Doanh nghiệp xây dựng đối mặt khó khăn kép

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xây dựng, hiện hầu hết các đơn vị trong ngành đang phải gồng mình đối phó với khó khăn kép, đó là vừa chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 như tất cả các doanh nghiệp khác, nhưng ngoài ra, riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp xây dựng còn phải chống đỡ hai cơn bão giá vật liệu tăng cao chưa từng có. Không chỉ sắt thép có lúc tăng đến 40% so với năm 2020, mà gần như tất cả các loại vật liệu đều leo thang: xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều tăng. “Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà thầu. Dù rất khó tìm việc, nhưng thậm chí trong tình trạng hiện nay nhiều nhà thầu không dám nhận việc vì không có khả năng và biện pháp gì đối phó với bão giá tăng thời gian gần đây!”. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ thực tế của ngành.

Đối mặt với khó khăn kép, doanh nghiệp xây dựng kiến nghị tháo gỡ về dòng tiền
 

Các doanh nghiệp xây dựng đang phải vật lộn với khó khăn kép chưa từng thấy.

Nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín trong ngành cho biết, cũng không thoát khỏi tác động từ cơn bão giá này. Mặc dù rất cố gắng khắc phục tình trạng phải ngưng việc do giãn cách mất vài tháng bằng những nỗ lực cao nhất để lấy lại thời gian đã mất, nhưng hầu hết cho biết chỉ đạt khoảng 75-80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của năm 2021 và tương đương với kế hoạch của năm 2020. Các ông lớn trong ngành như Delta, Fecon, Vinaconex đều chịu chung tình trạng sụt giảm. Cá biệt chỉ có Newtecons là tăng cao hơn năm 2020 khoảng 20%. Những đơn vị sụt giảm nhiều như Công ty Phục Hưng cho biết, doanh số xây lắp năm 2021 chỉ bằng 50% của năm 2020. Hay như Cotecons, mục tiêu kế hoạch của năm 2021 là doanh thu 17.500 tỷ đồng, nhưng khả năng dự kiến chỉ đạt khoảng 60% và thấp hơn rất nhiều so với năm 2020 và 2019.

Bị nợ đọng tiền, nhà thầu xây dựng đối diện nguy cơ phá sản

Theo ông Hiệp, những khó khăn trên mới chỉ là bề nổi. Vấn đề nhức nhối muôn thủa của các doanh nghiệp xây dựng là khả năng thanh toán của các chủ đầu tư. “Bình thường việc thanh toán của các chủ đầu tư đã luôn chậm trễ nhưng hiện nay do dịch bệnh, mạch tài chính của chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách bị đứt gãy, cộng với việc siết chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát rủi ro, nên khá nhiều chủ đầu tư bị tắc dòng tiền. Chủ đầu tư không vay được ngân hàng để thanh toán nên có những nhà thầu hiện đang bị chủ đầu tư nợ tới vài nghìn tỷ đồng”, ông Hiệp cho biết. Đại diện VACC cũng cho biết, tình hình bi đát đến mức khiến cho tài chính của các nhà thầu rất khó khăn, nhiều đơn vị đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trước tình trạng này, để bảo vệ các nhà thầu trong tình cảnh điêu đứng hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng thông qua VACC đồng loạt kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi nghị định về hợp đồng xây dựng theo hướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư. Cụ thể, chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán 35% cuối cùng của hợp đồng thi công. Đối với công trình chưa ký được quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì dứt khoát chưa được phép đưa vào sử dụng để tránh tình trạng công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng vài năm mà hồ sơ quyết toán vẫn chưa ký được như hiện nay.

Đề xuất loạt giải pháp gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp

Song song với đó, cần có biện pháp cụ thể để gỡ khó cho các nhà thầu trong việc chống đỡ với xu hướng tăng giá hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng và VACC kiến nghị Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Thanh tra Bộ cần thường xuyên kiểm tra việc thông báo cập nhật đơn giá của các địa phương để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà thầu bởi hiện nay, thực tế vẫn tồn tại là việc công bố thường chậm và lạc hậu so với đơn giá thực tế có nơi đến 10%. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một số vật liệu không chịu ảnh hưởng từ nguồn gốc nước ngoài nhưng vẫn bị lên giá, các cấp cơ quan quản lý cần có hướng xử lý cụ thể tìm ra nguyên nhân để khắc phục tình trạng tăng giá “tát nước theo mưa” này.

“Ngoài ra Bộ Xây dựng cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các Hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định trong bối cảnh đơn giá vật liệu chung tăng quá 3% để tháo gỡ cho các nhà thầu. Cụ thể đề nghị chỉ áp dụng hợp đồng thi công xây lắp hình thức đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói nếu thời gian thực hiện không quá 24 tháng để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu”, đại diện VACC kiến nghị. Bên cạnh đó, VACC cũng kiến nghị về đấu thầu cần xem xét điều chỉnh Luật Đấu thầu, phân biệt, tách bạch quy trình đánh giá xét thầu của các gói thầu xây lắp với các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị. Đặc biệt, việc đánh giá phải kết hợp giữa giá và các tiêu chuẩn kỹ thuật để thay thế cho phương pháp chỉ chọn giá thấp nhất nhằm tránh tình trạng phá giá gây bất ổn cho thị trường.

Với kinh nghiệm thực tiễn trên góc nhìn của nhà đầu tư, Tập đoàn Fecon cho rằng, để bảo vệ nhà thầu trước tình trạng tăng giá như hiện nay đối với các công trình có vốn nhà nước, cần thực hiện tạm ứng thanh toán tỷ lệ lớn (50%) để khơi thông dòng tiền dự án và đảm bảo mua phần lớn khối lượng vật liệu chính ngay từ đầu để tránh ảnh hưởng của trượt giá, yêu cầu nhà thầu phát hành bảo lãnh tạm ứng. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách bình ổn giá thị trường đối với các nguyên vật liệu xây dựng để đảm bảo không đội vốn đầu tư dự án. Ngoài ra, Tập đoàn này cũng đồng tình đề xuất đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, đặc biệt hồ sơ chất lượng để đẩy nhanh tiến độ thanh toán cho nhà thầu khi công trình đã hoàn thành và đảm bảo đủ bảo hành chứng minh chất lượng dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ thanh toán, đại diện Vinaconex đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệm thu thanh toán như: Phần mềm quản lý hồ sơ nghiệm thu thanh toán; Cho phép bảo vệ online, file mềm, chữ ký số… thay cho hồ sơ bản in, trao đổi trực tuyến thay cho trao đổi trực tiếp, để đẩy nhanh công tác hồ sơ nghiệm thu phục vụ giải ngân; Quy định rõ thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ (tiếp nhận, kiểm tra, phản hồi, phê duyệt). Cũng theo Vinaconex, cần bổ sung áp dụng chính sách tạm ứng khối lượng hoàn thành hiện nay vốn chưa có quy định rõ ràng, áp dụng tạm ứng vật liệu dự trữ, cấu kiện bán thành phẩm một cách linh hoạt để hỗ trợ nhà thầu trong các trường hợp đặc thù, ví dụ trong tình trạng ảnh hưởng bởi dịch Covid, khan hiếm nguồn cung ứng cho phép nhà thầu tạm ứng bổ sung để thực hiện mua vật liệu tạm trữ…/.