.
Doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) TPHCM bố trí chỗ ở tại chỗ cho nhân viên. Ảnh: QTSC
Hơn 50% doanh nghiệp nhựa tạm dừng hoạt động
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ngành này có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động trên cả nước. Trong đó, 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.
Khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, có đến hơn 50% doanh nghiệp nhựa phải đóng cửa ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 điểm đến”.
“Việc đóng cửa nhà máy khiến doanh nghiệp giao hàng chậm hoặc bị khách hủy đơn hàng, đã có khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác. Có thể nói, chưa bao giờ các doanh nghiệp lại khó khăn, mệt mỏi và kiệt sức như lúc này”, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết.
Do nhiều doanh nghiệp không duy trì được sản xuất với phương án 3 tại chỗ trong thời gian dài, VPA kiến nghị các cơ quan chức năng không duy trì áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” vì chi phí để tổ chức sản xuất theo phương án này tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, không có đủ năng lực tài chính để thực hiện.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhựa đang chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết, tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện giải pháp này trong dài hạn.
Bên cạnh đó, quy định và hướng dẫn của các địa phương về các biện pháp phòng dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Việc này đã gây lúng túng cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi các chủ trương của Chính phủ về việc duy trì sản xuất trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới, cũng như dẫn đến hệ quả là một số địa phương đã áp dụng các biện pháp mạnh để phòng dịch triệt để, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp không có ca bệnh.
Hơn nữa, công nhân ở lại nhà máy quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hiệu quả sản xuất của nhà máy.
Đề xuất cho cách ly F0 tại nhà máy
Để đảm bảo tình hình sản xuất cho doanh nghiệp, VPA kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn, đặc biệt cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, và di chuyển bằng xe cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Người lao động phải đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.
Hiệp hội Nhựa đề xuất, nếu phát hiện F0 ở doanh nghiệp thì áp dụng nguyên tắc “lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động”. Nhà máy được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với F0, đưa vào bộ phận cách ly trong nhà máy để quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F0 tại nhà đang áp dụng ở TPHCM. Nếu F0 khỏe mạnh vẫn có thể làm việc miễn là không tiếp xúc với những người chưa nhiễm virus.
Đối với F1, cần xét nghiệm PCR ngay lập tức và sau 7 ngày tiếp theo. Các F1 thuộc bộ phận có F0 vẫn tiếp tục làm việc trong bộ phận sau 3 ngày khử khuẩn và được quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F1 tại nhà đang áp dụng ở TPHCM.
Tại nhà máy, tổ y tế sẽ theo dõi tình hình của F0, F1 và cập nhật tình hình tới cơ quan y tế, tương tự như hướng dẫn chăm sóc F0, F1 tại nhà.
Lê Anh/thesaigontimes.vn