Bài liên quan |
Cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu Việt |
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đứng đầu danh sách nợ thuế tại Hà Nội |
Những yếu tố tác động tới doanh nghiệp
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra vào tháng 9/2024 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đã làm gián đoạn hoạt động thi công của nhiều công trình xây dựng, bên cạnh đó, nhiều công trình nhà ở, nhà xưởng sản xuất… bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa và xây dựng mới ngay trong quý IV/2024 để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân cũng như phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh (SXKD) cho doanh nghiệp. Do vậy, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý IV/2024 được nhận định tốt hơn quý III/2024 với 29,9% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 43,8% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 26,3% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý I/2025 so với quý IV/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định khó khăn hơn với 22,7% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 45,9% nhận định giữ ổn định và 31,4% dự báo khó khăn hơn.
Đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng dựa trên các chỉ số cân bằng. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (hợp đồng xây dựng mới, vay vốn phục vụ SXKD, chi phí sản xuất, sử dụng lao động) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng dự báo thận trọng vào diễn biến năm 2025. |
Chỉ số cân bằng xu hướng SXKD ngành xây dựng quý IV/2024 so với quý III/2024 là 3,6%; trong đó, 29,9% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn và 26,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý IV/2024 so với quý III/2024 là 3,8% (25,5% doanh nghiệp nhận định tăng; 21,7% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý I/2025 so với quý IV/2024 khó khăn hơn với -3,1% (22,2% doanh nghiệp dự báo tăng; 25,3% doanh nghiệp dự báo giảm).
Theo ngành kinh tế, quý IV/2024 so với quý III/2024, doanh nghiệp xây dựng nhà các loại (gồm xây dựng nhà để ở, nhà xưởng, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ga hàng không, nhà kho, khu thể thao trong nhà, …) có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới khả quan nhất với 7,2%; doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng 6,0%; doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng -3,1%. Quý I/2025, các doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng dự báo chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới so với quý IV/2024 cao nhất với -1,4%; doanh nghiệp xây dựng nhà các loại -1,7% và doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng -7,2%.
Hai yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng là hợp đồng xây dựng mới và nguyên vật liệu xây dựng. Theo kết quả khảo sát quý IV/2024, có 45,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; có 44,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới.
Bên cạnh đó, một số yếu tố đầu vào khác có ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng như: Về nguồn vốn, có 21,8% doanh nghiệp khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 26,3% doanh nghiệp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn, làm ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp.
Về lao động, 13,2% doanh nghiệp khó khăn do không tuyển được lao động theo yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do đặc thù về công việc, một số vị trí yêu cầu về trình độ chuyên môn cao nhưng do phần lớn doanh nghiệp xây dựng có quy mô nhỏ, chế độ đãi ngộ không thể cạnh tranh được được với các doanh nghiệp, nhà thầu lớn nên không thể ký được được hợp đồng lao động dài hạn; nguồn lao động thời vụ không ổn định, lao động tại địa phương còn dè chừng với những doanh nghiệp ngoài tỉnh do lo sợ về việc thanh toán lương, thưởng,...
Về nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, 15,9% doanh nghiệp khó khăn do thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu xây dựng như không có sự ổn định về giá cả, không cung cấp kịp thời khối lượng nguyên vật liệu cho công trình.
Một số yếu tố khách quan ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng, cụ thể: có 18,6% doanh nghiệp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi; 18,1% doanh nghiệp khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; 16,9% khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm; 11,6% doanh nghiệp khó khăn do không biết đến các thông tin đấu thầu nên làm giảm cơ hội ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới.
Về nội lực của doanh nghiệp, có 26,2% doanh nghiệp khó khăn do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc đấu thầu và ký kết các hợp đồng xây dựng mới.
Nhiều nhóm kiến nghị
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể: Có 46,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; 42,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 40,7% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 34,6% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 27,1% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 26,8% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD.
Thận trọng với diễn biến 2025, doanh nghiệp xây dựng mong được trợ lực. |
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương:
Thứ nhất, các doanh nghiệp nhận định trong năm 2025, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý để cấp phép các dự án cũ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng được ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà thầu xây dựng mong muốn thông tin về các dự án, gói thầu xây dựng được công khai, minh bạch hơn nữa.
Thứ hai, năng lực nội tại của nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tham gia đấu thầu các dự án lớn. Vì vậy, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng rất mong muốn được tạo điều kiện để tham gia các hạng mục xây dựng nhỏ tại địa phương, nhất là những dự án từ nguồn ngân sách địa phương quản lý.
Thứ ba, doanh nghiệp tiếp tục mong muốn được cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các giao dịch, thủ tục giấy tờ. Hướng dẫn chi tiết, phản hồi nhanh các hồ sơ, giấy tờ của doanh nghiệp đã nộp để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, hoàn tất thủ tục nhanh chóng để triển khai công việc kịp thời và hiệu quả.