Bộ Tài chính cho biết, kể từ sau khi các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gặp khó khăn, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp phát hành, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp ổn định và phát triển thị trường minh bạch, bền vững, tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra liên quan đến TPDN tại các doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ; có nhiều văn bản đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn tạm thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm thời gian đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu có phương án tái cơ cấu các khoản nợ.
Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Trước đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giá (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023;
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023;
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
Có các biện pháp, giải pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tiễn, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sė", theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiều bằng tài sản, bất động sản…
PV (t/h)