“Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới”

10:46 03/10/2023

Dù lãi suất tiết kiệm liên tục giảm trong thời gian qua nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn chưa về mức kỳ vọng của thị trường. Giới chuyên gia cho rằng, mức lãi hiện nay của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhìn chung, mức lãi suất vay ngân hàng hiện đang có xu hướng giảm, tích cực góp phần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà Nước tổng cộng đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành.

Điều này trực tiếp góp phần khiến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm theo. Cụ thể, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm sâu, từ 1 - 1.15% cho lãi suất huy động và giảm 1.5 - 2% cho mức lãi suất cho vay. Các ngân hàng còn lại đều có mức giảm bình quân từ 0.5 - 0.65%. Việc giảm lãi suất ngân hàng giúp khuyến khích người dân vay vốn từ ngân hàng và mang trở lại lưu thông.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Trong thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng thương mại cũng đã giảm khoảng 1 - 2% so với hồi đầu năm.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, lãi suất vay ngân hàng mua nhà trong tháng 8 tại các ngân hàng hiện dao động từ 4,99 - 11,8%/năm.

Hiện lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay thuộc về PVcomBank với mức lãi suất lên tới 11%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Đây được coi là mức lãi suất dẫn đầu thị trường hiện nay.

Ngay sau đó là HDBank với mức lãi suất 9,1%/năm cho kỳ hạn gửi 13 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 300 tỉ đồng.

BacABank giữ nguyên lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng là 4,75%. Tuy nhiên, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm từ 6,2% xuống 5,9%, kỳ hạn 12 tháng từ 6,3% xuống 6,1% và kỳ hạn 24 tháng từ 6,4% xuống 6,25%. Như vậy, mức giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dao động từ 0,1-0,15 điểm % và kỳ hạn dài dao động từ 0,05-0,15 điểm %.

Tương tự, OceanBank cũng giảm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi. Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng lãi suất giảm từ 5,8% xuống 5,7%, kỳ hạn 12 tháng từ 6,1% xuống 6% và kỳ hạn 24 tháng giữ nguyên 6,4%.

Tại SCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng không thay đổi, vẫn giữ nguyên ở mức 4,75%. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,35% xuống còn 5,75%, giảm 0,6 điểm %. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giảm từ 6,45% xuống còn 6,05%, giảm 0,4 điểm %. Riêng kỳ hạn 24 tháng không thay đổi, vẫn giữ nguyên mức 6,05%.

Tại Techcombank, lãi suất dành cho khách hàng Private VIP có số dư trên 5 tỉ đồng cùng giảm. Cụ thể, lãi suất kì hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm %, từ 3,9% xuống còn 3,8%. Lãi suất kì hạn 6 tháng cũng giảm 0,1 điểm %, từ 5,2% xuống còn 5,1%. Đáng chú ý, lãi suất kì hạn 12 tháng và 24 tháng giảm mạnh hơn, cùng 0,2 điểm %, lần lượt từ 5,8% xuống 5,6%.

Ảnh minh họa
Bảng lãi suất vay thế chấp theo kỳ hạn.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới”.

Ông Nghĩa tính toán, Việt Nam đang duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 3% nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới, lãi suất cho vay trung bình đang ở mức 10%. Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, mức lạm phát ở Mỹ tháng 9/2022 là 8,2% nhưng lãi suất cho vay vẫn quanh mức 2,5%.

Vị chuyên gia này phân tích, lãi suất cao đồng nghĩa với việc tài chính của doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các kênh dẫn vốn đều đình trệ. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa chịu lãi suất cao, vừa chịu áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái.

“Điều này chứng tỏ các nhà hoạch định chính sách, các công cụ điều hành kinh tế vĩ mô có vấn đề, không phải do doanh nghiệp hay nền kinh tế. Đây là điều chúng ta cần khắc phục bằng mọi cách”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Theo ông Nghĩa, hiện nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản với biểu hiện chiếm dụng vốn lẫn nhau cùng khối lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Điều đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng. Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại, lý do là dòng tiền quay trở lại ngân hàng chậm, ở cả khu vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ.

Thanh khoản chậm ở khu vực ngân hàng kết hợp với sự trầm lắng của thị trường trái phiếu, kéo theo sự đình trệ của lĩnh vực bất động sản. Mặc dù sự trầm lắng đối với lĩnh vực bất động sản còn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhưng vấn đề dòng vốn yếu, thanh khoản thấp là một trong những nguyên nhân lớn. Nhìn chung, vấn đề khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế.

Lý giải nguyên nhân khiến cung tiền thấp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, tiền ngân sách chưa được giải ngân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. “Hệ thống ngân hàng chủ yếu là Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang nắm giữ gần 1 triệu tỷ đồng tiền đầu tư công của Chính phủ nhưng không được phép cho vay”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước bán khối lượng ngoại tệ rất lớn, trên 20 tỷ USD, hút về trên 500.000 tỷ trong lưu thông về ngân hàng, dẫn đến tình trạng lãi suất liên ngân hàng tăng cao, khoảng 7,3%/năm và cá biệt có ngày lên tới 8,3%/năm. Việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền từ lưu thông về là do lo ngại lạm phát, đặc biệt là về tỷ giá hối đoái.

Ông cho biết thêm, tính từ đầu năm đến đầu tháng 10, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP tăng khoảng 11%. Giả định vòng quay tiền không đổi, nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường.

Rất may, trong quý I, quý II và nửa đầu quý III/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế đang rất yếu trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng nhanh, đặt thêm gánh nặng lên vai các doanh nghiệp.

Mặc dù, người gửi tiền trong ngắn hạn được hưởng lợi rất lớn nhưng đằng sau đó là nguy cơ nợ xấu. Nếu không bơm tiền vào lưu thông, việc các ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động chắc chắn sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng cao hơn nữa.

Nghệ Nhân