làn sóng SPAC tiếp tục đổ bộ vào các thị trường trên thế giới.

Bước sang năm 2022, Tổ chức Tự trị Phi tập trung (DAO) được dự đoán sẽ là khái niệm được sử dụng rộng rãi. Các DAO thường dùng loại tiền điện tử riêng, tạo ra một nền dân chủ trực tuyến có thể huy động vốn, bỏ phiếu, trao đổi thỏa thuận,... Những người ủng hộ coi DAO là bước tiến xây dựng mạng internet dân chủ nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây không phải là ảo tưởng và tồn tại nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. 

Metaverse thế chỗ VR

VR - Công nghệ thực tế ảo từng "hot" một thời nhưng để lại nhiều bất cập như người dùng "nhập vai" quá mức hoặc sống "cuộc sống hoàn toàn trực tuyến" với chiếc tai nghe không bao giờ rời tai. Hàng loạt khuyến cáo được đưa ra và người dùng dần xa lánh thực tế ảo. Đòi hỏi thiết bị đắt tiền nhưng nội dung nghèo nàn của VR khiến người dùng thất vọng. Nhưng với Metaverse, một dạng thực tế ảo khác được hứa hẹn mang lại trải nghiệm phong phú và lành mạnh hơn.

Podcast - Xu hướng mới cho truyền thông

Thời điểm cuối năm 2021, truyền thông thế giới đồng loạt cho ra mắt ứng dụng podcast tích hợp ngay trên trang web chính. Các nhà sản xuất và đài truyền hình chuyên nghiệp lớn rót kinh phí khủng để thực hiện các tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên Internet và người dùng có thể tải về để nghe trên các thiết bị riêng. Làm mới nội dung, đầu ra đa dạng là những điểm mạnh và làm nên thành công của tính năng podcast. 

Vấn đề lớn nhất của công nghệ này là giá cả. Chẳng hạn để đăng ký một sê ri các bản tin, giá trung bình rơi vào khoảng 4,99 bảng/tháng. Với số lượng tính theo năm thì số tiền này nhiều hơn gấp ba hoặc bốn lần so với tờ New York Times. Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch bệnh, liệu họ có sẵn sàng trả mức giá như trên hay vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

TL