Doanh nghiệp muốn được chi tiền tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động

14:21 26/05/2021

Việc đề xuất ưu tiên tiêm phòng dịch cho công nhân ở khu công nghiệp là chính đáng, đúng đắn và cần sớm thực hiện để tạo sự yên tâm cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết Chính phủ hồi tháng 2, công nhân không nằm trong diện được ưu tiên tiêm vaccine. Tuy nhiên, diễn biến dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và trước đó là Hải Dương cho thấy, công nhân khu công nghiệp thuộc nhóm dễ lây nhiễm, tốc độ lây nhanh và có thể lan rộng trong cộng đồng. Chỉ một ngày 25/5, Bắc Giang ghi nhận tới 375 ca Covid-19, chủ yếu là công nhân khu công nghiệp.

Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ về việc bổ sung công nhân lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông lao động vào nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm đã được nhiều công nhân lao động, cán bộ Công đoàn đánh giá cao và mong muốn Chính phủ sớm triển khai đề xuất này.

Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) ngày 20/5 có văn bản đề nghị xếp công nhân vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine do thuộc khu vực nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Chủ tịch VASI Lê Dương Quang, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, để việc tiêm vaccine được triển khai sớm, hiệu quả. 

Tập đoàn An Phát Holdings lên kế hoạch phối hợp cùng Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho CBCNV. Song song với trách nhiệm đối với cộng đồng, An Phát Holdings cũng luôn thể hiện sự quyết liệt và quan tâm tới mỗi CBCNV - những nhân tố chính đóng góp vào sự phát triển của tập đoàn.

Về hoạt động phòng chống Covid-19 trong nội bộ doanh nghiệp, An Phát Holdings luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất và văn phòng, đảm bảo “An toàn cho sản xuất, an toàn cho người lao động”. Tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn vẫn an toàn tuyệt đối và chưa từng ghi nhận ca mắc Covid-19.

Ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần in số 7 - cho hay, do tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nên ngay từ đầu năm, Công ty đã có kế hoạch xây dựng chương trình tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho tất cả 300 người lao động trong công ty và có thể mở rộng ra thêm ra 1 hoặc 2 thân nhân của mỗi người lao động. Ước tính số tiền cho chương trình từ khoảng 360 triệu đến 400 triệu đồng.

“Đây là nguyện vọng chung của tất cả người lao động, của Công đoàn và doanh nghiệp, nên công ty sẵn sàng trả toàn bộ chi phí này để tạo sự yên tâm cho người lao động và doanh nghiệp, xã hội. Cái khó là hiện nay không thể tìm ra được nguồn vaccine để thực hiện chương trình này. Do đó, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc cần ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp đông lao động là hết sức đúng đắn và mong muốn sớm thực hiện được đề xuất này” - ông Tâm nói. 

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (có khoảng 7.000 người lao động trong Khu công nghiệp Tân Bình) - cũng cho hay, công ty sẵn sàng trả các chi phí tiêm vaccine phòng dịch cho tất cả người lao động để họ yên tâm làm việc và doanh nghiệp cũng bớt phần lo lắng. Tuy nhiên, hiện công ty cũng không tìm ra nguồn vaccine để thực hiện mong muốn của người lao động.

Còn chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam Lưu Kim Hồng nhận xét: "Khu công nghiệp là nơi có đông công nhân, đa phần công nhân đều ở trọ, việc phòng ngừa, kiểm soát dịch tại khu nhà trọ ít có điều kiện chặt chẽ như tại doanh nghiệp. Nên nếu có sự lây nhiễm dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn đến số lượng người lao động cũng như doanh nghiệp. Do đó, việc đề xuất ưu tiên tiêm phòng dịch cho công nhân ở khu công nghiệp là chính đáng, đúng đắn và cần sớm thực hiện để tạo sự yên tâm cho cả người lao động và doanh nghiệp".

Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam kiến nghị Chính phủ ưu tiên cấp bách tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; Cho phép các doanh nghiệp đóng góp tài chính để được mua vaccine tiêm cho người lao động theo chủ trương xã hội hóa, cũng như tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp để mang nguồn cung vaccine về cho Việt Nam trên cơ chế cùng tham gia đóng góp tài chính.

Hiệp hội Da Giày Túi xách cho biết, năm 2020 và quý 1/2021 nhờ sự đảm bảo kiểm soát dịch tốt so với các nước trong khu vực, mặc dù các nhãn hàng đều cắt giảm 30 – 35% tổng đơn hàng toàn cầu, song họ đã dịch chuyển các đơn hàng từ Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc…về Việt Nam để sản xuất. Năm 2020 toàn ngành đạt kim ngạch 19,8 tỷ USD, chỉ giảm 10% trong khi toàn cầu suy giảm tới 22%. Bước sang năm 2021 kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn 10%/tháng so với năm trước.

Trước hiệp hội này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có động thái tương tự kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ mua vaccine Covid-19. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Lâm Nghi (t/h)