Đứng mũi chịu sào
Người đang kinh doanh thành đạt thường thì họ không biết khoe mình. Tổng giám đốc Đặng Xuân Huề là một con người như thế. Mấy lần tôi gặp ông, bao giờ trong câu chuyện thì ông thật vui, nào là chuyện bạn bè, chuyện xã hội, chuyện thế thời. Nhưng hễ hỏi vào công việc đang làm ông từ chối khéo. Qua mỗi lần gặp gỡ, luôn cảm nhận trong tôi, ông là một người sâu sắc, chín chắn và giàu cương nghị. Năm nay sắp bước sang tuổi bảy mươi rồi mà nhiều công việc đè níu hai vai, buộc ông phải luôn tự biết quay trở mình.
Còn nhớ, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình được chuyển đổi theo mô hình cổ phần hóa doanh nghiệp theo QĐ số 3963 ngày 28/12/2005 của UBND tỉnh Quảng Bình. Sau cổ phần hóa, Công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn với số nợ mà doanh nghiệp Nhà nước để lại xấp xỉ 40 tỷ đồng. Sau cổ phần hóa, hầu hết cán bộ chủ chốt của Công ty người đủ tuổi nghỉ hưu đã đành, có người chưa đủ tuổi thấy cơ ngơi khó khăn đã “bỏ của chạy lấy người”. Lúc bấy giờ, ông Đặng Xuân Huề là Phó Giám đốc công ty, được Đại hội đồng cổ đông bầu làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc. Đại hội Đảng bộ Công ty lại bầu ông giữ chức Bí thư Đảng ủy. Khi Đại hội đồng cổ đông chọn ông giữ ba đầu mối quan trọng là lúc Công ty vô cùng khó khăn. Tình trạng kinh tế tỉnh Quảng Bình so với nhiều tỉnh bạn đang chậm phát triển. Công ty của ông soát lại trong tình hình chung vẫn khó khăn nhất là nợ nần và thiếu vốn làm ăn. Thì dân gian vẫn dạy “Giàu kép hẹp đơn”, Công ty mang tiếng hai chữ Xuất, Nhập khẩu mà còn khó nhận ra được mình “Giàu” hay “Hẹp”.
Đã có lần trong lúc chuyện trò, tôi đặt câu hỏi để muốn biết khi khó khăn về vốn và thiết bị sản xuất thì tháo gỡ thế nào? Ông Đặng Xuân Huề đã từ tốn trả lời: Trong “cái khó ló cái khôn”. Cách tạo vốn tốt nhất trước hết là tự mình tháo gỡ, nghĩa là “mình hãy tự cứu lấy mình” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng nói Khi nước ta bắt đầu có phong trào đổi mới, nhất là trong quản lý xã hội về cách làm ăn để phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh và một thời kỳ dài dưới thời bao cấp. Rồi “nhiều tay vỗ lên bộp”, phát động toàn công ty góp vốn, kẻ ít người nhiều. Mọi người xem góp vốn như là cái cách góp niềm tin cho mình vậy. Có như thế mới làm được việc chơ anh!- Thưa anh. Tôi bất thần hỏi cắt ngang lời ông - Hình như ngày trước, khi vào nghề kinh doanh, được biết ông chưa thuận lợi công việc lắm? Ông ngước mặt nhìn tôi cười rồi chậm rải trả lời dứt khoát. – Đúng vậy. Điểm xuất phát của tôi là học trung cấp cảnh sát Trung ương, trường đóng ở Ba Vì Hà Tây. Sau khi cầm được chìa khóa mở cửa vào ngành kinh doanh tôi mới bước vào Trường Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội chuyên ngành Quản lý kinh tế. – Anh nở một nụ cười khép kín và tiếp: - Thực ra, tôi không bơi ngược dòng mà rẽ dòng. Bạn bè thời ấy ai nghe tin tôi rẽ dòng cũng đem lòng kinh ngạc. Nghe ông Huề nói, bản thân tôi cũng thấy sự rẽ dòng của ông thật kì diệu. Bởi trước đó, ở ngành Công an ông từng làm thư kí cho ông Trần Đình Luyến Phó Giám đốc Công an Quảng Bình. Sau đại hội tỉnh Đảng bộ, ông Trần Đình Luyến trúng cử, chuyển sang giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy. Trước đó, ông Huề cũng đã một thời làm thư ký riêng cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Đức, trưởng đoàn Chuyên gia an ninh PhonomPenh – Căm pu chia. Vậy là nghiệp vụ của ông một thời kì dài cầm bút chuyên làm lính văn phòng. Ấy mà, khi rẽ dòng từ một tổ trưởng nghiệp vụ kinh doanh hàng xuất khẩu công ty ngoại thương cấp huyện, ông đã bước đi từng bước thật vững chắc để hôm nay là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công Ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình với vai trò “Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược”.
Trăn trở tìm thương hiệu
Sự mạnh dạn thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ một doanh nghiệp nhà nước đang lao đao, tìm cách tháo gỡ với số nợ xấp xỉ 40 tỉ đồng, lại đang hoạt động mô hình sản xuất kinh doanh từ đa ngành, đa nghề, buôn bán dịch vụ kém hiệu quả không hề đơn giản. Do đó đòi hỏi phải chuyển cách làm ăn mới. Tức là chuyển sang khai thác khoáng sản và kinh doanh thêm mộ số mặt hàng khác như cao su, gỗ… Sự đổi thay mới mẻ này làm cho nhiều người trong công ty chưa trấn an mình kịp thì bồn chồn lo lắng. Nhưng khi tự xác định mình là người “đứng mũi chịu sào”, ông Đặng Xuân Huề trên cương vị lãnh đạo cao nhất và người chịu trách nhiệm trước pháp luật nên ông luôn nắm chắc chìa khóa, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng của chính quyền và mở vòng tay ôm các tổ chức đoàn thể kiện toàn quán xuyến trong mọi công việc. Ông xem công ty như một cổ máy lớn chỉ cần biết một tay mở chìa khóa, một tay bấm nút là tất cả mọi bộ phận nhịp nhàng hoạt động. Và muốn được vậy thì phải điều hành bằng quy chế và các nghị quyết đúng để tất cả cùng quyết tâm, đưa cao nắm tay đi đến sự nhất quán. Như vậy, điều quan trọng là cần người mở chìa khóa ra bấm nút không run tay thể hiện sự chuẩn mực, tạo thế vững chắc để toàn công ty tựa lưng khi đã gửi gắm niềm tin tuyệt đối.
Có dịp đến công ty, tôi đã gặp gỡ một số cán bộ, người nào cũng bộc lộ tình cảm của mình bằng những lời tâm sự chân thành. Tôi biết, khi một công ty nhà nước nặng guồng máy bao cấp đang tình trạng rệu rã, chuyển sang hoạt động theo một cơ chế mới nghĩa là những gì còn rỉ rét chưa tự vận hành được làm cho nhiều người hoang mang, lòng luôn luôn đặt câu hỏi, không hiểu lãnh đạo sẽ tháo gỡ khó khăn thế nào để có thể vực dậy công ty. Anh Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng kế toán, ban đầu nghe tôi đặt vấn đề thì chần chừ chưa muốn bày tỏ. Nhưng khi thấy tôi vui vẻ nhắc đến vai trò ông Đặng Xuân Huề thì ông bộc bạch suy nghĩ của mình. Anh nói: - Ông Đặng Xuân Huề quyết định vực dậy công ty, trước hết là tự ông thế chấp đất đai, nhà cửa, vay tiền bạn bè, người thân của ông để đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản, cũng như định hướng lại mô hình kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu. Từng bước, từng bước dần dần cho thấy thành công. Thực tế ấy làm cho mọi người hắt nhẹ được hơi thở bị nén trong lồng ngực. Nghe sự đánh giá chân thành của vị trưởng phòng kế toán, nhiều anh chị em cũng mạnh dạn cho tôi những nhận xét khác nữa. Nhờ sự gương mẫu của người lãnh đạo để có “đầu đi” nên “đuôi lọt”. Nhiều cán bộ công nhân viên, cũng học tập ông Đăng Xuân Huề, kẻ ít, người nhiều tự nguyện góp vốn, nhằm giải quyết bước đầu cho công ty tháo gỡ dần khó khăn. Chị Trần Thị Lệ Hướng, phó phòng kế toán cũng tâm sự góp những lời chân thành. Chị nói rất hình tượng để khẳng định thêm niềm tin của mình: - Anh ơi! Cuộc đời mỗi người thật lắm ngả ba. Có những ngả ba nếu chọn nhầm lối rẽ ta còn có cơ hội quay trở lại, làm lại. Có ngả ba, nếu lạc đường, một đời ta ân hận. Cuộc đời tôi có một ngả ba như thế. Rồi chị tự ân hận với mình: - Tôi đã nhùng nhằng ở ngả ba ấy, nhưng thật may tôi không chọn nhầm. Cách nói chuyện của chị Hướng cứ cuốn hút tôi, buộc tôi chăm chú lắng nghe. Chị sử dụng cách nói chuyện theo kiểu đòn bẩy để đánh giá người lãnh đạo đương nhiệm của mình. – Đã hơn mười bảy năm, kể từ buổi chiều tâm sự với giám đốc Đặng Xuân Huề, giờ ngẫm lại, niềm tin của mình đã đặt đúng chỗ. Cái ngả ba đường quan trọng của cuộc đời, dẫu có phân vân nhưng rốt cục tôi đã chọn đúng hướng. Gặp người thân, tôi thường kể chuyện về cái ngả ba đường ngày ấy trong niềm xúc động, tự hào về Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình.
Đúng là, khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp Nhà nước, thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ đa ngành, đa nghề, buôn bán dịch vụ kém hiệu quả, sang khai thác các loại khoáng sản, như một sự lột xác, trong đó có những đớn đau, những dằn vặt, trăn trở. Nói đúng hơn là đứng trước những thách thức mới của cơ chế thị trường, khi công ty đang cuộn mình trong cái vỏ bao cấp còn chưa rõ lối đi, chưa ai hình dung được mô hình mới sẽ ra sao. Nhưng khi bước chập chững được rồi, lại dò dẫm bước đi. Sự bắt đầu từ ông Đặng Xuân Huề, cùng tập thể lãnh đạo công ty, bằng cách mở rộng sản xuất, đến sắp xếp đổi mới tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bước đi nào cũng cần thiết nhưng không hề dễ dàng. Cho nên, từng bước đi, mình phải biết lắng nghe mình, dần dần củng cố được niềm tin, niềm tin cho thấy, đó là khả năng kinh doanh khai thác titan thế mạnh tài nguyên khoáng sản trong tỉnh đang có, thị trường lại đang cần. Bước đầu đảm bảo cho người lao động có thu nhập, công việc ổn định, rồi thu nhập hàng năm được tăng lên làm cho tất thảy mọi người đều chung niềm phấn khởi. Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong nước và quốc tế. Với trong nước thì khai thác đá xây dựng. Đá xây dựng là nhu cầu thiết dụng rộng rãi, trong hệ thống nâng cao công trình nhà ở, công trình giao thông, hoàn chỉnh dần từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi cũng như miền núi, các công trình phúc lợi xã hội nhiều nơi mọc lên…Sản phẩm đá xây dựng mà công ty cung cấp, cũng vì thế mà được đa dạng hơn về chủng loại, đảm bảo chất lượng tốt nhất để nâng cao tính cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành. Cho nên công ty sản xuất phải đủ, gồm đá gộc, đá bây, đá 0x5, đá 1x2, đá 4x6…Với khai thác quặng titan thì cần học kỹ thuật chế biến nhằm đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đây là một loại khoáng sản quý hiếm ưu ái có được trên đất Quảng Bình mà từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào khai thác. Ti tan là một loại khoáng sản đắc dụng trong mọi nghề, từ công nghiệp nặng cho đến các đồ dùng thời trang phù hợp. Trong thời đại công nghệ mới, ngày luôn luôn phát triển, titan có một nhu cầu lớn ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau mà chúng ta vẫn còn ít biết đến. Chẳng hạn như, trong xây dựng đang cần là bình thường, nhưng trong chế tạo máy bay rất cần, trong công nghệ luyện kim càng cần, trong công nghệ hóa chất không thể thiếu titan. Rồi các dụng cụ điện, điện lạnh dân dụng… Nhưng đặc biệt là công nghệ chế tạo máy bay. Các nước phát triển khoa học vũ trụ thì không thể thiếu gương mặt titan được. Và, như vậy để chúng ta thấy, công ty đã hoạt động đúng hướng vì titan và các sản phẩm cần ti tan ngày càng ứng dụng rộng rãi. Có sản phẩm ti tan, Công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình trở thành một thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế góp một phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển ngành khoáng sản Việt Nam.
Việc phát triển sản phẩm chính, mới của công ty cũng không hề dễ. Một sản phẩm từ đá núi, một sản phẩm từ cát biển, các quy trình khai thác không giống nhau nên việc trang bị kỹ thuật đòi hỏi vốn lớn. Việc điều hành theo dõi khai thác trước tiên phải đảm bảo tính khoa học. Lại còn đảm bảo hoạt động khai thác trong phạm vi được cấp phép, tuân thủ quy trình khai thác, xả thải. Khai thác rồi thì hoàn trả để mặt bằng địa hình không bị xáo trộn, phải trồng lại cây xanh, chống sạt lở những tuyến đường vận chuyển hàng hóa, luôn bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động…
Ngôi nhà hạnh phúc thứ hai
Tôi biết khi bản thân ông Đặng Xuân Huề giữ nhiều trọng trách thì đã nhiều đêm ông không ngủ. Bởi mỗi chức trách ông gánh vác không đổ đồng chung chung, dù luôn nghĩ đó là trách nhiệm xã hội. Một tổ chức bất kì nào trong công ty cũng đều có đủ lứa tuổi, giới tính, có từng hoàn cảnh riêng không ai giống ai. Kinh doanh là việc chung, nhưng từng khâu trong kinh doanh rất cần con mắt tinh đời để sắp đặt bố trí được phù hợp. Như mỗi hòn đá xây dựng công trình người thợ đặt đúng vị trí của nó sẽ tạo cho ngôi nhà thêm chắc chắn vững bền. Và, biết thu tóm lại mọi hoạt động chung, hay từng vị trí nào thì cũng không ngoài tổ chức tốt đời sống cho người lao động. Đó là mục tiêu hàng đầu. Bởi như dân gian vẫn nói đầu cửa miệng “Có thực mới vực được đạo”. Tôi đã đọc bản báo cáo thành tích đề nghi tặng bằng khen của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình gửi Chủ tịch VCCI trong tháng 2 năm 2023.
Tính từ khi Công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình thành lập đến nay là 34 năm và từ khi chuyển đổi thành Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình thì cũng đã hơn 17 năm. Trải qua 17 năm, đã 9 lần xin thay đổi giấy phép kinh doanh. Lần đầu là ngày 12 tháng 4 năm 2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình cấp. Và ngày 14 tháng 6 măm 2020 là lần thứ 9 cũng do Sở Kế hoach và Đầu tư Quảng Bình cấp. Thay đổi giấy phép nhiều lần, đó là một minh chứng cho sự trăn trở, vặn mình lột xác để có được sự hoàn thiện như hôm nay không hề dễ. Nhiệm vụ công ty phải thực hiện đáp ứng theo giấy phép hiện nay là: Kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp các mặt hàng nông, lâm, hải sản; các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, bách hóa tổng hợp, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị giao thông vận tải; khai thác chế biến kinh doanh titan, khai thác khoáng sản cát, đá xây dựng, vàng sa khoáng, sản xuất than xanh. Toàn công ty bước đầu có 138 cán bộ và lao động hoạt động trong 5 đơn vị trực thuộc và liên doanh. Trong đó tổ chức Đảng có 3 chi bộ, có Hội đồng quản trị và Ban Tổng Giám đốc, có tổ chức Công đoàn, Hội CCB, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tổ chức được như vậy thể hiện tính dân chủ trong công ty rất rõ nét.
Khi nhận xét về Tổng giám đốc của mình, chị Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Nhân chính vui vẻ nói: Ông có lối nói chuyện hay, thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Ngôn từ phong phú, chuẩn mực và cách lý giải, phân tích vấn đề sắc bén. Những nội dung ông phát biểu, chỉ đạo, điều hành về công việc hay những chia sẽ chân tình đều chặt chẽ, logic, sống động và dễ hiểu. Nghe xong tôi cười thoải mái rồi nói với chị: - Những điều chị nhận xét về ông chủ của mình là chuẩn rồi, điều tôi muốn biết thêm là nhận xét của chị về những việc làm của ông để vực dậy Công ty mình đứng vững kia! Chị Lan Hương không ngờ tôi nêu vấn đề với chị là cần điều cụ thể, chị cùng cười rồi tiếp lời bằng tất cả sự chân thành bộc lộ ra mà bấy lâu nay chị cất dấu trong lòng. Chị chậm rải: - Đã hơn mười bảy năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ lại những ngày đầu cổ phần hóa. Đến công ty người này nhìn người kia không ai dám thổ lộ với ai, vì cũng chung một tâm trạng bất an. Nhưng hôm nay không khí đó hoàn toàn khác, trên khuôn mặt mọi người đều đã toát lên vẻ rạng ngời. Bởi công ty mình đã vượt qua một chặng đường cam go, nhưng rất đổi vinh quang. Không chỉ mình tôi mà rất nhiều người đã cảm nhận được công ty chính là ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của mình. Ngừng một lúc, chị tiếp luôn: - Được sống, làm việc, phục vụ bên cạnh ông, tôi càng hiểu hơn về vai trò và tầm vóc của một người lãnh đạo trong thời kì hội nhập. Bên cạnh sự nể phục về một con người tài giỏi, uyên thâm, tôi còn cảm nhận ở ông một người sống mẫu mực, tình cảm nhiệt thành. Nghe chị nói xong những lời ấy, tôi đã thốt thành lời: - Nhận xét của chị tuyệt vời quá! Khó mà tìm được đơn vị thứ hai trên đất Quảng Bình có một đoàn viên công đoàn lại bộc lộ thành lời “Công ty chính là ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của mình” như chị Lan Hương vậy! Dù ngôi nhà hạnh phúc thứ nhất chị không nói ra cụ thể nhưng ai cũng hiểu được ngôi nhà hạnh phúc thứ nhất của chị là chồng, là con đang sống trong yên vui và đầm ấm. Cuộc sống vui và đầm ấm ấy của chị Lan Hương có một phần không nhỏ do công ty đem lại. Còn ngôi nhà hạnh phúc thứ hai ở đó là việc làm ổn định, là sức lao động đổ ra để hàng tháng nhận về một con số thu nhập đáng kể. Chị bảo: - “Và tôi nghĩ, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của Tổng giám đốc Đặng Xuân Huề”!.
Không riêng gì tôi, mà bất cứ ai đã từng tiếp xúc và làm việc với ông Đặng Xuân Huề đều có chung cảm nhận, người làm kinh tế mà tâm giàu chất nhân văn. Cái tâm tỏa sáng bổ trợ cho con mắt biết nhìn tới tầm xa. Có thể nói, ông là nhà quản lí có tâm và có tài. Điều có tâm của ông làm tôi nhớ lại lời của Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Văn Tăng ở Hội Di Sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình mấy năm trước khi nói về sự kiện mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hưng được Hội Di sản văn hóa Tỉnh Quảng Bình suy tôn là nghệ nhân dân gian của Tỉnh năm 2014 về thể loại Ca trù di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Ông Tăng nói: - Làm kinh doanh như ông Huề mà khi bà mẹ đã qua đời được phong danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, ông và công ty đã bỏ công sức tổ chức lễ tôn vinh hương hồn Bà tại quê nhà Châu Hóa Tuyên hóa, được bà con toàn xã đến chia vui. Một lễ tôn vinh thật có ý nghĩa xã hội. Còn có tài với ông, là trước khó khăn chung của xã hội, ông đã vững lái công ty mình trước sóng to, với những quyết sách táo bạo và đúng hướng để đi đến những thành công như hôm nay. Một lần gặp, đang khi vui, tôi hỏi ông: - Trước trách nhiệm một nhà cầm quân làm kinh tế, ông có suy nghĩ thế nào. Ông không vội vàng trả lời, nhìn tôi với đôi mắt đầy tự tin và nụ cười hiện lên khuôn mặt bạnh vuông rám nắng rồi thông thả nói: - Các chức danh cao quý mà đại hội cổ đông và các đại hội khác đã bầu cho tôi, giúp tôi ý thức được rằng: Những người bám trụ công ty cùng tôi đến nay trong những lúc nước sôi lửa bỏng họ đã nhìn thấy được người lãnh đạo của họ thế nào chơ!. Rồi, như để đi đúng trọng tâm câu hỏi tôi đặt ra, ông tâm sự: - Là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc công ty, Tôi xác định, quyền lợi của doanh nghiệp làm chỗ dựa cho công tác xây dựng Đảng để tạo thế bền vững cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, phải lấy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm chỗ dựa cho công tác xây dựng Đảng, đồng thời khi làm tốt công tác xây dựng Đảng thì tạo được bền vững cho sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp.
Vậy là cả ba đầu mối chính của công ty đã dồn lên vai ông. Giải quyết ba mối quan hệ này như thế nào để được sự nhuần nhụy, khi ngày ngày ông cũng chỉ ngồi vào một chiếc bàn nhỏ làm việc ở công ty. Chắc chắn lúc này ông đã lấy tấm gương người bố của ông là thầy giáo Đặng Phàn, từ một giáo viên dạy giỏi bộ môn chính trị, ông đã có thâm niên 20 năm với cương vị Hiệu trưởng trường cấp 3 Tuyên Hóa và cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Đây là hai ngôi trường lớn có tiếng của tỉnh Quảng Bình thời đó. Ông đã quản lý một đội ngũ đông đảo giáo viên và hàng ngàn học sinh vượt qua gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mỹ và nhiều khó khăn, thiếu thốn thời hậu chiến. Như bố ông, bây giờ ông đã có thể tạo sự cân phân, khi xử lí một công việc gì bằng sự trầm tĩnh. Tôi được ông tâm sự bằng nỗi niềm cởi mở bởi cách lí giải thấu tình đạt lí rằng: - Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của công ty và người chịu trách nhiệm trước pháp luật, tôi đã luôn phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, của chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong mọi công việc. Điều hành mọi hoạt động của công ty bằng quy chế và các nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Tạo bước vững cho hành trình dài
Để chọn thế đứng cho công ty, khoảng thời gian hơn mười bảy năm và chín lần làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động. Mỗi lần cấp giấy phép là bao nhiêu thủ tục rườm rà phải tuân thủ. Hoạt động kinh tế trong cơ chế thị trường nó nghiệt ngã, buộc con người phải biết xoay trở, phải tự mình biết mình, biết ta, biết quyết đoán, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đương đầu với thách thức gian khó, và cuối cùng là đặt niềm tin mãnh liệt vào sự thành công. “Thương trường cũng giống như chiến trường” đánh giá của các nhà chiến lược kinh tế quá đúng. Vì vậy, chọn thế đứng cho mình không phải chỉ để đứng mà để tạo bước đi cho hành trình dài. Chỉ cần nhìn năm năm gần đây, từ năm 2017 đến năm 2022, lấy vài con số đối chiếu để thấy hành trình công ty có từng bước đi thật vững vàng. Nếu năm 2017 toàn công ty hoạt động doanh thu đạt 56 tỉ đồng, năm 2018 doanh thu tăng lên 62 tỉ đồng. Năm 2017, mức lương hàng tháng trung bình là 6,5 triệu đồng, thì năm 2022 tăng lên 14,9 triệu đồng/người/ tháng. Trên 17 năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, doanh nhân Đặng Xuân Huề đã nhận được rất nhiều bằng khen của các Bộ, Ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Bình. Năm 2013, ông là Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình và cũng là Doanh nhân tiêu biểu khối doanh nghiệp địa phương được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen. Năm 2014, ông nằm trong “Top 100 nhà quản lý xuất sắc ASEAN”. Năm 2015, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam trao bằng chứng nhận “Doanh nhân Văn hóa Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam bình chọn. Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài, nhân lực vinh danh “Nhân tài đất Việt thời kỳ đổi mới”. Tổ chức UNESCO công nhận “Nhà quản lý giỏi UNESCO năm 2015”. Năm 2016, ông được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Hội đồng Trung uwonhg các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”. Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2018, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba. Năm 2019, ông nằm trong “Top 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng doanh nghiệp ông Bằng khen vì “tiếp tục đứng trong Top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất tỉnh”. Năm 2020, ông tiếp tục được bình chọn “Doanh nhân xuất sắc đất Việt năm 2020” của Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực. Năm 2021, doanh nghiệp của ông được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình về thành tích nằm trong Top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất tỉnh. Năm 2022, ông được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ vinh danh “Top 60 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”.
Nhiều năm qua, công ty đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp các loại thuế đầy đủ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Bình. Ông Đặng Xuân Huề đã có lần tâm sự: “Chúng ta đang sống trong thời kì toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có các nền kinh tế, doanh nghiệp trên thế giới đang vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không phải chỉ nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế chính là cạnh tranh về văn hóa trong đó đạo đức kinh doanh là một yếu tố có ý nghĩa quyết định”.
Lời tâm sự của một doanh nhân, mỗi chúng ta nghe, xem như là một xung lực mới, một báo hiệu có tính cầu nối để rồi đây hàng Việt trên đất Quảng Bình có chất lượng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn có thể vươn tới các quốc gia trên thế giới, đưa Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình tiếp tục cuộc hành trình đến những bến bờ xa.
H.T.L