Doanh nghiệp ngành thép liên tục gặp 'nạn' tại các thị trường xuất khẩu

11:25 23/02/2021

Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thép được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm 2021, các mặt hàng thép Việt đã liêp tiếp vướng vào ma trận phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.

Nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu, thực thi nhiều cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đồng nghĩa sự “va chạm” với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là điều khó tránh. 

Điển hình tại thị trường xuất khẩu thép tiềm năng là Malaysia, mới đây nhất, cuối tháng 1/2021, nước này quyết định áp mức thuế 7,42% dành cho các sản phẩm của POSCO Việt Nam, trong khi các sản phẩm của công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và các nhà sản xuất thép khác sẽ chịu mức thuế 33,7%.

Riêng sản phẩm của POSCO, hồi tháng 12/2019 đã bị nước này áp thuế trong 5 năm, ở mức 7,7%, trong khi sản phẩm từ các doanh nghiệp thép khác của Việt Nam sẽ chịu mức thuế trên 20%.

Trước đó, Malaysia cũng đã quyết định áp thuế chống bán phá giá với nhiều sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam. Đơn cử, ngày 28/12/2020, nước này áp thuế bán phá giá 7,73-34,82% lên các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nước ta trong 120 ngày; ngày 23/12/2020, các sản phẩm thép cán dẹt không hợp kim hoặc được phủ nhôm và kẽm nhập khẩu từ Việt Nam bị áp thuế chống bán phá trong 5 năm với biên độ từ 3,06% đến 37,14% tại thị trường này...

Tại thị trường Canada, đầu tháng 2/2021, thép cốt bê tông với kim ngạch xuất khẩu vào Canada đạt xấp xỉ 66.500 tấn, tương đương khoảng 30 triệu USD hàng năm bị kết luận biên độ phá giá là từ 3,7- 15,4%. Thị trường này sẽ quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá.

Tại thị trường Ấn Độ, ngày 11/2, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) thông báo khởi xướng điều tra rà soát phạm vi sản phẩm trong vụ việc chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, DGTR sẽ không xem xét lại biên độ trợ cấp và thiệt hại trong vụ việc gốc trước đây. Được biết, cuộc điều tra này nhằm mục đánh giá lại phạm vi sản phẩm và xem xét loại trừ một số sản phẩm có các tiêu chuẩn đặc biệt mà ngành sản xuất nội địa Ấn Độ không sản xuất được.

Tại thị trường Indonesia, ngày 17/2, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã kết luận điều tra cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam. Qua đó, KADI cho rằng hàng hóa bị điều tra đã bán phá giá và gây ra thiệt hại đáng kể cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của Indonesia và quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá từ 3,01 - 49,2% đối với Việt Nam... 

Ngành thép liên tục
Ngành thép liên tục "dính" vào các vụ kiện phòng vệ thương mại và áp thuế tại nhiều thị trường xuất khẩu. 

Tuy nhiên, câu chuyện ngành thép bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể phụ thuộc nhiều yếu tố “khách quan”, nhưng đáng quan ngại là mặc dù, tần suất các mặt hàng thuộc ngành thép liên tục “lao lý” nhưng các doanh nghiệp vẫn thờ ơ.

Theo bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù biện pháp PVTM đã được cộng đồng doanh nghiệp “quan tâm” hơn. Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện nay, tuy nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đã cao hơn, nhưng con số này chưa nhiều.

“Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có bộ phận rà soát các quy định để đưa ra chiến lược hoạt động thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến khi ký đơn hàng, thậm chí là xuất khẩu hàng đi rồi mới biết quốc gia đó đang áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, vừa qua EU áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với một mặt hàng thép Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất và xuất khẩu sang các quốc gia trong khối này”, bà Giang nêu dẫn chứng. 

Bộ Công Thương vừa ban hành 11 Quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm phôi thép, thép dài, thép cuộn và thép dây nhập khẩu của 9 doanh nghiệp.

Cụ thể, trong vụ việc ER01.SG04, lượng cấp miễn trừ năm 2021 đối với Công ty CP tập đoàn Kim Tín là 2.842 tấn; đối với Công ty CP Kim Tín Hưng Yên là 1.752 tấn; đối với Công ty CP que hàn điện Việt Đức là 3.631 tấn; đối với Công ty TNHH sản xuất que hàn Đại Tây Dương Việt Nam là 1.218 tấn. Tổng lượng cấp miễn trừ thuế tự vệ năm 2021 với sản phẩm phôi thép, thép dài nhập khẩu là 9.443 tấn.

Trong vụ việc AC01.SG04, lượng cấp miễn trừ năm 2021 đối với Công ty CP tập đoàn Kim Tín là 602 tấn; đối với Công ty CP Kim Tín Hưng Yên là 200 tấn; đối với Công ty TNHH cơ khí Kao Meng (Việt Nam) là 179 tấn; đối với Công ty CP thép chính xác Sunway là 363 tấn; đối với Công ty HHCN Lâm Viễn Vĩnh Phúc là 1.174 tấn; đối với Công ty TNHH thép Daeho Việt Nam là 8.342 tấn; đối với Công ty TNHH thép Vĩnh Thành là 1.645 tấn. Tổng lượng cấp miễn trừ thuế chống lẩn tránh năm 2021 với sản phẩm thép cuộn, thép dây nhập khẩu là 12.505 tấn.

Như vậy, tổng lượng cấp miễn trừ thuế tự vệ và thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại năm 2021 cho các sản phẩm thép nói trên là 21.948 tấn.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Lê Triệu Dũng khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần đẩy mạnh các chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh xuất khẩu tập trung nhiều vào một thị trường, bởi khi kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến sẽ rơi vào tầm ngắm khởi kiện của nước nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng và tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thì các doanh nghiệp Thép Việt cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các kiến thức về thương mại quốc tế để chủ động ứng phó với nguy cơ kiện cáo, phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu. "Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải coi trọng yếu tố về phòng vệ thương mại trong chiến lược xuất khẩu của mình. Từ đó, trang bị và cập nhật đầy đủ kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo và khi xảy ra vụ việc thì cần tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để xử lý hiệu quả".

Còn theo ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, không chỉ đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ, mà các sản phẩm nhập khẩu ngày càng bị siết nhằm bảo vệ sản xuất nội địa thông qua việc đưa ra những quy định PVTM. Đây chính là rào cản lớn nhất mà ngành thép phải vượt qua để có thể tận dụng lợi thế EVFTA mang lại.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Bộ Công Thương cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm, cũng như sử dụng công cụ phòng vệ thương mại một cách sắc bén để bảo vệ thị phần thép Việt tại thị trường nội địa.

Về phía doanh nghiệp, "Để hạn chế bị thiệt hại, các doanh nghiệp trong phải thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, lưu ý lẫn nhau trong việc nắm chắc pháp luật tự vệ của các nước, theo dõi lượng xuất khẩu vào những thị trường đối tác để có sự điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, tránh dồn tất cả vào một thị trường sẽ rất rủi ro. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tự khắc phục hạn chế về tài liệu, hồ sơ, chứng từ... để khi bị kiện, có thể giúp việc tháo gỡ dễ dàng hơn", ông Đinh Công Khương - Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai hiến kế. 

Khôi Nguyên